Rất nhiều bình luận trên mạng xã hội, và cả báo chí đay nghiến những kẻ “đáng chết” ấy, như muốn thấy họ phải chết ngay tại chỗ mới hả dạ?! Chắc bởi ai nấy đều có không ít ví dụ về những cái chết oan ức do những kẻ phóng xe điên bạt mạng kiểu ấy gây ra.
Cuối cùng viên cảnh sát cũng không hề hấn gì, sau khi cấp chỉ huy kết luận sự việc không nghiêm trọng!
Không nghiêm trọng vì (may mắn) không xảy ra thương vong. Nhưng sau vụ này, có cảm giác bánh xe pháp luật bị tuột thêm một con ốc. Và những hành vi “vô pháp vô thiên” trong xã hội lại tiến thêm một bước. Khi dư luận tung hô kiểu bắn hạ không cần tuyên án, miễn là với những kẻ được mặc định là “đáng chết” trong xã hội!?
Gia đình sát thủ Vũ Văn Tiến ở Bình Phước đã lặn lội đi gom được hàng vạn chứ ký với hy vọng con mình có cơ hội thoát chết. Mẹ và chị của kẻ giết người quỳ sụp giữa sân tòa lạy sống người nhà nạn nhân. Nhưng án phúc thẩm nghiêm minh vẫn là án tử. Sát thủ có phải là kẻ đáng được sống không? Với câu hỏi này, nên trả lời câu này trước: 6 vợ chồng con cái trong gia đình bị giết hại có đáng phải chết không?
Hôm qua, các lực lượng ở Hà Nội đã căng thẳng suốt đêm để cứu một thanh niên quyết nhảy xuống từ tầng 16 do thất tình. Anh ta có đáng chết không, khi quyết liệt không muốn sống nữa nhưng mọi người vẫn phải giành giật lại sự sống cho anh ta?
Con người tồn tại qua hàng triệu thế hệ băng qua mọi thời đại, cả những hoàn cảnh tăm tối nhất để đến được nền văn minh hôm nay, là nhờ tuân theo quy luật tự nhiên và thượng tôn pháp luật do chính mình tạo ra. Chính vì vậy mới giữ được nhân tính.
Con người về nguyên tắc không khi nào là những kẻ đáng phải chết, kể cả những con quỷ sát nhân mang án tử hình đến người muốn tự sát, hay người bệnh nan y năn nỉ bác sĩ cho được chết theo ý nguyện. Mỗi quốc gia có những quan niệm riêng trong việc vận dụng luật pháp để quyết định cái chết cho những đối tượng “đáng chết”. Nhưng tất cả đều phải đặt các quy định pháp luật lên hàng tối thượng.
Vậy nên, khi xã hội tung hô kiểu triệt hạ sinh mạng người khác mà không cần tuyên án, không dựa theo chuẩn mực nào, thì nguy cơ “vỡ trận” của lề luật, quy củ xã hội là đáng lo ngại.
Có lẽ khi niềm tin tưởng vào công lý có vấn đề, thì như một phản ứng ngược tiêu cực, đám đông sẽ quay sang cổ súy những hành vi manh động cá nhân.
Như không ít câu chuyện dễ dàng bắt gặp trên mạng xã hội hiện nay.