“Nói thuốc trúng thầu giá rẻ không đảm bảo chất lượng là không có cơ sở”

Ông Nguyễn Tiến Quyết - Giám đốc BV Việt Đức - cho rằng: Thuốc trúng thầu vào BV phải là thuốc tốt, chứ không thể đặt chuyện giá cả lên hàng đầu. Tuy nhiên, một số lãnh đạo BV khác cho biết: Chưa bao giờ thuốc giá rẻ, có hàm lượng lạ từ Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan... trúng thầu vào các BV nhiều như thời gian này!

Trước những thông tin trái chiều này, ông Nguyễn Việt Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược - Bộ Y tế - đã có cuộc trả lời báo chí.

Ông có ý kiến như thế nào về việc BV Việt - Đức công khai mở thầu thuốc theo tiêu chí riêng và những lo ngại về việc thuốc giá rẻ, chất lượng không đảm bảo trúng thầu vào BV?

- Trước hết, tôi xin khẳng định, ý kiến cho rằng thuốc trúng thầu theo quy định tại Thông tư liên tịch (TTLT) số 01 có chất lượng không đảm bảo là hoàn toàn không có cơ sở và không hiểu rõ về quy trình tổ chức đấu thầu cũng như việc quản lý chất lượng thuốc chữa bệnh.

Theo quy định hiện hành, tất cả các mặt hàng thuốc lưu hành tại thị trường VN phải đạt tiêu chuẩn và được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành. Để được cấp số đăng ký lưu hành, hồ sơ đăng ký sản phẩm đã được thẩm định đầy đủ về tiêu chuẩn chất lượng thuốc, các dữ liệu lâm sàng về an toàn, hiệu quả của thuốc. Ngoài ra, đối với một số nhóm hoạt chất phải thực hiện nghiên cứu đánh giá tương đương sinh học theo quy định để được cấp số đăng ký lưu hành.

Các thuốc nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam, để được cấp số đăng ký lưu hành (hoặc Giấy phép nhập khẩu) thì yêu cầu tiên quyết về pháp lý là thuốc phải được cấp phép lưu hành tại nước sản xuất, được cấp phép lưu hành tại nước sở tại thì sản phẩm đó đã được thẩm định, đánh giá đầy đủ về tiêu chuẩn chất lượng, dữ liệu an toàn, hiệu quả của thuốc. Đối với thuốc nội, nhà máy sản xuất thuốc phải đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO-GMP) hoặc của EU, PIC/s. Theo nguyên tắc GMP, tất cả các mặt hàng thuốc trước khi đưa ra lưu hành trên thị trường đều phải được nhà sản xuất kiểm tra chất lượng đạt yêu cầu.

Do đó, thuốc đã được cấp số đăng ký lưu hành phải đảm bảo chất lượng và an toàn, hiệu quả khi sử dụng. Vì vậy, ý kiến cho rằng thuốc trúng thầu giá rẻ chất lượng không đảm bảo là cảm tính, không có cơ sở, gây hiểu nhầm cho dư luận.

Theo phản ánh của một số BV, do coi trọng tiêu chí giá rẻ nên các loại thuốc chất lượng kém của Ấn Độ, Trung Quốc… đã trúng thầu rất nhiều. Ông lý giải như thế nào về vấn đề này?

- So sánh các thuốc Ấn Độ, Trung Quốc trúng thầu của năm 2012 và năm 2013 cho thấy về cơ bản số thuốc Ấn Độ và Trung Quốc trúng thầu ở 2 năm là tương tự nhau. Khảo sát kết quả trúng thầu của các đơn vị trong 2 năm cho thấy có 120 mặt hàng thuốc Ấn Độ và 15 mặt hàng thuốc Trung Quốc cùng tên thương mại, dạng bào chế, nồng độ hàm lượng, nhà sản xuất (cùng là một thuốc) trúng thầu ở cả 2 năm, tuy nhiên trong đó 77 mặt hàng thuốc Ấn Độ, 9 mặt hàng thuốc Trung Quốc giảm giá mạnh so với kết quả năm 2012 với rất nhiều mặt hàng có mức giảm từ 20% đến 166% so với mức giá trúng thầu năm 2012 (46/135 mặt hàng chiếm 34%). Trong số đó, số lượng mặt hàng có tăng giá so với năm 2012 chỉ có 12/135 mặt hàng (chiếm 8,8%), còn lại là các mặt hàng giữ nguyên giá so với năm 2012.

