Gặp NSƯT Thoại Mỹ trong buổi họp báo Chuông Vàng vọng cổ 2022 với vai trò giám khảo, chị chia sẻ, nếu có thêm một danh hiệu cũng chỉ là một sự ghi nhận thêm cho những cố gắng suốt bao năm qua với sân khấu của chị. Còn nếu không, chị vẫn làm nghề bởi suốt cuộc đời gắn bó với cải lương, chị cố gắng vì khán giả chứ không phải vì những tấm huân huy chương hay là danh hiệu.
NSƯT Thoại Mỹ tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Mỹ, sinh năm 1969 tại Sài Gòn. Thoại Mỹ đến với sân khấu cải lương từ năm 11 tuổi dưới sự dẫn dắt của người chị gái là NSND Thoại Miêu.
Năm 13 tuổi, Thoại Mỹ thi đỗ vào khoa đào tạo diễn viên của Nhà hát Trần Hữu Trang, theo học cùng với những nghệ sỹ nổi tiếng, như: Kim Tử Long, Tô Châu, Thùy Trang...
Sau khi tốt nghiệp, Thoại Mỹ đã trở thành một trong những diễn viên nòng cốt của Nhà hát Trần Hữu Trang. Tên tuổi của chị gắn với nhiều vai diễn như nữ soái Hồng Phụng trong Ngọc Kỳ Lân, Võ Tắc Thiên trong Thái Bình công chúa, Phượng trong Rồng Phượng, Thu trong Duyên kiếp...
Để có được những thành công nói trên, Thoại Mỹ đã phải hy sinh rất nhiều. Vốn bị bệnh tim từ nhỏ, để toả sáng trên sân khấu Thoại Mỹ đã phải dùng thuốc, phải tập nhiều hơn so với các bạn diễn. Nhất là khi mẹ mất, cô bé Thoại Mỹ mới 16 tuổi phải vừa đi làm thêm vừa đi học. Không có nổi một chiếc xe đạp, Thoại Mỹ đi bộ từ nhà tới chỗ học, chỗ làm. Rồi khi được đi diễn, Thoại Mỹ phải cố gắng vượt qua bệnh tật. Nhiều lần bị ngất trên sân khấu, sau khi uống thuốc, Thoại Mỹ lại nỗ lực hết mình cùng với những vai diễn.
Năm 1992, Thoại Mỹ đã giành được Huy chương vàng giải Trần Hữu Trang, sau đó chị còn giành nhiều giải thưởng quan trọng khác như Huy chương vàng trong nhiều hội diễn cải lương toàn quốc, giải Mai Vàng, giải Diễn viên được ưu thích… Thoại Mỹ cũng là diễn viên cải lương hiếm hoi tổ chức thành công liveshow cho riêng mình. Năm 2007, Thoại Mỹ được nhà nước trao tặng danh hiệu NSƯT.
Khi biết tin mình không có tên trong danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, Thoại Mỹ nói không hổ thẹn vì điều này bởi chị đã cống hiến hết mình cho sân khấu. Dù sự cống hiến đó có thể không được nhìn nhận nhưng không làm cho chị nản chí. Bởi chị làm nghề là cho khán giả và khi chị buồn, khán giả lại là nguồn động lực giúp chị đứng vững.
Với nữ nghệ sĩ, đằng sau những thành công còn có mồ hôi, máu và nước mắt. Năm 2003, khi tập vở Xử án Bàng Quý Phi, Thoại Mỹ đã bị ngã khi nhảy từ trên cao xuống. Ban đầu chị nghĩ mình chỉ bị bong gân nên vẫn đi diễn, sau này đau quá đi khám sức khỏe, Thoại Mỹ mới biết bị vỡ khớp gối và tràn dịch. Rồi năm 2008, khi đang tập vở Cổ tích thời hiện đại, Thoại Mỹ lại bị bệnh nên phải bỏ vai vào phút cuối, NS Thanh Ngân đã thế chỗ Thoại Mỹ và sau đó giành được Huy chương Vàng hội diễn.
“Bây giờ tôi ít tham gia các liên hoan mà chủ yếu hợp tác với một số đoàn hát, một số gameshow cải lương để đào tạo, hỗ trợ cho các diễn viên trẻ. Tôi còn ngồi ghế giám khảo, làm huấn luyện viên cho các chương trình cải lương. Niềm vui của tôi bây giờ là nhiều nghệ sỹ trẻ do tôi dẫn dắt đã đạt được nhiều thành công. Như Thu Vân, Nhã Thi giờ đã là NSƯT, hay Nhất Nguyên, Minh Trí đã giành được những giải Quán Quân, Á Quân một số cuộc thi. Tôi không có huy chương để xem xét nhưng tôi đã nỗ lực để truyền niềm đam mê đó cho học trò”- Thoại Mỹ tâm sự.
NSƯT Thoại Mỹ chia sẻ, khi biết tin chị không có tên trong danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, rất nhiều khán giả đã gọi điện, chia sẻ với chị.
"Có những người đã hâm mộ tôi từ hồi trẻ, bây giờ đã có cháu ngoại. Có người còn rất trẻ nhưng vẫn yêu mến tôi từ những vở tuồng trước đây. Họ khuyên tôi đừng buồn, họ vẫn yêu mến song hành với tôi và theo họ, tôi đã là nghệ sỹ trong lòng họ từ rất lâu. Với những khán giả như thế, sao tôi có thể bỏ sân khấu được”- NSƯT Thoại Mỹ bộc bạch.