Những quả bom

TP - Sau hồi chuông cuối cùng, tôi chạy từ lớp ra cổng và đợi, như tôi vẫn đợi cuối giờ học mỗi ngày. Stephen luôn muộn. Luôn luôn. Sau vài phút, nó xuất hiện với những thằng con trai khác. ‘Nhanh lên, Stephen’, tôi gọi, rồi đợi thêm khi nó tạm biệt Jonesy, Yoz và Walla.
Minh họa: Phong Nhi.

‘Chào nhé, Velly’, bọn con trai hét lên khi Stephen bước tới chỗ tôi.

Bộ phim Người dơi chiếu trên TV hôm đó. ‘Nhanh lên’, tôi lại nói. Sau khi vượt qua những đứa trẻ khác và mẹ của chúng, chúng tôi bắt đầu chạy. Nếu chạy, chúng tôi không mất nhiều thời gian lắm để về đến nhà. Trên đường về, chúng tôi qua hiệu cắt tóc Tony Slavin, rồi cửa hàng tạp hoá, sạp báo, và hiệu bánh mỳ Hanratty. Xa nữa, chúng tôi qua những dãy nhà liên kế và công viên Rathbone, nơi những thanh niên lao động thỉnh thoảng cởi trần chơi bóng đá. Đằng sau công viên, về phía trung tâm thành phố là những nhà máy: hãng Crawford, Meccano, Paton Calvert, và lớn nhất là hãng Plessey với những toà nhà to vật vưỡng nơi mẹ tôi làm việc trong dây chuyền, quấn dây đồng quanh những trục quay. Ở cổng công viên, mùi nồng nặc phả vào chúng tôi, mùi từ nhà máy hoá chất Borax ở phía bên kia đường.

‘Trời!’ Stephen cười nắc nẻ. ‘Cứ như thể anh bị ị ra quần.’ Tôi cũng cười, đuổi nó chạy đến góc phố Edge Lane. Chúng tôi dừng lại ở ngã tư và tôi tóm lấy tay của Stephen, nhưng nó giật phắt tay đi. ‘Anh chẳng phải là ông chủ của em!’ nó nói.

‘Mẹ bảo tao phải cầm tay mày khi qua đường. Mày biết mà’.

‘Chẳng thèm’, nó nói, và thế là tôi để nó yên. Nhưng tôi không để nó nhấn nút để đèn hiệu giao thông đổi màu như thường lệ. Tôi bấm và sau một chốc, đèn chuyển sang màu đỏ. Những chiếc ô tô, xe tải dừng lại. Chúng tôi chạy qua những con hẻm,vào phố Elmshouse, nơi chúng tôi phóng đi, song song với cỏ. Đi hết nửa đường bên phải, chúng tôi chạy vào khu vườn của căn nhà số mười sáu.

Vườn trước nhà chúng tôi gọn gàng, sạch sẽ. Những cây thủy lạp được cắt tỉa, những luống hoa to rực rỡ màu cam, màu tím và màu vàng.  Khuất tầm mắt, đằng sau hàng rào là một cây dương xỉ khổng lồ nằm ở góc râm. Cha tôi thích cây cối. Tôi luôn tưởng tượng rằng cha đã đưa cây dương xỉ đó về từ một xứ xa lạ nào đó. Bộ tách trà trong tủ nơi phòng khách có xuất xứ từ Hồng Kông, một trong những nơi cha tôi từng đóng quân trước khi gặp Mẹ. Cha không bao giờ nói về quân đội. Mẹ bảo rằng nó làm Cha nổi giận và đừng có hỏi Cha. Chẳng biết cây dương xỉ đến từ đâu nữa. Có lẽ nó vẫn ở đó, như vườn cỏ - niềm hãnh diện của Cha - vẫn luôn ở đó. Cha đã tưới vườn cỏ đó, cắt cỏ bằng máy và đôi khi tỉa cỏ bằng những chiếc kéo cắt tóc mà Tony Slavin đã thường cắt tỉa cho chúng tôi ở cửa hàng của ông.

Là đứa lớn nhất trong nhà, tôi có chìa khoá, chiếc chìa được đeo quanh cổ tôi trên một sợi dây buộc giày dài. Nhưng từ lâu rồi Cha chẳng đi làm nữa, hầu như lúc nào Cha cũng ở nhà vì thế tôi ít khi phải dùng đến nó. Cha thường ngồi trong phòng khách, rèm kéo xuống. Ông không thích ánh nắng. Cha cần sự tĩnh lặng và bình yên khi ông không được khỏe. Chúng tôi sẽ vào nhà, xem TV và làm gì đó ở phòng trong đến khi Mẹ đi làm về và chuẩn bị bữa tối cho chúng tôi. Nếu Cha cảm thấy ổn, ông sẽ ăn cùng chúng tôi, nếu không chúng tôi phải im lặng. Ngày hôm đó những chiếc rèm đóng kín. Tôi đẩy cửa, nhưng cửa khoá. ‘Nhanh lên’, Stephen nói. ‘Người dơi sắp chiếu rồi’.

