Nỗi niềm 'cựu' cư dân Thủ Thiêm

TP - Chị Nguyễn Thị Hường, năm nay 64 tuổi đã có 10 năm rơi vào cảnh không nhà, sống trong khu định cư tạm với một căn phòng hơn 40m2 cùng 13 người. Chị vẫn nhớ như in vùng đất quê yêu dấu của mình với người thân chòm xóm và màu xanh của dừa nước, nay đã thành khu đô thị. 

Chị bảo: “Khi chúng tôi mua đất làm nhà, chẳng ai nói với chúng tôi là nơi này rồi sẽ được quy hoạch xây dựng đô thị. Rồi chúng tôi được xét bồi thường 200.000 đồng cho một mét vuông đất, và giờ trở thành kẻ trắng tay”.

Đền bù đất ở cho một gia đình  là… 7,7 triệu đồng

Chị Hường nguyên là cư dân nội thành, ở ngay đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, nhưng khi khu nhà của chị bị giải tỏa, với diện tích nhà hàng trăm mét, nhưng chỉ được tính toán đền bù 60 m2. Số tiền đền bù mấy trăm triệu ít ỏi, họ đã chọn Thủ Thiêm làm nơi cư ngụ của mình. Chị nói: “Sau khi nhận tiền đền bù giải tỏa, chúng tôi không đủ tiền mua nhà nội thành nữa và từ đó chúng tôi buộc phải ra đi. Chuyển đến Thủ Thiêm, tưởng yên phận, không ngờ lại tiếp tục bị giải tỏa”.

Chị Hường nhận quyết định đền bù đất ở diện tích gần 39m2 của gia đình với mức giá đền bù hơn 7,7 triệu đồng.

Họ qua Thủ Thiêm mua miếng đất của một chủ đất đã sinh sống từ năm 1964, khi mua có xác nhận, sống ngay mặt đường, đất đai hàng năm có đóng thuế. Được mười năm thì một hôm, các lực lượng đến giải tỏa. Từ ngày đó, họ vào ở trong khu nhà cấp bốn mà chính quyền xây dựng cho những người bị giải tỏa.

Chị Hường cung cấp cho phóng viên tài liệu đền bù trong đó ghi rõ: Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng dự án đô thị mới Thủ Thiêm lập bảng chiết tính số 1673/ALĐ đối với hộ bà Nguyễn Thị Hường như sau: Đất sử dụng sau năm 2002: 38,76m2 x 200.00đ/m2 = 7.752.000đ”. 

Để tìm khu nhà tạm mà chị Hường đang ở, tôi phải đi vào một con đường đất bùn lầy, xung quanh toàn cây cối. Nếu không có người chỉ đường sẽ không thể biết trong những lùm cây dại lại có cả một khu dân cư “vô thừa nhận”, vì không tồn tại trong bản đồ dân cư Thủ Thiêm. Những dãy nhà cấp bốn được xây dựng lên cho những cư dân chờ các biện pháp đền bù phù hợp. Qua cả chục năm, “giải pháp” dành cho họ vẫn chỉ là những căn phòng nhỏ mục nát.

Nhà chị Hường có ba hộ gia đình với 13 con người nhưng được cấp một gian nhà cấp 4 hơn bốn chục mét vuông chia làm các phòng nhỏ. Cháu Tuấn con chị ngồi học ngay trong bếp và đó là cái bàn duy nhất trong nhà. Họ có một chiếc giường, còn lại mọi người nằm trên đệm đặt dưới đất. “Cứ trời mưa là nước ngập khắp nhà, chúng tôi sợ điện giật, nhưng chẳng biết phải đi đâu và làm gì bây giờ”. Chị Hường nói.

Bỗng nhiên biến thành nông dân

Chị Lê Thu Loan sinh năm 1964 đưa cho tôi xem những tấm hình chị chụp trước ngôi nhà cũ, gồm 3 căn nhà cấp bốn mặt tiền đường Trần Não, gần một cây cầu.

Chị Loan mua nhà từ năm 1996 của một gia đình đã ở Thủ Thiêm từ trước 1975. Lúc mua bán là mua căn nhà lá. Chủ đất cũ cũng xác nhận có bán cái nhà lá cho chị chứ không phải bán đất. Họ sinh sống ở Thủ Thiêm từ năm 1996, trên mảnh đất ấy họ đã gom góp công sức xây dựng lên ba căn nhà. Chị Loan rớt nước mắt cầm những tờ hóa đơn thu thuế nhà đất nói với phóng viên: “Giấy tờ thu thuế nhà đất hàng năm rành rành như thế này, mà lúc đền bù, họ lại đền bù cho chúng tôi là đất nông nghiệp chú ơi”.   

 Ảnh cưới của vợ chồng chị Oanh trước ngôi nhà bị quy là “chuồng heo". Ảnh: Trần Nguyễn Anh.

Chị Loan kể: “Chúng tôi có biết làm nông nghiệp gì đâu. Số là chúng tôi mua đất để ở, và làm nhà xưởng may gia công xuất khẩu, sản xuất thiết bị trường học… Mọi người dân trong vùng đều biết. Họ tính đền bù cho chúng tôi với giá đất nông nghiệp thật quá bất ngờ và phũ phàng”.  Chị nói: “Toàn bộ tài sản đất đai nhà cửa nhà xưởng của chúng tôi mà họ thẩm định xét bồi thường chỉ có 291 triệu đồng tính theo diện tích đất nông nghiệp thì chúng tôi sinh sống ra sao?”.

