“Thẩm” tiếng chiêng khi còn trên lưng mẹ
Nghệ nhân Mabio (thôn Diom A, xã Lạc Xuân, Đơn Dương, Lâm Đồng) kể, mọi người trong gia đình bà đều mê chiêng và thích múa hát. Tuổi thơ chênh chao trên lưng mẹ, Mabio được ru giấc nồng bằng những câu đồng dao, những bài hát ru, hát đối, điệu khèn du dương và nhịp chiêng mênh mang tựa hồ như tiếng vọng bí ẩn tự ngàn xưa của núi rừng.
“Suốt mấy chục năm buôn làng vắng điệu vũ, tiếng chiêng, mình buồn lắm. Từ năm 2005, mình bắt đầu dạy chiêng, trống và các điệu vũ truyền thống cho bọn trẻ. Ban đầu chúng chê nhạc truyền thống quá lạc hậu, khó hiểu. Thuyết phục mãi mới chịu theo học”.
Nghệ nhân Mabio cho biết
Từ năm lên 10, Mabio đã biết cầm dùi đánh chiêng một cách tự nhiên. Mỗi khi nghe tiếng chiêng, đôi chân Mabio bất giác nhún nhảy khá đúng nhịp. Ngỡ ngàng trước sự xuất thần ấy, người mẹ liền truyền dạy chiêng cho Mabio. Đến tuổi trăng tròn, Mabio nổi tiếng khắp vùng bởi nhịp chiêng quyến rũ và điệu múa mê hoặc. Bà còn nhớ tất cả các lễ hội lớn nhỏ của buôn làng đều phải có tiếng chiêng, điệu vũ. Tiếng chiêng dài hơn đời người.
Tuy nhiên đến đầu thập niên 1980, khi Mabio bước sang tuổi 20 cũng là lúc đời sống của buôn làng khó khăn, thiếu thốn. Ai nấy chật vật với việc mưu sinh nên chiêng, trống bị xếp vào kho, bán đồng nát hoặc đổi lấy cơm áo, vật dụng sinh hoạt… Đầu thế kỷ XXI, khi cái nghèo, cái đói lùi dần thì cồng chiêng “chảy máu”, thanh niên thờ ơ với âm nhạc truyền thống, chỉ mê pop, rock. “Sợ rằng mất chiêng ché thì linh hồn của người Chu Ru sẽ bơ vơ lạc lõng nên mình đến từng nhà khuyên đừng bán chiêng. Gia đình nào quá nghèo túng không thể làm khác được thì mình bán ruộng để mua, quyết giữ cho được chiêng cổ”, bà Mabio tâm sự.
Hồi sinh nhịp chiêng và vũ điệu Arya
Tuy đã 56 tuổi, vóc dáng có phần đẫy đà nhưng cách lắc hông của Mabio vẫn uyển chuyển, gợi cảm, đôi tay uốn lượn mềm mại. Bà Mabio đang dạy cho các nam nữ thanh niên luyện bài chiêng và vũ điệu mang tên Arya, điệu múa cổ xưa của tộc người Chu Ru. “Arya là vũ điệu nhẹ nhàng, uyển chuyển gồm những bước di chuyển ngắn, nhịp nhàng, phối hợp giữa co và duỗi chân tay, nhún nhảy đung đưa thân mình. Là điệu múa mang tính cộng đồng cao với động tác có vẻ đơn giản nên mọi người, kể cả du khách đều có thể hòa nhịp. Tuy nhiên phải kỳ công tập luyện mới có thể múa thành thạo, lột tả hết nét quyến rũ của vũ điệu này”, bà Mabio nói rồi bảo các sơn nữ múa cho chúng tôi xem.
Men rượu cần và ánh lửa bập bùng khiến gương mặt sơn nữ ửng hồng, ánh mắt long lanh; động tác múa vì thế càng quyến rũ, ngất ngây. Đến lúc cao trào, các cô lắc toàn thân một cách hoang dại. Sự hóa thân xuất thần của sơn nữ trong điệu múa xưa khiến người xem liên tưởng đến những bức tượng nữ thần phiêu linh, huyền hoặc trên tường tháp cổ ở xứ Chăm. Lý giải điều này, già Ya Ba nói, ngày xưa vì sự cai trị hà khắc của nhiều quan lại ven biển Nam Trung Bộ, một bộ phận người Chăm đã trốn lên núi sinh sống cùng các tộc người Mạ, K’Ho ở Nam Tây Nguyên và lấy tên là Chu Ru, nghĩa là chiếm đất. Có lẽ vì vậy vũ điệu Chu Ru có nét giống người Chăm, tiếng chiêng nghe thăm thẳm như hoài nhớ, bày tỏ nỗi niềm.
Vũ điệu Arya.
Theo ông Tou Prong Dzung, nhà nghiên cứu kỳ cựu về văn hóa Chu Ru, Arya là nhịp chiêng đồng thời là vũ điệu cơ bản và đặc sắc nhất của người Chu Ru, được cộng đồng lưu giữ, phát triển đến chuẩn mực. Arya vốn không thể thiếu trong lễ hội và những sự kiện trọng đại suốt cuộc đời mỗi con người, thế nhưng dần dà cũng bị lãng quên.
Đến khi nhóm đệ tử đầu tiên của bà tấu chiêng, nhảy múa thuần thục, biểu diễn ở nhiều tỉnh thành và mang về không ít giải thưởng thì bọn trẻ mới hào hứng hơn. Đến nay, sau hơn chục năm, nghệ nhân Mabio đã dày công vận động, chỉ dạy cho 70 - 80 nam nữ thanh niên tấu chiêng và múa hát.
Mặc dù đã xây ngôi nhà mới khang trang nhưng nghệ nhân vẫn giữ lại nếp nhà gỗ xưa cũ để nuôi chiêng. Bà bảo nhà xây xi măng, lợp mái tôn lạnh lẽo, kín mít thì không thể đốt lửa để mời gọi thần lửa về, xin thần cho gióng trống, gõ chiêng, thổi khèn m’buốt. Cầm dùi gõ vào 3 cái trống da nai độc đáo và 3 bộ chiêng (mỗi bộ 3 chiếc), bà nói: “Mấy bộ chiêng cổ Chu Ru quý giá này, mình phải tranh mua với những tay buôn đồ cổ. Còn kia là 2 bộ chiêng bằng (mỗi bộ 6 chiếc) tậu từ vùng khác”.