Thái Doanh Nghi (sinh năm 1999, quê ở TP HCM) hiện là sinh viên năm 3 ngành Kiểm toán của Đại học DePaul và đang sinh sống tại thành phố Chicago, bang Illinois, Mỹ.
Doanh Nghi được học bổng trao đổi học sinh năm lớp 11 và đi học lớp 12 ở Mỹ. Sau một thời gian học tập, cô bạn thích thú với môi trường học tập đa dạng nơi đây và quyết định nộp hồ sơ tiếp tục học lên đại học.
Năm đầu đại học, Nghi rơi vào trạng thái mông lung và chưa biết rõ mình thích ngành gì. Vì vậy, cô bạn không chọn học luôn ngành nào mà thay vào đó là học nhiều lớp cơ bản khác nhau để hiểu xem bản thân thích ngành nào nhất. Khi tham gia học một lớp Kế toán tài chính, Nghi đã tìm được nguồn cảm hứng và bắt đầu nghĩ đến lựa chọn học ngành Kiểm toán.
Lựa chọn đi du học từ trung học nên Nghi phải học cách sống tự lập sớm hơn nhiều bạn bè đồng trang lứa khác. Bên cạnh đó, Nghi cũng bày tỏ gặp khó khăn khi vốn ngoại ngữ tích luỹ được không nhiều nên việc sử dụng tiếng Anh để học năm lớp 12 ở Mỹ thực sự vất vả.
"Mình nhớ, mỗi lần các bạn người Mỹ đùa với nhau bằng tiếng Anhm mình thấy lạc lõng lắm bởi không hiểu gì. Nhưng dần dần, nhờ thầy cô mình cũng bắt đầu thích nghi và tìm ra phương pháp học tập cho bản thân", Nghi bày tỏ.
Tuy ban đầu, Nghi mất thời gian "loay hoay" thích nghi với cuộc sống, văn hóa mới nhưng nữ sinh cũng đã cân bằng lại nhanh chóng. Liên tiếp các kỳ học cô bạn đều có điểm GPA đạt 4.0.
Đặc biệt, trong năm 3 đại học, Nghi đã vượt qua khoảng 5.000 ứng viên để trở thành thực tập sinh của Deloitte thuộc nhóm Big4 (4 hãng kiểm toán lớn nhất thế giới về quy mô và doanh thu).
"Trong suốt mùa hè trước khi vào năm 3, mình đã tham gia rất nhiều sự kiện giao lưu (online) do Deloitte và các công ty khác tổ chức để lắng nghe những bí quyết mà họ chia sẻ. Đồng thời sau mỗi buổi như vậy, mình sẽ xin email của các khách mời và viết thư cảm ơn họ cũng như ngỏ lời mong muốn được học hỏi thêm.
Về phần phỏng vấn, mình dùng phương pháp STAR (Situation-Tasks-Actions-Result) đã học được từ thầy cô. Khi phỏng vấn, mình để cho bản thân thả lỏng hết mức có thể giống như đang trò chuyện thông thường. Và quan trọng, ở cuối buổi, mình đã mạnh dạn hỏi người phỏng vấn về kinh nghiệm cá nhân và xin họ cho lời khuyên nếu họ được trở lại tuổi của mình một lần nữa. Mình cảm thấy câu hỏi này đã làm cho người phỏng vấn ấn tượng và thoải mái chia sẻ kinh nghiệm với mình hơn", Doanh Nghi chia sẻ cách gây ấn tượng khi ứng tuyển làm thực tập sinh.
Bí quyết chinh phục điểm GPA tuyệt đối của Thái Doanh Nghi:
𝟭. Ghi chép-Bài tập-Ghi chép (Phương pháp dành cho những môn có công thức)
→ Hãy ghi chép ý của thầy cô theo cách bạn hiểu vào tập vì phương pháp ghi bài là bước đầu tiên để giúp bạn nhớ. Đặc biệt, khi bạn ghi chép theo cách bản thân hiểu thay vì chép theo lời của thầy cô hoặc theo slide lecture, bạn đã biến kiến thức thành kiến thức riêng của mình và từ đó, sẽ dễ dàng để bạn nhớ hơn trong quá trình học.
