Nữ 'chiến binh' xe ôm trên núi Cấm

TP - Trên đỉnh núi Cấm (An Giang) có không ít những bóng hồng mưu sinh bằng nghề chạy xe ôm chở khách hành hương. Họ bất chấp những hiểm nguy - đường đèo dốc khó đi, thời tiết khắc nghiệt...
Chị Võ Thị Hồng Thắm đang chở khách. Ảnh: Hòa Hội

Cược mạng

“Ngồi chắc nghe em, chuẩn bị lên dốc thẳng đứng nguy hiểm lắm!”. Chị lái xe ôm vừa rồ ga, vừa dặn người khách ngồi sau xe là tôi. Một lát sau chị phát lệnh: “Chuẩn bị xuống dốc, ngồi thẳng lưng, hai tay vịn vành sắt phía sau cho vững!”. Cứ như thế, người phụ nữ lái xe ôm khi tăng, khi giảm ga, chân đạp cần trả số liên tục để trườn theo  những đoạn dốc đứng, hẹp và quanh co. Còn tôi thót tim, nhất là khi đến những đoạn đường cheo leo, dưới chân là vực thẳm. Như biết được nỗi lo của khách, chị lái xe ôm trấn an: “Em mới đi lần đầu nên lo sợ, chứ tụi tui chạy hằng ngày, riết quen rồi. Yên tâm nha!”.

Người vừa trấn an tôi là Võ Thị Hồng Thắm, nhà ở ấp An Hòa, xã An Hảo huyện Tịnh Biên (An Giang). Sau khi chở tôi vượt qua gần 2 km đường núi từ Điện 13 sang Cửu Phẩm, chị Thắm dừng xe, thở phào và nở nụ cười tươi. Người đàn bà gầy gò, nước da ngăm đen, vừa bước sang tuổi 42, có thâm niên trên 10 năm trong nghề chạy xe ôm trên núi. Chị cho biết, nhà không ruộng đất, hơn 10 năm qua chị sống một mình nuôi con và con gái duy nhất của chị năm nay lên lớp 11.

Trong khi chờ đợi khách hành hương cúng kiếng, chị ngồi xả hơi ngay trên chiếc xe của mình. Theo lời chị, vị trí này cao gần 700m so với mực nước biển. Mọi ngõ ngách dẫn đến các khu hành hương như điện Bồ Hong, điện Cửu Phẩm, Cửu Huyền, Cao Đài tự… đường đều nhỏ, hẹp, dốc cao, có khi dựng đứng lại kéo dài và lởm chởm đất đá nên người cầm tay lái phải có “nghề”.

“Nhờ bản tính cẩn thận, hơn nữa, mình nghĩ tính mạng của hành khách cũng như chính mình nên an toàn là trên hết. Đối với khách, cũng chưa bao giờ làm phật lòng ai. Nhờ vậy, khách tin tưởng chọn tài xế nữ”.

Chị Võ Thị Hồng Thắm, người chạy xe ôm trên đỉnh núi Cấm

Theo chị Thắm, chở khách trên núi khó hơn chạy dưới đồng bằng gấp nhiều lần. “Mỗi khi lên dốc hay xuống dốc, tôi đều phải nhắc khách ngồi cho đúng tư thế, vì chỉ cần sơ suất nhỏ là hối hận cả đời. Ví như, nếu lên dốc mà khách ngồi hơi lệch phía sau sẽ mất thăng bằng, dễ bị lộn đầu rơi xuống núi hoặc té bầm giập, chuyện này ở đây xảy ra nhiều vụ”- chị Thắm nói.

Chị còn kể: “Lúc mới vào nghề, té bầm giập, vết thương này chưa lành thì vết thương khác chồng lên, nhưng cũng phải cố vượt qua”.

Đồng nghiệp với chị Thắm là chị Trần Thị Thanh Tuyền, 36 tuổi, có làn da trắng, dáng người mảnh mai. Phương tiện kiếm cơm của chị Tuyền là chiếc xe gắn máy cà tàng, tiếng nổ bành bạch. Vì con đường chạy hằng ngày đang sửa chữa nên chị Tuyền chở tôi lên chùa Phật Lớn nằm trên đỉnh núi Cấm bằng đường “tiểu ngạch”.

