Ðề xuất nới hạn chế đi lại nội địa
Anh Vũ Văn Thông (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, anh đã được tiêm mũi 1 vắc-xin AstraZeneca gần 1 tháng trước. Dự kiến, tháng tới anh có thể được tiêm mũi thứ 2. Anh đã được cấp chứng nhận tiêm chủng vắc-xin mũi 1 của bệnh viện. Do yêu cầu công việc, anh Thông thường xuyên phải đi các tỉnh, nhưng từ khi Hà Nội có các ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, nhiều địa phương áp dụng cách ly bắt buộc tại nhà từ 14 đến 21 ngày với người tới từ Hà Nội, bất kể họ được tiêm vắc-xin hay chưa. Vì thế, cả tháng nay anh Thông đành làm việc từ xa. “Tới nay chưa thấy địa phương nào áp dụng miễn trừ cách ly với người đã tiêm vắc-xin COVID-19. Thậm chí, nhiều dịch vụ đang cấm phục vụ tại chỗ, kể cả với người đã tiêm vắc-xin hay chưa, chỉ được bán mang về”, anh Thông nói.
Anh Nguyễn Văn Dũng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, hơn 1 tháng nay đã gửi con 3 tuổi về nhà ông bà ở Thanh Hóa sau khi Hà Nội đóng cửa các trường mầm non để chống dịch COVID-19. Dù tới nay cả 2 vợ chồng anh đã tiêm mũi 1 vắc-xin AstraZeneca, nhưng gần 3 tuần nay không dám về thăm con, vì về sẽ phải cách ly 14 ngày như người chưa tiêm phòng. “Trước tiên có thể cho người đã tiêm vắc-xin, có giấy chứng nhận không phải cách ly khi đi lại giữa các địa phương, vì mục đích thăm thân, công việc, xa hơn là cho hoạt động du lịch. Nếu được như vậy, sẽ có nhiều người sẵn sàng tiêm vắc-xin phòng COVID-19 khi tới lượt”, anh Dũng nói.
Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB), bày tỏ sự đồng thuận với ý tưởng xem chứng nhận tiêm vắc-xin COVID-19 như “giấy thông hành” nội địa. “Người đã tiêm vắc-xin COVID-19 đầy đủ phải có gì đó khác người chưa tiêm, như được đi lại trong nước tự do hơn. Qua đó để những người còn băn khoăn có động lực đi tiêm vắc-xin. Hơn nữa, việc nới lỏng hạn chế đi lại trong nước với người đã tiêm đủ vắc-xin cũng là phép thử để đánh giá khả năng an toàn với cộng đồng. Từ đó, cơ quan chức năng đánh giá và rút kinh nghiệm cho áp dụng hộ chiếu vắc - xin với khách quốc tế trong tương lai”, ông Nam nói. Theo ông Nam, hiện tại, ý tưởng “hộ chiếu vắc-xin” hay quá trình triển khai “giấy thông hành vắc-xin” vẫn gặp một số lo ngại, vì có ý kiến cho rằng, người được tiêm không mắc bệnh nhưng vẫn có khả năng làm lây bệnh. Do đó, sử dụng giấy chứng nhận tiêm chủng vắc-xin COVID-19 để đi lại nội địa là cơ hội để đánh giá lo ngại trên có đúng hay không.
Tuy nhiên, ông Nam cũng cho rằng, cần ứng dụng công nghệ để thay cho giấy chứng nhận tiêm vắc-xin COVID-19 thông thường. Vì giấy chứng nhận có dấu đỏ rất dễ bị làm giả. Thay vào đó có thể sử dụng ứng dụng trên thiết bị di động với mã QR (QR code), mã vạch cấp cho từng người, để quản lý thông tin cá nhân, xác nhận người đã tiêm vắc-xin. Việc quản lý cá nhân qua mã vạch, QR trên thiết bị cầm tay đã được Trung Quốc áp dụng rất hiệu quả. Người được tiêm đi bất kể đâu cũng quét mã QR, mã này rất khó bị làm giả. Hiện tại, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) cũng phát triển ứng dụng IATA Travel Pass (ITP) với mã QR để xác định thông tin cá nhân, hồ sơ y tế, lịch sử tiêm vắc-xin COVID-19 của hành khách đi lại quốc tế bằng đường hàng không.
Tiến tới mở cửa, đi lại giữa các nước
Đại diện một hãng hàng không nội địa cũng bày tỏ quan điểm đồng tình với đề xuất nới lỏng hạn chế đi lại nội địa với người có giấy chứng nhận tiêm vắc-xin COVID-19. Việc có “giấy thông hành” nội địa là chứng nhận đã tiêm vắc-xin sẽ tăng nhu cầu đi lại, qua đó hỗ trợ vận tải, du lịch hiện tại gần như “đóng băng” do đợt bùng phát dịch lần thứ 4.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính tới hết ngày 8/6, cả nước đã có hơn 1,37 triệu người được tiêm vắc-xin COVID-19, trong đó số người được tiêm đủ 2 mũi là hơn 42.100 người.
Dự kiến, trong tháng 6 này, Vietnam Airlines bắt đầu thử nghiệm ứng dụng sức khỏe điện tử IATA Travel Pass (ITP) với khách của hãng sau khi đã đạt được thỏa thuận với IATA. Một số hành khách của hãng sẽ được thí điểm cài đặt ứng dụng ITP trên thiết bị di động với mã QR duy nhất để thay cho các loại giấy chứng nhận thông thường. ITP được kỳ vọng có thể trở thành “hộ chiếu vắc-xin”, tiến tới mở cửa đi lại giữa các nước, nối lại du lịch quốc tế. Singapore, Panama và Estonia đã cho phép hành khách sử dụng ứng dụng ITP khi nhập cảnh thay cho các loại giấy xác nhận thông thường. Trên thế giới cũng có hơn 30 hãng hàng không thử nghiệm ứng dụng này. Trước đó, tháng 3/2021, Cục Hàng không cũng kiến nghị Bộ GTVT báo cáo các cấp có thẩm quyền về việc triển khai cơ chế với ứng dụng ITP. Qua đó có thể mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ tới Việt Nam.
Ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, ứng dụng ITP được kỳ vọng có thể giúp mở cửa lại biên giới các nước, hỗ trợ mở cửa lại bầu trời và du lịch quốc tế của Việt Nam. Tuy nhiên, để trở thành “hộ chiếu vắc-xin”, nó cần được chính phủ các nước cho phép và công nhận lẫn nhau về dữ liệu trên ứng dụng, khi đó mới áp dụng được với khách quốc tế.
Ông Trần Tuấn Linh, Phó Chủ tịch Hội Khoa học và công nghệ hàng không Việt Nam cho rằng, việc áp dụng “hộ chiếu vắc-xin” là cơ hội mở lại hoạt động vận tải khách quốc tế.