 Nhà đang ở… hóa thành chuồng heo

Chị Nguyễn Thị Oanh, sinh năm 1971, là người Hải Dương vào Nam sinh sống. Năm 1992 chị đã mua đất ở Thủ Thiêm, miếng đất có một cái chòi, lúc chị độc thân cũng ở đó. Chị bảo: “Những năm 1990 ở vùng ngoại thành như Thủ Thiêm rất ít người làm sổ đỏ đất đai. Người có đất rộng thì bán cho người nghèo, người mới tới một mảnh, có giấy viết tay thế thôi”.

Hai vợ chồng chị cưới nhau, sinh con đẻ cái, sửa cái chòi thành nhà cấp bốn. Chị bảo: “Lúc chúng tôi sửa nhà, chúng tôi làm đơn cả tháng không thấy trả lời. Lên phường hỏi, cán bộ phường bảo, anh chị viết giấy xin sửa nhà thì rất là khó duyệt. Nếu xin làm cơ sở chăn nuôi heo sẽ dễ thông qua hơn. Thế là chúng tôi làm theo ý các anh ấy, cốt để sửa nhà mà ở. Không ngờ lúc giải tỏa, chính quyền vin vào cái giấy xin nuôi heo, bảo là miếng đất chúng tôi chỉ dùng nuôi heo, không có ai ở cả, chỉ đền bù đất nông nghiệp”.

Chị Oanh đem ra hình ảnh làm đám cưới, nuôi con, sinh hoạt trong ngôi nhà hàng chục năm trời và bảo: “Nhà chúng tôi hạnh phúc đẹp đẽ thế này mà họ lại bảo là chuồng heo, chỉ có heo ở chứ làm gì có nhà cửa và con người!”.

Chị Oanh lại càng bức xúc khi nhiều hộ quanh nhà chị được đền bù đất ở, còn chị lại bị đền bù theo giá đất nông nghiệp.  Chị đi hỏi tìm công bằng, có cán bộ trả lời: “Những gia đình kia đi kiện, thắng kiện, tòa phán phải đền bù đất ở cho họ. Nếu chị đi kiện mà thắng thì chúng tôi cũng đền cho chị như các hộ kia, còn hiện giờ chúng tôi không giải quyết được!” Chị Oanh và nhiều người dân Thủ Thiêm đâm đơn đi kiện nhiều nơi, cũng là vì hy vọng sẽ được tòa án đưa ra mức bồi thường hợp lý cho mình. Chị nói: “Tòa án sẽ phán xét nhà chúng tôi có phải chuồng heo hay không!”.

 
Chị Loan với giấy tờ nhà ở của mình. 

Sổ đỏ biến đi đâu?

Gia đình ông Lê Văn Hơn là trường hợp khá điển hình cho những bức xúc của người dân Thủ Thiêm. Theo gia đình thì đất đai của họ có chủ quyền hẳn hoi, nhưng lúc đền bù thì không được xét. Gia đình có nhà và đất đã được cấp Giấy chứng nhận chủ quyền sử dụng đất số 00707/ QSDĐ/Q1 ngày 6/3/2001, nguồn gốc đất đai có lịch sử lâu đời.

Nhưng, trong quyết định số 12285/QĐ-UBND ngày 7/9/2009 của UBND TPHCM  quyết định về việc bồi thường với hộ ông Lê Văn Hơn lại  quyết định là “Bồi thường thiệt hại cho hộ ông (bà) Lê Văn Hơn thường trú tại 512/75C tổ 41, ấp 4, P An Lợi Đông, quận 2 có 2 căn nhà (thửa đất) số: không số, tổ 41, ấp 4, phường An Lợi Đông, quận 2 bị giải tỏa thuộc khu quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm với tổng giá trị bồi thường hỗ trợ thiệt hại và tái định cư là 589.613.200 đồng”.

Quyết định này không hề đề cập tới giấy chứng nhận chủ quyền sử dụng đất của gia đình đã được cấp trước đó 8 năm cùng với diện tích đất 503m2 trên sổ (có bản đồ thực trạng). Diện tích đất này cũng được gia đình đóng thuế nhà đất hàng năm. Quyết định đền bù lại đưa hộ này vào diện thửa đất vô danh!

Những người dân Thủ Thiêm, như chị Hường, chị Oanh đều nói: “Nếu đất đai của chúng tôi hiến cho nhà nước làm bệnh viện, trường học, chúng tôi không tiếc. Đằng này, đất đai chúng tôi giờ được bán mấy chục triệu mỗi mét vuông, chúng tôi thì không mảnh đất cắm dùi và mức bồi thường là 200.000 đồng mỗi mét vuông thì chúng tôi biết sinh sống làm sao? Chúng tôi gửi đơn thư, đều bị gửi trả lại mà chẳng có lời giải thích nào”.

5/2018 

Khi chia tay phóng viên, gia đình ông Hơn có chuyển tới tòa soạn lá đơn khiếu nại với nội dung không chỉ liên quan đến cá nhân gia đình mà còn phản ảnh tâm tư của nhiều người dân Thủ Thiêm cùng cảnh ngộ. Trong lá đơn gửi các cấp, phản ảnh rằng việc đền bù giải tỏa ở Thủ Thiêm kéo dài rất lâu và việc kéo dài đó ảnh hưởng đến rất nhiều người dân, do vậy họ mong muốn các cấp từ trung ương đến địa phương thanh tra việc ranh giới quy hoạch Thủ Thiêm thật sự đến đâu, khi mà việc thu hồi đất đai của dân đã lan tới 8 phường. Có hay không việc thu đất của dân rồi phân lô bán nền? Việc áp giá đền bù cho người dân Thủ Thiêm rất thấp có đúng với chủ trương chính sách nhà nước hay không và liệu có khuất tất trong việc sử dụng tiền bồi thường của người dân?