Theo chị Tuyền,  dân xe ôm chuyên nghiệp ở đây cũng phải ngán đoạn đường này. “Chúng tôi gọi là… dốc trời ơi, bởi nó nằm ở độ cao hơn 600m, đường hẹp, cua khúc khuỷu và dựng đứng. Nếu tâm lý và tay lái yếu rất dễ bị rơi xuống vực”- chị Tuyền cho biết.

Những giọt nước mắt tủi cực của chị Thắm.

Khi chạy vừa đến dốc “trời ơi”, chị Tuyền cài số 1, kéo hết ga, tiếng máy gào lên khô khốc, lốc máy kêu lọc cọc. Thấy tôi sợ, chị Tuyền trấn an: “Bình tĩnh, cứ ngồi chắc, để chị xử lý, nếu không sẽ dễ bị tuột dốc rất nguy hiểm”. Khi xe vượt qua dốc “trời ơi” cũng là lúc tôi nhận thấy tim mình đập loạn xạ, mồ hôi trên người túa ra. Chị Tuyền tiếp tục trấn an: “Đường này ngày nào cũng chạy nên “thuộc nằm lòng”, chỗ nào cua, chỗ nào dốc khó chịu...”.

Đợi khi qua khỏi đoạn khó nhất, chị Tuyền thú nhận: “Lúc mới vào nghề chở khách lên núi cũng ớn lắm. Nhất là những đoạn như thế này, hễ ai yếu tay lái va vào vách núi như chơi”.

Chật vật

Vợ chồng chị Tuyền có hai con gái, đứa lớn chuẩn bị vào lớp 9, đứa nhỏ vào lớp 7, nhưng vẫn chưa có nhà riêng và đang ở nhờ nhà mẹ ruột. Chồng chị Tuyền cũng làm nghề xe ôm, đến nay được 17 năm. Tôi gặp chị Tuyền đúng lúc chị đang loay hoay phụ người chị bán cơm ở dưới chân núi. “Từ sáng giờ, hai vợ chồng chưa kiếm được đồng nào. Hằng ngày, lúc không có khách, hai vợ chồng phụ chị bán cơm. Bù lại, chị cho vợ chồng, con cái tôi ăn miễn phí”- chị Tuyền kể.

Chị lo lắng bởi từ tháng 4/2016 đến giờ, vì sửa đường nên hạn chế xe lên xuống, mỗi ngày chỉ có khoảng 2 giờ để lên xuống núi. “Gần chục ngày qua cả 2 vợ chồng đều ế khách, thu nhập bữa có bữa không. Tình hình như này, không biết lo cho con được đến đâu”- giọng chị Tuyền buồn bã.

Năm 2011, con đường lên núi bị lở đá, việc chạy xe phải ngưng nhiều tháng trời. Vợ chồng chị đành gửi con cho ông bà ngoại rồi khăn gói lên Bình Dương làm thuê. Gần một năm sau, khi đường lên núi thông trở lại, vợ chồng chị trở về quê tiếp tục chạy xe. “Nghề xe ôm là cần câu cơm nên phải quay về tiếp tục “bám núi, đổi gạo”. Nhưng cái chính là được ở bên cạnh con cái, khi chúng đang tuổi ăn, tuổi lớn”- chị Tuyền nói.

Chị Võ Thị Thu Lan, 49 tuổi, người cùng xã An Hảo, cũng mưu sinh bằng nghề chạy xe ôm trên núi Cấm. Một ngày giữa tháng Bảy, tôi gặp chị Lan ở chợ “chồm hổm” gần tượng Phật Di Lặc khi chị đang ngóng khách du lịch. Chị cho biết, sáng sớm khi cửa ở chân núi mở là chị chạy lên núi chở khách, đến chiều tối cửa dưới chân núi mở mới về nhà được. Chị cho biết, ngày khách đông có thể kiếm được từ 100.000 - 200.000 đồng,  nhưng gặp trời mưa, như sáng sớm nay, là thấy đói vì chẳng có khách nào lên núi.