Các số liệu thống kê trên cho thấy rằng thuốc trúng thầu theo TTLT số 01 có nguồn gốc từ các nước Châu Á với giá rẻ hơn có chất lượng không đảm bảo là không chính xác và không có cơ sở, vì cũng chính những mặt hàng đó đã được các đơn vị phê duyệt trúng thầu và sử dụng trong năm 2012 với mức giá cao hơn nhiều so với giá trúng thầu năm 2013 nhưng không thấy đơn vị nào phản ánh về chất lượng của chính các mặt hàng đó!

TTLT số 01/2012 về đấu thầu mua thuốc tại các cơ sở y tế khi thực hiện đã có ý kiến cho rằng còn nhiều bất cập. Vậy qua một thời gian áp dụng thông tư này, Cục Quản lý dược đã có những đánh giá thế nào?

- Qua đánh giá quá thực hiện việc mua sắm thuốc năm 2013 của các BV cho thấy hiệu quả kinh tế của các gói thầu đã được cải thiện rõ ràng, tiết kiệm được khoảng 30% kinh phí tiền mua thuốc của các BV và đưa giá thuốc trúng thầu giữa các BV về sát mặt bằng chung. Qua báo cáo nhanh của một số sở y tế, kết quả đấu thầu của Sở Y tế Quảng Ngãi giảm được khoảng 28 tỉ (24%); Sở Y tế Quảng Ninh giảm được khoảng 40 tỉ (20%); Sở Y tế Hà Tĩnh giảm được khoảng 32 tỉ (25%); Sở Y tế Hậu Giang giảm được khoảng 57 tỉ (31%)…So sánh trị giá tiền mua thuốc theo giá thuốc trúng thầu năm 2013 của 20 mặt hàng ở 7 sở y tế có tỉ trọng sử dụng cao trong đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế (chiếm khoảng 30% trị giá thuốc trúng thầu) với việc mua sắm các mặt hàng này năm 2012 cho thấy số tiền tiết kiệm được là 115,49 tỉ.

Như vậy, với các quy định mới về đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế đã đảm bảo việc lựa chọn các thuốc đảm bảo chất lượng với chi phí hợp lý, tiết kiệm chi phí tiền thuốc cho các cơ sở y tế, người bệnh và ngân sách nhà nước cũng như quỹ bảo hiểm y tế.

Nhà thuốc BV Việt - Đức mua thuốc đắt gấp 5 lần so với giá kê khai

Ngày 3.9, Cục Quản lý dược - Bộ Y tế đã có công văn gửi BV Việt Đức yêu cầu không được mua các thuốc có giá bán buôn cao hơn giá đã kê khai. Qua kiểm tra xác suất 74 loại thuốc trong tổng số 400 mặt hàng thuốc đang bán tại nhà thuốc BV Việt - Đức có 25 thuốc, nhà thuốc BV mua với giá cao hơn giá bán buôn kê khai đang có hiệu lực.

Một số loại thuốc có giá cao gấp 3-5 lần là thuốc Spoxin (hoạt chất Sparfloxacin) do Cty Dapharco nhập khẩu; thuốc Azilide (hoạt chất Azithromycin 250mg) do Cty Vimedimex 2 nhập khẩu; thuốc Zibut (hoạt chất Cefuroxime 500mg) do Cty Sohaco nhập khẩu... Trước sai phạm này, Cục Quản lý dược đề nghị Bệnh viện Việt Đức thực hiện việc mua các thuốc với giá không cao hơn giá đã kê khai, không được mua các thuốc có giá bán buôn cao hơn giá đã kê khai.

Theo Lao Động

Theo Đăng lại