Nói ‘Đường Tăng thỉnh kinh đi qua Đà Nẵng’… không sao?

Điều cốt lõi là cần tạo dựng một nền tảng XH và thể chế dung hợp, nơi mỗi công dân không còn bàng quan với cộng đồng và dân tộc. Khi đó môn Lịch sử sẽ không bao giờ khô khan, nhàm chán.

Không cần nắm nhân vật, sự kiện?

Một số học giả, nhà nghiên cứu theo hướng hiện đại gần đây cho rằng cách giảng dạy môn Lịch sử trong nhà trường ở nước ta đang rất báo động. Nhiều phân tích được đưa ra để lý giải hiện tượng một số học sinh THCS nghĩ “Nguyễn Du và Nguyễn Huệ là một người hay Quang Trung và Nguyễn Huệ là bạn cùng chiến đấu”(?) Trong số đó, có ý kiến của người trong nghề cho rằng, kiểm tra cách nhớ tên nhân vật, sự kiện theo kiểu học thuộc đối với học sinh là một dạng “tư duy lạc hậu” trong giáo dục lịch sử.

Trước hết, cần thừa nhận một người không thể giỏi hoặc đam mê mọi lĩnh vực. Tuy nhiên không phải ngẫu nhiên mà nhân loại trên khắp thế giới đều đưa các môn học như Toán, Lí, Hóa hay Văn, Sử, Địa… vào chương trình giáo dục phổ thông. Đơn giản vì đây là những kiến thức nền tảng cho mỗi con người và của mọi nền giáo dục thời hiện đại.

Ai đó có thể nói rằng môn thống kê quan trọng trong cuộc sống hơn môn đại số, nhưng bạn không thể học môn này nếu không nắm kiến thức toán học cơ bản, như thuộc bảng cửu chương, hằng đẳng thức hay cộng, trừ, nhân, chia phân số.

Đồng ý rằng lịch sử không chỉ là các sự kiện hay nhân vật, nhưng cũng giống như khi học ngoại ngữ, không ai có thể nói mình giỏi một ngôn ngữ mà không biết nhiều từ vựng của nó. Muốn “tìm hiểu, khám phá quá khứ, dùng các sự thật đã được khám phá đó để tham chiếu và giải thích hiện tại”, trước hết chúng ta phải nắm rõ các sự kiện và nhân vật quá khứ. Mặc dù các sự kiện đó có thể không chính xác tuyệt đối, nhưng xét trên diện rộng, sự hưng thịnh của một nền văn hóa hay quốc gia về cơ bản là đáng tin cậy. Vì đó là tiến trình chứ không thuần túy là sự kiện đơn lẻ và những sự kiện then chốt góp phần kết thúc một tiến trình thường được ghi chép bởi không chỉ một vài người.

Thật đáng lo khi một nhà chuyên môn lịch sử lại có thể cho rằng học sinh sẽ được gọi là “khôn ngoan” nếu biết hỏi lại: "Tại sao em phải biết Quang Trung là ai?”, “Em nhầm Nguyễn Huệ với Nguyễn Du thì đã sao ạ?”. Xã hội sẽ như thế nào nếu như đa phần công dân tương lai cho rằng Trương Định là em của… Trương Phi hay Đường Tăng trên đường sang Tây Trúc (Ấn Độ) thỉnh kinh đã đi qua “Ngũ Hành Sơn” của Đà Nẵng?

Thời nào cũng vậy, môn lịch sử rất ít khi tạo nên “hứng thú” cho đa phần học sinh, đặc biệt là cấp THCS. Ở lứa tuổi này, khái niệm “trải nghiệm” cuộc sống khi học môn lịch sử có thể coi là xa xỉ, chứ chưa nói đến đòi hỏi về “đa dạng và đa chiều” trong tư duy của các em.

Chúng ta hay bàn đến những bất cập và “lạc hậu” trong tư duy giáo dục lịch sử cho học sinh, rồi đưa ra hàng loạt giải pháp đao to, búa lớn, và “sặc mùi” khoa học. Tuy nhiên, liệu đã có bao nhiêu người lớn ngồi lại hỏi trực tiếp các em thực sự muốn gì và cần phải làm thế nào để tăng hiệu quả môn học này? Đã có bao nhiêu khảo sát nghiên cứu nghiêm túc để tìm ra nguyên nhân và đề xuất giải pháp thực tế?