Võ Thị Thu Lan đang đón khách trên đỉnh núi Cấm.

Gia đình chị Lan có 5 người, gồm vợ chồng chị, vợ chồng con trai lớn và con trai út. Con trai út vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự, đang học nghề. Cả nhà có 2 xe, một xe dành cho con trai út đi học nghề ở huyện, chiếc còn lại 3 người thay phiên nhau chạy. Nhưng gần năm nay, chạy xe ế quá, chồng và con trai thất nghiệp, chị phải chạy xe lên núi kiếm tiền về nuôi cả nhà.

“Tuổi đã lớn, sức yếu, muốn “sang tên” cho con út chạy xe nhưng không được giải quyết. Vợ chồng ở nhà không tiền, gặp nhau riết bứt rứt, gây cự cãi. Cách nay vài tháng, con dâu mới cưới chưa được bao lâu, thấy tương lai mù mịt, nó bỏ nhà về ở mẹ ruột”- chị Lan ngậm ngùi. 

Những tấm lòng vàng

Trước đây, đội xe ôm tính cả trong lẫn ngoài nghiệp đoàn lên đến trên cả nghìn người, trong đó, có gần 300 phụ nữ. Hiện nay, con đường từ chân núi lên đỉnh đang sửa chữa do lở đá, đi lại khó khăn nên nhiều người đã bỏ xứ đi nơi khác làm ăn. Còn đội xe ôm nữ cũng teo tóp dần để theo chồng hoặc làm nghề khác, giờ còn chưa đầy ba chục người.

Dù nghèo khó, nhưng những người phụ nữ chạy xe ôm sẵn sàng chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn hay ủng hộ địa phương làm đường. Chị Tuyền cho biết, những con đường dân sinh nhỏ trên núi, hầu hết do người dân và đội xe ôm đóng góp công sức, tiền của để làm. Có đoạn vài trăm mét, có đoạn cả cây số và tính gộp mấy năm nay có đến trên chục cây số đường. “Vợ chồng tôi sống chủ yếu là nhờ mối khách quen nên khi mình chở khách, vận động họ giúp kinh phí hay xi măng để sửa chữa đường. Làm việc thiện giúp người khác trời thương sẽ đãi mình…”- chị Tuyền tâm sự.

Chị Tuyền dẫn chúng tôi đến thăm căn nhà của bà Nguyễn Thị Lợi (còn gọi Năm Ù), 65 tuổi ngụ cùng xã An Hảo. Gia cảnh bà Năm Ù neo đơn, bà lại bị bệnh tiểu đường, phải sống nhờ trong chòi rách nát của người khác. Thấy vậy, đầu năm vừa rồi vợ chồng chị Tuyền và anh em đội xe ôm cùng nhau góp cây, tiền và góp công… cất lại căn nhà lành lặn, giúp bà che mưa che nắng.

Anh Bùi Văn Vũ, chồng chị Tuyền cho biết, mọi người đã vận động, quyên góp mở thêm một con đường mới trên núi, dài khoảng 1 km, ít ngày nữa là xong. Đội xe ôm cũng vận động các mạnh thường quân là khách hàng quen ủng hộ tiền, gạo để giúp nhiều người khác cũng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. “Nhiều nơi, cả hai vợ chồng tôi cùng đi sửa nhà cho người nghèo. Tôi thì trèo lên nóc nhà lợp lá, còn vợ theo phụ đưa lá, nấu ăn”- anh Vũ kể.

Chị Tuyền tiết lộ, dân xe ôm ở đây đều phải “độ” nhông, dĩa thứ dữ chạy mới nổi. “Thấy cái xe “cà tàng” cũ kỹ vậy chứ, nó gắn bó với tôi gần chục năm rồi. Nhìn “bộ lông” bên ngoài không bằng ai nhưng máy bên trong ngon lành, vì mỗi năm trung, đại tu hai, ba lần”- chị Tuyền mô tả “ngựa sắt” của mình.