Nơi thiếu công nhân, nơi chờ xin thất nghiệp

TP - Trong khi các doanh nghiệp đang thiếu hụt lao động trầm trọng, lượng người lao động đăng ký được hưởng trợ cấp thất nghiệp lại tăng đột biến.

Đỏ mắt tìm nhân công

Cty T.W, tại KCN Biên Hòa - Đồng Nai có trên 2 vạn công nhân, nhưng hầu như tháng nào cũng cử người lên sàn tuyển dụng của Trung tâm giới thiệu việc làm Đồng Nai để kiếm lao động. Chị Huỳnh Thanh - cán bộ nhân sự của Cty kể, nhu cầu tuyển dụng của Cty luôn trên 1.000 lao động, nhưng tháng nào cũng chỉ tuyển được 200- 300 người, trong khi lượng người xin nghỉ việc hàng tháng cũng gần bằng con số tuyển vào.

Anh Tống Duy Hải, trưởng phòng nhân sự một Cty dệt nhuộm nhận xét: Lao động nghỉ việc không đi đâu xa mà nghỉ nơi này lại nộp hồ sơ vào Cty bên cạnh. Không phải chế độ đãi ngộ kém mà công nhân bỏ đi, bởi làm ở đâu thì mặt bằng thu nhập của công nhân cũng tương đương nhau.

Ông Lâm Duy Tín, phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Đồng Nai cho biết hiện nay nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn rất lớn, nhưng hầu như không doanh nghiệp nào tuyển đủ lao động, nhiều doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng sản xuất, nhưng không đủ nguồn lao động để triển khai. 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp ở Đồng Nai đã tuyển dụng trên 9 vạn lao động, 6 tháng cuối năm các doanh nghiệp dự tính cần số lao động tương đương.

Công nhân chen chân thất nghiệp

Trong khi đó, tại phòng Bảo hiểm thất nghiệp thuộc Trung tâm giới thiệu việc làm Đồng Nai luôn quá tải người lao động đến nộp hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp. Mỗi ngày, phòng này hướng dẫn, giải quyết cho hàng trăm người thất nghiệp nộp hồ sơ. Đa số người thất nghiệp chúng tôi gặp đều trong độ tuổi lao động trẻ vừa được Cty sử dụng lao động giải quyết cho nghỉ việc, có thời gian làm việc trong khoảng 1-2 năm.

Chị Nguyễn Ngọc Anh làm công nhân may tại KCN Amata cho biết Cty tăng ca nhiều, không đủ sức khỏe nên xin nghỉ việc để tìm việc làm tại Cty khác có điều kiện lao động hợp lý hơn. Anh Phan Văn Vinh công nhân chế biến gỗ tại KCN Tam Phước nói: “Môi trường làm việc của Cty tôi độc hại do phải tiếp xúc với bụi gỗ và sơn, nên làm đủ 12 tháng tôi xin nghỉ việc”.

Ông Lê Chí Sinh, cán bộ phụ trách Phòng bảo hiểm thất nghiệp cho biết, theo quy định bảo hiểm thất nghiệp, mỗi tháng người lao động chỉ đóng 1% lương, doanh nghiệp sử dụng lao động đóng 1%, nhà nước hỗ trợ 1%, nếu người lao động có thời gian làm việc tại doanh nghiệp từ 12 tháng đến 36 tháng khi nghỉ việc hợp pháp sẽ được hưởng 60% mức lương trong thời gian 3 tháng.

Tình trạng người lao động xin nghỉ việc tràn lan có thể do họ muốn hướng đến việc làm khác tốt hơn, nhưng cũng không loại trừ nghỉ việc để được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ông Sinh cho biết 6 tháng đầu năm nay lượng người nộp hồ sơ thất nghiệp đã tăng đột biến với trên 14.000 hồ sơ, đã ra quyết định cho trên 10.000 trường hợp và chi trợ cấp thất nghiệp trên 35 tỷ đồng.

Ông Lâm Duy Tín nói: Ngoài một số ít lao động thực sự nghỉ việc để tìm việc làm khác phù hợp, còn lại là xin nghỉ việc để được hưởng trợ cấp thất nghiệp điều đó tạo nên tình trạng thất nghiệp ảo. Người lao động hiện nay nắm rõ tình hình doanh nghiệp thiếu lao động nên không sợ thiếu việc làm. Họ thoải mái nhảy việc mà vẫn có thêm tiền trợ cấp thất nghiệp.

Theo Báo giấy