Hay phải chăng chúng ta đang nhìn nhận vấn đề bằng cách nhìn của người lớn – đa phần là những người yêu sử, và các giải pháp đưa ra mang hơi hướng chuyên gia hoặc cóp nhặt từ bên ngoài?

Cảnh tượng xé đề cương môn Sử khi có thông tin không thi tốt nghiệp môn này năm 2013. 

Áp đặt và thiếu vắng bức tranh tổng thể

Tham khảo một vài cuốn giáo khoa lịch sử bậc THCS hiện nay, từ cách nhìn của một người ngoại đạo môn lịch sử, có thể đưa ra một vài nhận định dưới đây:

Thứ nhất, môn Lịch sử được đưa vào giảng dạy sớm hơn rất nhiều các môn học khác. Trong khi đó, để có thể hiểu và ngấm được kiến thức cốt lõi các bài học trong SGK, học sinh phải có kiến thức bổ trợ khác. Khi được học về người nguyên thủy hình thành và phát triển như thế nào (bài 3), học sinh lớp 6 còn chưa hề có khái niệm về cổ sinh học, thuyết tiến hóa, khảo cổ học và đặc biệt là triết học.

Việc thiếu hụt kiến thức địa lý, triết học khiến các bài học về nhà nước cổ đại phương Đông hay các quốc gia cổ đại phương Tây thuần túy chỉ là thuật ngữ, rất khó cho HS hình dung vấn đề ở dạng không gian hoặc xâu chuỗi sự kiện ở dạng thời gian. Người lớn có cái nhìn tổng quát và đa chiều hơn chủ yếu là nhờ sử dụng kiến thức bổ trợ được học sau này để nhìn lại kiến thức lịch sử học trước đó.

Thứ hai, trong phần học về lịch sử dân tộc, học sinh không hề được cung cấp một bức tranh tổng thể và các dấu mốc then chốt của lịch sử đất nước từ buổi đầu dựng nước, thời kỳ Bắc thuộc đến giai đoạn tự chủ, độc lập dân tộc. Thiếu bao quát và một tầm nhìn phối cảnh khiến HS chỉ tập trung, bó hẹp vào từng bài học cụ thể một cách buồn chán.

Thiếu hụt cách nhìn nhận vấn đề dạng hệ thống và không định vị được những thứ mình đang học trên đường thời gian nên chuyện HS nhầm Nguyễn Du với Nguyễn Huệ vẫn còn là nhẹ (ít nhất hai vị này sống cùng thời). Thực tế, đa số HS không quan tâm đến việc này không phải vì khó nhớ, mà là do tác động và ảnh hưởng bởi các nhân tố xã hội khác.

Thứ ba, nhiều kiến thức lịch sử trong SGK được biên soạn theo cách áp đặt về nhân sinh quan và định hướng chính trị, thay vì đưa ra các phát hiện khảo cổ, sự kiện và diễn tiến trong quá khứ để có thể khơi gợi tìm tòi, hay sử dụng khả năng phân tích nhằm tìm cách giải thích cho mối quan hệ “nguyên nhân – kết quả” theo cách hiểu của từng người. Ở đây, vai trò của người dạy sử có chăng chỉ nên là người hỗ trợ và hướng dẫn học sinh về phương pháp và công cụ.

Trên hết, “lịch sử là một câu chuyện chúng ta nói chúng ta là ai” (Sue Peabody). Giáo dục lịch sử theo đường hướng Quốc gia hay Quốc dân đều có một mục đích chung, đó là hiểu biết về quá khứ, học hỏi từ những thành công và cả sai lầm trong quá khứ để biết mình phải làm gì cho bản thân, tổ chức, đất nước và nhân loại. Không ai có thể xây đắp lòng ái quốc và tự hào dân tộc trên một nền tảng thiếu vắng lịch sử.

Việc nhiều HS kém kiến thức lịch sử dân tộc là một thực tế đáng buồn và cần được can thiệp kịp thời của toàn xã hội, đặc biệt là ngành giáo dục. Phương pháp tiếp cận tiên tiến trong giáo dục lịch sử không thiếu, nhưng cái cốt lõi đó chính là cần tạo dựng một nền tảng xã hội và thể chế dung hợp, lấy giá trị dân tộc làm nền tảng, nơi mỗi công dân không còn bàng quan với cộng đồng và dân tộc.

Khi đó môn lịch sử sẽ không bao giờ khô khan và nhàm chán.

Theo Trần Văn Tuấn

Theo Vietnamnet