Nỗi niềm biệt thự cổ

TP - Một căn biệt thự cổ giữa Thủ đô đổ sụp. Hai mạng người. Quá đủ cho một đề tài “hot”, để các báo, các trang mạng “ăn dần” ít nhất trong một hai tuần nếu chưa có chuyện gì “hot” hơn thay thế.
Hiện trường vụ sập nhà ở 107 Trần Hưng Đạo. Ảnh: Như Ý

Nhưng hãy bình tĩnh một chút để có điều kiện chuẩn bị cho một nỗi lo khác, đang dần lộ diện. Đâu chỉ là chuyện một căn biệt thự. Đâu chỉ là chuyện hai mạng người vô tội.

Hà Nội, vốn tự hào về sự cổ kính, có bề dày lịch sử nếu so với các đô thị khác ở Việt Nam. 36 phố cổ là nét văn hóa đặc sắc, độc đáo, duy nhất. Người Pháp đến mang theo sự điệu đà, kiểu cách của trường phái kiến trúc cổ điển châu Âu. Kết hợp hai nét văn hóa ấy, với phố cổ và phố cũ, chúng ta có một Hà Nội rất riêng, không trùng lắp với bất cứ thành phố nào của châu Á, và kể cả trên thế giới về mặt cảnh quan, kiến trúc. Không nói ra, nhưng chắc hẳn những người sinh ra, lớn lên ở Hà Nội đều có chút tự kiêu ngấm ngầm khi so sánh với Hội An, Đà Nẵng hay Sài Gòn, cái kiêu hãnh có lúc thành bảo thủ, tương tự tâm lý của thị dân ở Lục địa già châu Âu trước những hào nhoáng, to lớn, đôi khi quá mức cần thiết của những vùng đô thị mới Bắc Mỹ.

Nếu đổ tất cả cho trận lụt vừa qua để đến nỗi một công trình kiến trúc cổ kính với tuổi đời hơn 100 năm đổ sụp là không thỏa đáng. Đây dường như là câu chuyện con la thồ quá nặng, đúng khi ông chủ vắt thêm cái áo cũng khiến nó ngã quỵ. Trên thế giới, có biết bao nhiêu thành phố, với những tòa nhà tồn tại vài thế kỷ nhưng nay vẫn kiên gan cùng tuế nguyệt. Tất cả là do cách ứng xử của con người. Một tòa nhà sụp đổ liệu có phải là hiện tượng đơn lẻ? Hay là lời cảnh báo đối với hàng trăm công trình cổ khác đang được chia năm xẻ bảy, bị coi là những công cụ thu vén lợi ích của một số cá nhân, một số nhóm người, sẵn sàng biến một góc xưa đầy dấu ấn của thời gian, dấu ấn của lịch sử thành cửa hàng, thành quán bia?

Chúng ta đã và đang phải trả giá cho một thời ấu trĩ về văn hóa, một thời quản lý xã hội bằng tư duy tiểu nông và tác hại qua bao năm nay là sự biến mất của những giá trị văn hóa, tinh thần. Một căn biệt thự đổ xuống, nhưng 600 công trình tương tự liệu sẽ được cứu và cứu bằng cách nào, liệu đã quá muộn hay chưa?

Vụ sập nhà cho thấy việc bảo tồn, quản lý nhà cổ, nhà cũ đã bị buông từ lâu, trong nhiều trường hợp hoàn toàn phụ thuộc vào cơ quan, cá nhân được giao quản lý tòa nhà. Vì thế, tương lai của nhà cổ là rất mờ mịt nếu không có gì đột phá.