Ví dụ, mơ đã nghệ sĩ lớn thì phải như Meryl Streep, càng già trông càng duyên, tranh thủ sân khấu Quả cầu vàng để phát biểu quan điểm chính trị khiến nó lan tỏa mạnh mẽ khắp diễn đàn mạng và báo chí. (Không nói về sự đúng sai, hay dở của quan điểm - chính kiến đó ở đây, mà là tâm thế, vị thế của nghệ sĩ). Hay nụ hôn đồng tính của Ryan Reynolds với “người nhện” Andrew Garfield trong khán phòng trước sự chứng kiến của tất cả. Đây có thể chỉ là trò đùa của hai chàng trai trẻ, mà cũng có thể không đùa. Phim Mỹ hay có cảnh nhân vật chính tỏ tình, cầu hôn nơi công cộng trước sự chứng kiến của mọi người. Người Việt chúng ta chẳng bao giờ làm thế, sẽ lố bịch lắm, phát biểu trong họp còn ngại chết đi được. Ta thỉnh thoảng có nên phá cách, làm những chuyện động trời như Ryan và Andrew, làm cho đến Hollywood và khán giả Mỹ còn phải xôn xao. Xôn xao, ì xèo có lẽ còn hơn nhạt cả đời, cả đời nghĩ và hành xử “như đúng rồi”.
Trong khán phòng, thấy có anh Hugh Grant. Anh này mười mấy năm trước can tội làm cả thế giới mơ mộng vì bộ phim “Đồi Notting”. Mơ rằng một người hiền lành giản dị, làm nghề bán sách cũng có thể có tình yêu đẹp nhất với ngôi sao điện ảnh chân chính. Kết phim có hậu nhưng không giả, cố tình cổ tích hóa như “Người đàn bà đẹp”. Xem đi xem lại một phim như “Đồi Notting”, dạo này liên tục chiếu trên kênh Diva, để đoán chắc rằng không bao giờ Việt Nam có được bộ phim như thế, không phải dạng phim để ẵm Oscar nhưng hoàn hảo với ý nghĩa là phim tình cảm, tâm lý kinh điển.
Phim chính kịch xuất sắc nhất Quả cầu vàng năm nay là “Moonlight”, đề tài đồng tính. Nhớ lại “Núi Brokeback” đoạt Quả cầu vàng 2006 dành cho phim hay nhất, kịch bản xuất sắc nhất, bài hát chủ đề hay nhất, và giải Oscar đạo diễn, kịch bản chuyển thể, nhạc phim hay nhất. Đó, cõi mộng cho những người cầm bút: Một truyện ngắn bình thường trở thành tác phẩm điện ảnh tinh tế, xuất sắc. Nhìn sang Việt Nam, một xã hội ngày càng cởi mở với LGBT. Ta đâu thiếu, ê hề ra, những đề tài đồng tính và rộng hơn, để cung ứng cho văn học, điện ảnh. Emma Stone, vừa đoạt Quả cầu vàng Nữ chính thể loại hài/nhạc kịch trong “Những kẻ khờ mộng mơ”, phát biểu sâu sắc: “Hy vọng và sáng tạo là điều quan trọng nhất trong thế giới này”. Tất nhiên rồi, nhất là sáng tạo. Thế mà chúng ta cứ mãi đi bên lề sự kiện, chỉ biết làm khán giả khờ mộng mơ.