Nhắc đến nghệ nhân Y Bông Niê- tên thường gọi là Ama H’Loan, đồng bào buôn Ako Dhong (phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột) đều biết bởi ông nổi tiếng với việc chế tác và chơi thuần thục tất cả các loại nhạc cụ dân tộc Ê Đê. Ở tuổi 76, nghệ nhân Y Bông rất minh mẫn, hào hứng giới thiệu chi tiết từng loại nhạc cụ mỗi khi ai muốn tìm hiểu.
Bắt nguồn từ đam mê
Sinh trưởng giữa những lễ hội đặc sắc của dân tộc, Ama H’Loan say mê tiếng chiêng, tiếng sáo khi nào không hay. Tuổi thanh niên, ông nhập ngũ, đến nhiều buôn làng Tây Nguyên nên có cơ hội tiếp xúc, hiểu nhiều biết rộng. Sau các giai đoạn đói ăn thiếu mặc, rồi đến thời hội nhập mở cửa, nhiều lễ hội, phong tục tập quán dần dà bị quên lãng. Nhiều loại chiêng, kèn, đàn sáo ngày nào vang tiếng khắp buôn làng nay chỉ còn lại trong kí ức. Lo sợ văn hóa dân tộc mai một, ông quyết tâm lưu giữ bằng mọi cách.
Ama H’Loan lặn lội khắp nơi học hỏi, ghi chép, làm theo. Những nguyên liệu tự nhiên thô sơ như sừng trâu, tre nứa, quả bầu khô, sáp ong tưởng chừng vô hồn qua bàn tay khéo léo tài hoa của ông đã phát ra những âm thanh lay động lòng người. Các loại nhạc cụ như Đing năm, Đing puốt, Tak-ta… được ông chế tác ngày càng bắt mắt, tinh xảo khiến du khách thích thú. Ông tâm sự: “Mọi thứ đều bắt nguồn từ đam mê, ham học hỏi chứ không phải ngẫu nhiên. Để làm được các loại nhạc cụ này ta phải quan sát, lắng nghe kỹ âm thanh phát ra, thấu hiểu âm điệu rồi lần mò chế tác. Người kiên trì, say mê làm đến cùng nhất định sẽ thành công”.
Mỗi ngày Ama H’Loan có thể làm được một chiếc Đing năm, gồm 6 ống trúc dài ngắn khác nhau được xếp thành hai bè, mỗi bè 3 ống. Tất cả cắm một đầu vào quả bầu khô. Trên lưng mỗi ống trúc được khoét một lỗ ở vị trí khác nhau để phát ra âm thanh. Theo tục lệ, Đing năm chỉ thổi khi có đám tang, tuyệt đối không được thổi trong nhà. Các loại khác thì đơn giản hơn, như Đing puốt (một loại nhạc cụ giống tiêu) nếu sẵn nguyên liệu, mỗi ngày ông có thể chuốt được vài chiếc. Nhạc cụ do ông làm ra được nhiều người yêu thích đặt mua với giá từ 100- 500 nghìn đồng tùy loại.
Đau đáu nỗi lo thất truyền
Các loại nhạc cụ sử dụng trong lễ hội
Say mê chế tác, sử dụng nhạc cụ vào hàng bậc thầy ở Đắk Lắk, nghệ nhân Ama Kim (tên thật là Y Mip Ayun) buôn Ko Siêr, phường Tân Lập cũng đang tìm người kế thừa. Yêu và dành cả đời gắn bó với các giai điệu của nhạc cụ dân tộc, Ama Kim từng được mang văn hóa, âm nhạc của con người Tây Nguyên đến với bạn bè quốc tế như Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Ý... Ông đã nhận nhiều danh hiệu và giải thưởng như Nghệ nhân xuất sắc tại Liên hoan Văn hóa nghệ thuật Tây Nguyên; giải Bông sen vàng tại Liên hoan Hòa tấu âm nhạc dân tộc TPHCM lần thứ 2; Huy chương vàng Liên hoan Văn hóa cồng chiêng toàn quốc; Huy chương vàng các tiết mục hòa tấu nhạc cụ ... Nhưng điều đó không làm nguôi đi niềm trăn trở trong ông: “Tôi nay tuổi cao sức yếu, chỉ mong có người kế thừa nhưng vẫn chưa tìm được. Tôi từng mở lớp dạy đánh chiêng, chơi nhạc cụ dân tộc Ê Đê miễn phí cho thanh thiếu niên trong các buôn làng nhưng chúng cũng chỉ học để biết chứ không say mê theo nghề khiến tôi rất buồn” - Ama Kim trải lòng.
Nghệ nhân Ama H’Loan đã nhiều lần đề nghị chính quyền địa phương tổ chức lớp học dạy về nhạc cụ, nhưng hiệu quả chưa đáng kể. Bất kỳ ai, chỉ cần đam mê, muốn học đánh chiêng, chế tác nhạc cụ, ông đều sẵn lòng truyền lại tất cả. Chỉ mong thế hệ trẻ biết gìn giữ, phát huy tinh hoa văn hóa mà ông cha đã để lại.
Nhạc sĩ Võ Đức Trí, giảng viên khoa Âm nhạc và múa, trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk, chuyên gia nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn văn hóa Ê Đê cho biết: Số người biết chế tác, sử dụng nhạc cụ dân tộc Ê Đê như nghệ nhân Ama H’Loan, Ama Kim trên Tây Nguyên còn rất ít. Khi nào chính quyền thật sự đưa việc bảo tồn văn hóa vào các dự án lớn, lâu dài, có tính khả thi với sự vào cuộc đồng bộ của các ban ngành liên quan, các loại nhạc cụ dân tộc bản địa mới có cơ may không bị thất truyền, mai một.