Trong báo cáo mới nhất vừa gửi Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong 3 tháng đầu năm sản lượng điện toàn EVN đạt 62,66 tỷ kWh, tăng trưởng 11,42% so với cùng kỳ 2023.
Tại một số tỉnh thành phố, lượng điện tiêu thụ cho công nghiệp tăng rất cao như Quảng Ninh (tăng 44,65%), Tây Ninh (tăng 27,09%), Bình Định (tăng 24,28%)... Điện cấp cho kinh doanh dịch vụ cũng có mức tăng trưởng cao, như Khánh Hoà tăng 38,87%, Quảng Nam tăng 33,11%, Đà Nẵng tăng 28,5%, Kiên Giang tăng 23,89%. Nắng nóng cũng làm cho tiêu thụ điện sinh hoạt tăng cao với mức tăng trưởng khoảng 13,71%.
Liên quan đến tình hình cung ứng điện, Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công Thương cho biết, nắng nóng gay gắt kéo dài ở nhiều địa phương những ngày qua khiến tiêu thụ điện trên toàn quốc tiếp tục duy trì ở mức cao. Lượng điện tiêu thụ trung bình mỗi ngày của cả nước tới 881,2 triệu kWh, cao hơn 2,4 triệu kWh so với tuần trước.
Nếu so với tính toán dự kiến của tháng 4, điện tiêu thụ thực tế đã tăng cao hơn tới 15,5 triệu kWh. Trong đó, riêng miền Bắc, tiêu thụ điện một tuần qua đã tăng thêm hơn 13 triệu kWh/ngày. “Tính từ đầu năm đến nay, tiêu thụ điện tăng trưởng khoảng 10,5% so với cùng kỳ năm 2023. Miền Bắc tăng 10,2%, miền Trung tăng 7,6% và miền Nam tăng 11,3%”, Cục Điều tiết Điện lực cho hay.
Theo Cục Điều tiết Điện lực, do ảnh hưởng của nắng nóng miền Bắc, phụ tải tăng cao, các thủy điện sẽ vẫn phải tiếp tục duy trì việc khai thác ở mức cao cho đến tận kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5.
Điều đáng quan ngại nhất chính là các hồ thủy điện khu vực miền Bắc có lưu lượng nước về thấp, chỉ đạt khoảng 25-80% trung bình nhiều năm. Khu vực miền Trung đang có tới 21/27 hồ có diễn biến nước thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm, chỉ đạt từ 17 - 92% của trung bình nhiều năm. Chỉ có 7/27 hồ có nước về tốt nhưng đều là các hồ thủy điện nhỏ như ĐakĐrinh, Thượng KonTum, Đak Re. Tại khu vực miền Nam, ngoại trừ hồ thủy điện Đồng Nai 2, Trị An có nước về cao hơn trung bình nhiều năm, tất cả các hồ còn lại trong khu vực đều có nước về chỉ đạt từ 24-74% trung bình nhiều năm.
Để đảm bảo nguồn điện, cơ quan quản lý đã buộc phải tăng huy động nhiệt điện để tiết kiệm thủy điện đồng thời tận dụng tối đa khả năng truyền tải trong các khung giờ thấp điểm trưa để tiết kiệm thủy điện miền Bắc. Các nhà máy BOT (Duyên Hải 2, Phú Mỹ 22, Vân Phong 1) được huy động để đảm bảo nhu cầu hệ thống.
Về việc đảm bảo điện cho những ngày nắng nóng và các tháng cao điểm mùa khô (tháng 5, 6, 7) sắp tới, trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Bộ Công Thương cho biết đã yêu cầu EVN và các đơn vị như TKV, PVN xây dựng kế hoạch cung cấp điện, cung cấp nhiên liệu (than, khí, dầu) chủ động, có dự phòng ứng phó với các tình huống cực đoan có thể xảy ra, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung năng lượng do nguyên nhân chủ quan.
Bộ đã yêu cầu EVN cập nhật kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô và cả năm 2024 cho chủ đầu tư các nhà máy điện và các đơn vị liên quan. Hàng tháng, các đơn vị phải rà soát, cập nhật số liệu cung cấp điện và vận hành hệ thống. Trong trường hợp có biến động lớn về phụ tải hay nguồn điện, báo cáo Bộ Công Thương để có điều chỉnh phù hợp.