‘Ừ’, tôi nói và lôi chìa khoá ra từ trong áo, với tay lên ổ khoá, nhưng cửa chẳng chịu mở. ‘Bị chốt then bên trong rồi’, tôi nói và Stephen than thở thêm chút nữa.Nhưng Cha hiện lên đằng sau những tấm rèm. Cha cao lớn và có bờ vai rộng. Cha là người lao động chân tay. Một người lao động chăm chỉ, đúng giờ, Mẹ nói thế. Cha thích cạo râu sạch sẽ. Cha nói rằng, quân đội đã dạy ông hai thứ: bề ngoài chỉn chu và đúng giờ giấc. Cha chẳng nói thêm điều gì nữa về quân đội. Mái tóc quăn, sáng màu của cha luôn được vuốt keo bóng lộn, chải gọn ghẽ. Luôn luôn thế. Nhưng giờ đây ở cửa sổ, mặt cha nhễ nhại mồ hôi. Cha chưa cạo râu. Mắt cha hằn những vệt đỏ xung quanh, tóc cha bù xù.

‘Cút mẹ chúng mày đi’. Cha hét lên. ‘Có bom!’

Nhưng giọng nói đó không phải là của Cha. Giọng của Cha nhẹ và trầm, nhưng giọng nói đó cao, the thé. Stephen và tôi nhìn nhau. Cha rời cửa sổ. ‘Cha chửi thề kìa’ Stephen nói và rồi cái nắp hộp đưa thư trên cửa bật mở. Tôi có thể thấy gương mặt của cha đằng sau đó.

‘Joe, cầm lấy’, cha nói. Một gói màu xanh được tuồn qua hộp thư. Tôi bắt lấy nó. Đó là quà Giáng sinh của Cha tặng Mẹ, một lọ nước hoa Tweed Lentheric có màu như màu nước tiểu. ‘Đi đi!’ cha thét lên. ‘Có bom!’ Rồi hộp thư đóng sập. Kẹp gói quà dưới cánh tay, tôi nắm lấy tay của Stephen. Em tôi không phản ứng gì. Tôi dẫn nó xuống đường. ‘Có bom thật không?’ Nó hỏi.

‘Chẳng biết’, tôi nói. ‘Tụi mình phải gọi Mẹ về’.

Khi chúng tôi bắt đầu đi bộ về hướng nhà máy Plessey, bà Pearce, da nhăn nheo và tóc nhuộm đen, ra khỏi nhà. Mẹ vẫn thường nói chuyện với bà, nhưng Mẹ cảnh báo chúng tôi không được kể cho bà ta nghe bất cứ điều gì.

‘Cha tụi bay ổn chứ?’ bà Pearce hỏi.

‘Vâng, ổn ạ.’ Tôi nói.

‘Thật thế không?’ Bà Pearce nói, nhìn tôi chằm chằm, sục sạo tìm sự thật.

‘Vâng, chắc chắn ạ.’ Tôi nói.

Tại cổng nhà máy, người đàn ông nói chúng tôi phải đợi Mẹ. ‘Cũng gần xong giờ làm rồi mà’, ông nói, và chúng tôi tựa người vào hàng rào. Một hồi tù và nổi lên rồi một đám đông đàn ông và phụ nữ ra khỏi những toà nhà. Chúng tôi đứng thẳng người dậy, và sau khi hàng triệu người đi qua, chúng tôi nhìn thấy Mẹ. ‘Chúa ơi, điều gì đã xảy ra thế?’ mẹ kêu lên.

‘Có bom’. Stephen nói.

Trên đường về nhà, mẹ quẳng nước hoa Tweed vào thùng rác. Mẹ nói rất ít. Rồi khi về đến nhà, mẹ bảo chúng tôi chờ ở vườn. Mẹ gõ cửa rồi quay người nhìn qua phố. Những tấm rèm lưới trên một vài cửa sổ động đậy.

‘Thật nhục nhã’, Mẹ nói, rồi Cha đến bên cửa. Họ nói  chuyện qua lỗ đưa thư. ‘Anh Joe, vì Chúa, hãy để em vào nhà’. Mẹ nói. ‘Hàng xóm đang nhìn kìa’.

