Nông dân 'gặp họa' vì trồng bí Trung Quốc
> Người Trung Quốc trồng ‘lúa lạ’ ở Long An
> Hơn 26.000 gà giống Trung Quốc vượt biên
> Kon Tum: Mía 'đắng' !
Nhiều nông dân ở hai huyện Ea Kar và Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk) bỏ công sức trồng giống bí đỏ Trung Quốc nhưng gần như mất trắng vì quả nhỏ không bán được.
Ruộng bí rộng hơn 8 sào của ông Lê Mai (thôn 3, xã Hòa Tân, huyện Krông Bông) nhiều tuần nay khô héo dần, ông Mai thu hoạch để vớt vát nhưng bí không bán được vì quả nhỏ. “Công sức cả gia đình xem như mất trắng. Trồng 8 sào bí mà tôi thu được có hơn... 2 tạ, đem bán bị chê là bí nhỏ nên phải đổ số bí này” - ông Mai chua xót.
Vẫn theo ông Mai, chi phí đầu tư cho 1 sào bí mất khoảng 7 triệu đồng, công ty hỗ trợ giống và một phần phân bón, nông dân bỏ thêm 2-3 triệu đồng/sào nhưng khi thu hoạch thì bí đạt năng suất quá thấp.
Tương tự, nhiều nông dân tại thôn 4, thôn 5 (xã Hòa Tân) cũng lâm vào cảnh dở khóc dở cười vì giống bí Trung Quốc. Ông Lê Minh Hiếu - một hộ trồng bí cho hay, sau khi được giới thiệu về giống bí Trung Quốc cho năng suất cao, gia đình ông đã chuyển 4 sào đất trồng thuốc lá trước đây qua trồng bí. Chăm sóc được một thời gian thì thấy bí phát triển không bình thường, cuối mùa chỉ thu được 37kg, chỉ thu được 90.000 đồng. Ông Bùi Phước Bình - Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Tân cho biết, giống bí Trung Quốc mà nông dân trồng ra nhiều hoa và nhánh nhưng đến thời kỳ đậu trái thì thối rữa hết, có cây chỉ đậu duy nhất một trái, có nhiều hạt.
Theo Trạm bảo vệ thực vật huyện Krông Bông, hiện giống bí có nguồn gốc từ Trung Quốc được trồng tại hai xã Hòa Tân (26 ha) và Hòa Lễ (19 ha). Qua kiểm tra trên đồng tại xã Hòa Tân có 9 ha cho thu hoạch 8 tạ/sào, 14 ha đạt năng suất 5 tạ/sào, còn lại đều không thu hoạch được. Nhiều diện tích bí phát triển bình thường nhưng không cho trái.
Ông Vương Hồng Tân, Phó chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và dịch vụ Cư Puôr (huyện Ea Kar) cho biết, năm 2012 HTX đã ký hợp đồng với công ty cổ phần đầu tư phát triển nông thôn Việt Nam (địa chỉ tại thôn Tân An, xã Gia Tân, huyện Gia Lộc, Hải Dương) để đầu tư trồng bí (gồm bí da đỏ và bí da xanh) tại hai huyện Krông Bông và Ea Kar. theo đó, công ty và HTX sẽ đầu tư giống, hỗ trợ phân bón và cử cán bộ kỹ thuật đến giúp nông dân. “Chúng tôi thấy đây là mô hình tốt, có hướng làm ăn cho nông dân nhưng không ngờ... làm ơn lại mắc oán”.
Theo kết quả kiểm tra ban đầu của trạm bảo vệ thực vật huyện Krông Bông, giống bí mà HTX nông nghiệp và dịch vụ Cư Puôr đưa cho dân trồng là giống bí “nhất phẩm Trung Quốc”. Bí giống được đựng trong túi nhựa, bên ngoài toàn chữ Trung Quốc, không có chỉ dẫn nào bằng tiếng Anh hay tiếng Việt và cũng không ghi rõ nơi xuất xứ. “Chúng tôi cũng không biết họ đưa bí vào trồng khi nào nên không có điều kiện để kiểm tra chất lượng giống” - đại diện trạm bảo vệ thực vật huyện Krông Bông nói.
Khi đề cập về nguồn gốc giống bí này, đại diện phòng nông nghiệp Ea Kar cho biết HTX Cư Puôr và công ty cung cấp giống bí cũng chưa thông báo cho phòng nông nghiệp biết việc đưa giống bí Trung Quốc vào trồng tại địa phương. Trong khi đó, ông Phạm Duy Cách - giám đốc công ty cổ phần đầu tư phát triển nông thôn Việt Nam nói: “Chúng tôi đã giao cho HTX Cư Puôr chịu trách nhiệm báo cáo việc trồng bí với ngành nông nghiệp địa phương. Còn giấy tờ nguồn gốc giống bí thì chúng tôi có đầy đủ và sẽ gửi đến nếu được yêu cầu”.
Ngược lại, ông Vương Hồng Tân khẳng định từ khi đưa bí vào trồng đến nay HTX nhiều lần đề nghị phía cung cấp giống gửi hồ sơ giống nhưng đến nay công ty vẫn chưa gửi. Ông Tân cũng cho rằng nếu nguyên nhân dẫn đến bí thất thu là do giống thì đơn vị cung cấp phải chịu trách nhiệm.
Theo Tuổi trẻ