Nỗi đau và số phận

TP - Hôm qua, tôi là một trong số cư dân cũ của phố Huế tiễn đưa thằng bé 16 tuổi cùng phố, bị tai nạn trên biển thương tâm.

Ðau đớn. Xót xa. Một đứa trẻ khỏe mạnh đẹp đẽ, được thầy bạn yêu quí, tương lai rộng mở.

Một đại gia đình đông đúc đầm ấm, mỗi người ngụ mỗi nơi nhưng có dịp là tụ về căn gác nhỏ của cha mẹ ở 17 phố Huế nơi các anh chị em sinh ra rồi trưởng thành, đi lên từ khốn khó. Bỗng chốc mọi thứ sụp đổ. Vì một tai nạn không đáng có, hoàn toàn có thể tránh được.

Trên trang web của một công ty kinh doanh dịch vụ du lịch biển, có mô tả cơ chế hoạt động của mô tô nước: “Khi vào không gian nhỏ có thể gây ra những điều sau: làm phiền trầm tích, thiệt hại cho môi trường nước; can thiệp hoặc gây tổn hại các loài chim thủy sinh, cá và nhiều loài động vật...”. Tuy vậy, mô tô nước (tiếng Anh gọi là Jeski) đã trở thành môn thể thao được nhiều người ưa chuộng, kể cả ở nước ngoài.

Vấn đề là nguyên tắc hoạt động, cơ chế quản lý ra sao, các đơn vị và cá nhân thực hiện thế nào. Thì qua cuộc khảo nghiệm nhân dịp này, thấy về phía người sử dụng: vô cùng đơn giản dễ dãi dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ - khắp nơi nơi chứ không riêng Ðà Nẵng.

Về phía quản lý thì sao? Nghe trả lời của các vị có trách nhiệm và đọc luật lệ, thấy hai bộ Giao thông Vận tải và VHTTDL dường như có sự mâu thuẫn nhất định. Ví dụ Bộ GTVT cho rằng “để khách tự lái là sai”, còn trong văn bản của phía Bộ VHTTDL thì du khách vẫn được phép lái, nhưng phía cung cấp dịch vụ có tuân thủ, đảm bảo an toàn cho khách không, là chuyện khác.

Ít nhất, Bộ VHTTDL từng có thông tư về “cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn mô tô nước trên biển”. Trong này qui định từ vùng hoạt động của mô tô nước - định vị bằng phao neo và cờ, cho đến ca nô cứu hộ trở đi...

Thế nhưng, người ta không thực hiện. Những đại gia, đại danh khét tiếng ngành du lịch, nghỉ dưỡng hẳn hoi nhưng thích chơi trò may rủi với tính mạng du khách, với chính danh dự, uy tín của mình. Bây giờ thì hòa cả làng sao, vô can hoàn toàn? Chỉ để hai nhà liên quan tự thỏa thuận? Cơ quan quản lý thì luôn kêu khó.

Ông ngoại cháu Hiếu cay đắng kể với tôi: “Khi tai nạn mới xảy ra, bố của Hiếu khuyên tôi bình tĩnh, vì tôi đau đớn quá nên có mắng mỏ cậu T., người gây ra cái chết cho cháu tôi. Tôi nói, nhẹ nhất thì tội của cậu là vô ý thức, nếu không muốn nói là ngộ sát”.

Anh T. giải thích với gia đình: Ðã quen phóng mô tô nước tốc độ cực cao, nhưng lần này không hiểu “cứ như bị ai bịt mắt nên không nhìn thấy gì và không làm chủ được tay lái”. Cách nói này có vẻ thuận tai với cách lý giải quen thuộc mà tôi nghe một số người nêu ra dịp này, cũng như trong những tai nạn thương tâm khác: “Sống chết có số, tránh sao được”.Thì đấy, có phải đang phóng nhanh rồi đâm nhau đâu, đang đi chậm như rùa đấy chứ, vẫn bỏ mạng như thường.

Chỉ biết đổ tại số phận, viện dẫn yếu tố siêu nhiên thì những tai nạn kiểu này còn nhiều. Nhà quản lý còn thong dong. Và các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch càng có lý do để nhởn nhơ. Cho đến khi họ trở thành người trong cuộc của những vụ việc thảm khốc,nghiệt ngã? Của những đại họa có thể tránh được nhưng không thèm tránh như thế?