Cha và tôi có cùng một cái tên. Điều đó có nghĩa là tôi giống Cha. Giống cha hơn cả Stephen mặc dù em tôi có mái tóc nhạt màu của Cha và tôi có mái tóc sẫm màu của Mẹ. Tôi không muốn giống Cha, không muốn. Thật khó để giải thích. Tôi không ghét Cha. Tôi yêu Cha nhưng tôi vẫn không muốn giống Cha. Ý nghĩ giống Cha khiến tôi hoảng sợ.

Bên kia đường, bà Pearce ra khỏi cửa, đứng đó, nhìn chúng tôi chằm chằm.

‘Bà ấy nhìn gì thế?’ Stephen nói. ‘Đồ bò cái!’ Rồi Cha cho Mẹ vào nhà và chúng tôi nghe tiếng hét. ‘Họ đang cãi nhau à?’ Stephen hỏi.

‘Chẳng biết’. Tôi nói. Nhưng họ không cãi nhau vì Mẹ mở cửa và gọi chúng tôi vào.

Ở hành lang, những chiếc áo choàng thường được treo trên mắc áo đang vương vãi khắp sàn. Có mùi gì như thể một cái gì đó bị đốt cháy. Mẹ đóng cửa phòng khách, nhưng chúng tôi có thể nghe tiếng Cha từ phía bên kia cửa. ‘Những quả bom’, ông nói. Ông lặp đi lặp lại. ‘Bom, bom, bom’.

‘Cha làm sao thế?’ Stephen hỏi.

‘Cha con sẽ ổn thôi’. Mẹ nói. ‘Nhưng bây giờ mẹ muốn các con về phòng’. Chúng tôi làm những gì mẹ bảo, nhưng rồi chúng tôi nghe tiếng mẹ nói chuyện điện thoại ở hành lang. Chúng tôi không thể nghe được nhiều hoặc hiểu được bất cứ điều gì. Rồi Mẹ vào phòng khách. Chúng tôi nghe Mẹ nói chuyện với Cha, nhưng cũng không nghe được gì nhiều, chỉ nghe Mẹ nói rằng Cha phải uống thuốc. Rồi chúng tôi nghe Cha khóc, rồi Mẹ khóc, và Stephen khóc và mặc dù tôi chẳng muốn khóc, tôi cũng khóc.

Khi cảnh sát tới, có hai người: một người già, thấp và béo, cùng một người trẻ, cao và gầy. Chúng tôi thấy xe cảnh sát trờ đến, từ cửa sổ phòng của chúng tôi. Sau đó một chút, một người đàn ông già, đầu hói, mặc đồ vest đến, rồi xe cứu thương và y tá. Mẹ, những người cảnh sát và người đàn ông đầu hói đi cùng Cha ra xe cứu thương. Mẹ hôn từ biệt Cha. Cha và người đàn ông đầu hói trèo lên xe cứu thương cùng người y tá. Xe cứu thương vụt đi.

Một lúc sau, chúng tôi giúp Mẹ dọn dẹp đống ngổn ngang trong phòng khách.

‘Cha đi đâu rồi?’ Tôi hỏi.

‘Lại vào bệnh viện’, Mẹ nói.

‘Con ước lần này Cha không bao giờ về nữa’, Stephen nói.

‘Đừng nói bậy bạ!’ Mẹ bảo.

Stephen oà khóc. ‘Nhưng mẹ ơi...’.

Mẹ ôm hai chúng tôi vào lòng. ‘Con trai ơi, mẹ hiểu. Nhưng đó là Cha của các con. Cha của các con’.

Nguyễn Phan Quế Mai 
dịch và giới thiệu

Thạc sĩ, nhà văn Joe Lavelle hiện sống ở Liverpool, Anh. Các truyện ngắn của ông được xuất bản ở Anh, Canada, Mỹ, Australia và Đức. Truyện ngắn ‘Những quả bom’ được trao giải nhất thể loại truyện ngắn của cuộc thi viết ‘Mental Health and Me’ (Sức khoẻ tâm thần và tôi), do tổ chức văn hoá Writing on the Wall và Hiệp hội Sức khỏe tâm thần Liverpool phát động vào năm 2014. Đây là cuộc thi nhằm chống lại những sự kỳ thị mà người bị bệnh tâm thần thường gặp phải và nâng cao hiểu biết về sức khoẻ tâm thần.

Truyện ngắn ‘Những quả bom’ được dịch và in trên Tiền Phong Chủ nhật với sự cho phép của tác giả - nhà văn Joe Lavelle.