→ Tranh thủ làm bài tập của môn đó trong ngày hoặc là ngày hôm sau vì lúc này, kiến thức vẫn còn mới và đây là thời gian hiệu quả để bạn giúp não bộ ôn tập thêm một lần nữa.
→ Đối với những câu khó, các bạn có thể tham khảo lời giải trên Google hoặc là trong sách. Sau khi đã đọc qua 2-3 lần phần lời giải, hãy ghi chép câu hỏi và lời giải này ở ngay dưới phần ghi bài theo mục example (ví dụ) kèm chú thích theo cách bạn hiểu để giải ra đáp án đúng. Như vậy, lúc ôn tập kiểm tra, bạn sẽ dễ dàng ôn tập lại luôn những câu hỏi này. Và ngay cả khi ghi chép vào vở, bạn cũng đã làm não bộ của mình nhớ lời giải này lâu hơn một chút rồi đó!
𝟮. Hiểu thay vì học thuộc (Phương pháp dành cho những môn viết luận)
→ Đối với những môn viết luận, mình cũng ghi chép ý của thầy cô theo cách bản thân hiểu như ở phần (1). Hãy cố gắng ghi theo dạng tóm tắt và dùng mũi tên thay vì ghi đoạn văn. Vì khi ôn tập, bạn chỉ cần học ý chính trong vở, sau đó viết và thêm thắt theo cách bạn hiểu những ý đó thành đoạn văn trong bài kiểm tra.
→ Một tips nữa là các bạn có thể học theo dạng topics. Ví dụ như mỗi chương là một chủ đề (topic). Bạn có thể gom các chương, mục có cùng topic vào với nhau và ghi một bản tóm tắt hoàn chỉnh vào một tờ giấy rời. Khi bạn ghi chép, não bộ đã ghi nhớ một chút những kiến thức này. Sau đó, bạn chỉ cần học bản tóm tắt là có thể "chém" trong bài kiểm tra rồi!
𝟯. Chủ động đuổi deadline chứ đừng để deadline đuổi (Sắp xếp thời gian hiệu quả)
→ 2 tuần đầu tiên cực kì quan trọng! Khi bắt đầu học kì, thầy cô sẽ cho mình một tờ syllabus (kế hoạch bài giảng) gồm tất cả những mốc deadline quan trọng, hãy lưu ý những dự án đó. Tips của mình là trong tuần 1, mình sẽ dành thời gian làm hết bài tập cho tuần đó (nếu có) kèm thêm những bài tập cho tuần 2 mà mình có thể làm trước. Như vậy, qua tuần mình sẽ có thêm thời gian cho những môn khác. Và cứ tiếp tục làm như vậy, đến cuối kì bạn sẽ hoàn thành được 1 môn trước.
→ Đối với những dự án nghiên cứu hay làm nhóm, bạn hãy để deadline cho bản thân hoặc nhóm là 1 tuần trước deadline thật. Sau đó bạn chia nhỏ dự án ra thành 3 hoặc 4 phần đều nhau và làm mỗi phần một tuần cho tới deadline giả. Như vậy bạn sẽ có 1 tuần dư ra để phòng ngừa tất cả các tình huống ngoài ý muốn.
𝟰. Học và nghỉ ngơi hiệu quả
→ Trung bình mình sẽ học từ 4 - 5 lớp (12-16 credits), hãy sắp xếp lịch trình của bạn thật hiệu quả từ thứ 2 đến thứ 6 (hoàn thành mọi thứ trước 6h chiều) và dành thứ 7, CN để thả lỏng bản thân. Tips của mình là mình sẽ dành 2 môn nhẹ cho thứ 2, và 3 môn nặng kí cho những ngày tiếp theo (mỗi môn 1 ngày). Như vậy mình sẽ không bị ngán khi tuần mới bắt đầu.
→ NGHỈ NGƠI! NGHỈ NGƠI! NGHỈ NGƠI! Đây là bí quyết học tập hiệu quả nhất! Sau một ngày học tập từ sáng đến 6h chiều, não bộ sẽ bắt đầu hoạt động chậm hơn và không còn hiệu quả. Vì vậy, thay vì cố gắng nhồi nhét không hiệu quả (tốn thời gian hơn bình thường), bạn hãy để bản thân thả lỏng giải trí, ăn uống, ngủ đủ giấc và tiếp tục học vào ngày hôm sau.