Những hãng dính đòn đau nhất từ khủng hoảng kinh tế Nga

Những thương hiệu đình đám như Ford, Volkswagen, Carlsberg hay ExxonMobil đều đang chịu thiệt hại lớn khi thị trường Nga suy yếu.

Khủng hoảng tiền tệ cùng giá dầu lao dốc đã bóp nghẹt kinh tế Nga và giáng đòn mạnh lên niềm tin tiêu dùng. Nếu giá dầu không hồi phục, Nga có thể sẽ tăng trưởng âm 5% năm tới.

Rouble biến động mạnh đã buộc nhiều thương hiệu như IKEA, GM và Apple ngừng hoạt động tại Nga. Theo CNN, dưới đây là những thương hiệu phương Tây chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ khủng hoảng kinh tế Nga.

1. Ford

2014 là năm khó khăn với các hãng sản xuất xe hơi tại Nga. Doanh số bán xe tại Nga giảm 12% năm nay, theo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (AEB). Ford là một trong số những hãng chịu ảnh hưởng lớn nhất. Theo AEB, doanh số bán xe 11 tháng đầu năm của Ford giảm khoảng 40%. Vào tháng 4, hãng xe hơi Mỹ đã phải sa thải 950 nhân viên tại công ty liên doanh của mình ở Nga.

2.Volkswagen

Hãng xe hơi khổng lồ của Đức cũng chịu chung số phận với Ford. Tháng 9 vừa rồi, Volkswagen đã phải đóng cửa nhà máy tại thành phố Kaluga của Nga trong 10 ngày do kinh tế khó khăn. 11 tháng đầu năm, doanh số bán VW - thương hiệu xe hơi lớn nhất thuộc Volkswagen - giảm 20% so với cùng kỳ năm 2013, theo AEB.

3. Carlsberg

Năm 2014, hãng bia Đan Mạch hai lần phát cảnh báo suy giảm lợi nhuận do nhu cầu tại Nga đi xuống. Trong 6 tháng đầu năm, doanh số bán bia của hãng này giảm 7% do môi trường bất ổn, tăng trưởng yếu và thời tiết xấu.

Carlsberg phụ thuộc rất lớn vào thị trường Nga, với nhiều thương hiệu lớn như Baltika. Từ đầu năm, giá cổ phiếu Carlsberg đã giảm hơn 20%.

4. Adidas

Xu hướng thắt lưng buộc bụng tại Nga đã buộc hãng thời trang thể thao Đức đóng nhiều cửa hàng và ngừng kế hoạch mở rộng tại Nga. Adidas là một trong những thương hiệu bán lẻ lớn nhất tại Nga với 1.100 cửa hàng. Tháng trước, CEO Herbert Hainer của Adidas cho biết tiêu dùng yếu và đồng rouble mất giá là những nguyên nhân khiến công ty bị ảnh hưởng.

5. BP

Giá dầu lao dốc và các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã gây tác động kép lên các hãng dầu mỏ lớn nước này. BP sở hữu cổ phần lớn tại Rosneft - hãng dầu mỏ lớn nhất Nga. Vì thế, dĩ nhiên BP không tránh khỏi liên lụy.

Rosneft không còn tiếp cận được thị trường vốn của châu Âu và Mỹ, cũng như công nghệ và dịch vụ để khai thác ở các vùng nước sâu, Bắc Cực hay mỏ dầu đá phiến. Rosneft cho rằng nguyên nhân khiến lợi nhuận quý III của công ty giảm tới 86% là đồng rouble suy yếu và giá dầu thô Ural của Nga lao dốc. Cũng chính vì vậy, từ đầu năm, giá cổ phiếu BP đã mất 17%.

6. ExxonMobil

Đầu năm 2014, ExxonMobil hợp tác với Rosneft trong dự án thăm dò dầu mỏ tại Bắc cực. Tuy nhiên, hãng đã không thể tiếp tục dự án này do lệnh cấm vận của phương Tây đối với Nga.

7. Total

Các kế hoạch tăng trưởng của gã khổng lồ ngành năng lượng Pháp cũng bị từ bỏ do cuộc chiến thương mại giữa Nga và các nước phương Tây. Total phải dừng kế hoạch hợp tác khai thác dầu đá phiến với hãng Lukoil của Nga do lệnh cấm vận của phương Tây.

8. McDonald's

Đầu năm 2014, giới chức trách Nga đã buộc McDonald’s đóng cửa 12 cửa hàng vì lý do vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, động thái này được cho là có yếu tố chính trị. Tất cả các cửa  hàng này đều đã mở cửa trở lại. Nhưng McDonald's cho biết “kết quả kinh doanh tệ hại” tại Nga khiến doanh số ở châu Âu trong tháng 11 giảm mạnh.

9. Danone

Nga đóng góp tới 11% doanh thu hàng năm cho hãng thực phẩm khổng lồ Pháp, cũng là thị trường đem lại doanh thu lớn nhất cho Danone năm 2013. Tuy nhiên, giá cả leo thang tại Nga đang là mối lo lớn với hãng. Nửa đầu năm 2014, biên lợi nhuận của Danone đã giảm mạnh do giá sữa tăng cao.

10. Siemens

Nga cũng là một thị trường lớn đối với thương hiệu thiết bị gia dụng của Đức. Tuy nhiên, doanh thu của Siemens năm tài chính 2014 tại Nga giảm 14% so với cùng kỳ năm trước.

11. Các ngân hàng châu Âu

Khủng hoảng tài chính tại Nga đang là bài toán đau đầu đối với các ngân hàng phương Tây. Ngân hàng Thanh toán Quốc tế nhận định nhà băng châu Âu là những nạn nhân lớn nhất của cuộc khủng hoảng này.

Tính tới cuối tháng 6/2014, giá trị các khoản vay của ngân hàng châu Âu tại Nga là 155,9 tỷ USD, chiếm khoảng 1% tổng dư nợ. Các ngân hàng Pháp cho vay nhiều nhất với 47,8 tỷ USD, theo sau là Italy và Mỹ với lần lượt 27,7 tỷ USD và 26,1 tỷ USD. Các ngân hàng lớn có quan hệ mật thiết với Nga gồm Societé Generale của Pháp và UniCredit của Italy.

Theo Thanh Tuyền

Theo VnExpress