Những cử nhân về quê nuôi lợn, làm nước mắm

Nhiều bạn trẻ tốt nghiệp đại học cả trong và ngoài nước, từ chối cuộc sống thành thị, về quê tìm cách làm giàu chân chính và bền vững.

23 tuổi chí lớn

 Trại thỏ Chiến Huy của hai bạn trẻ 23 tuổi

Ngay sau khi tốt nghiệp ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, đôi bạn trẻ Lê và Hiếu (23 tuổi) đã quyết định trở về quê làm nông dân. Vừa trình bày ý tưởng nuôi thỏ, gia đình hai bên đã ra sức ngăn cản. Lê quê ở Quảng Nam, Hiếu ở TP. Đà Nẵng, cả hai quen và yêu nhau từ khi ngồi trên giảng đường. Hiếu sinh ra trong gia đình khá giả, sau khi tốt nghiệp đã có một công việc đúng ngành, lương cao đang chờ sẵn nhưng cậu từ chối khiến cả gia đình rất giận.

Còn Lê, sau khi biết tin bố đã kịch liệt phản đối ý định của em. Bố em nói nuôi cho ăn học là muốn em có việc làm nhàn hạ ở thành phố, thoát cảnh chân lấm tay bùn. Thuyết phục mãi, bố Lê mới đồng ý vay mượn tiền để hai bạn làm trại thỏ.

Với số vốn 200 triệu vay mượn người thân, hai bạn trẻ bắt đầu khởi nghiệp bằng 50 chú thỏ đầu tiên mua từ dân địa phương. Do thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật, tất cả lần lượt chết hết.

Tìm ra nguyên nhân là do số thỏ được phối cận huyết, thoái hóa giống, hay bệnh tật, Lê và Hiếu tiếp tục tìm giống thỏ mới, tiếp tục nuôi nhưng mấy đợt liên tiếp trong năm 2012 đều thất bại, có lúc gần như trắng tay.

Thất bại khiến nhiều người lại can ngăn và khuyên các em lên thành phố tìm việc làm. Nhưng vẫn quyết tâm làm giàu, hai bạn chưa từ bỏ và tìm đến giống thỏ ngoại New Zealand thuần chủng. Từ 50 con giống bố mẹ, đến nay trại thỏ của hai bạn đã có hơn 200 con. Tất cả đều khỏe mạnh và sinh trưởng tốt.

Sau hơn một năm nuôi thỏ ngoại, hai bạn đã có trong tay hơn 400 triệu đồng. Hiện tại, Hiếu đảm nhiệm việc tìm nguồn tiêu thụ, Lê đảm nhận chăm sóc thỏ.

Lê cho biết hai bạn đã làm lễ ăn hỏi và sẽ làm đám cưới trong nay mai.

Bỏ thủ đô về nuôi lợn

Nuôi lợn là lựa chọn của chàng cử nhân 30 tuổi ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội Nguyễn Văn Hịu.

Trang trại nuôi lợn nái của anh Hịu. Ảnh: Tiền Phong

Sau khi tốt nghiệp đại học, thử sức ở nhiều công ty, chàng trai người Bắc Ninh được đánh giá cao về năng lực chuyên môn, nhận được thu nhập tương đối khá với một người trẻ. Thế nhưng, Hịu vẫn canh cánh ước mong làm giàu từ chính quê hương mình. 3 năm sau ngày tốt nghiệp, Hịu bỏ Hà Nội về quê và vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ gia đình.

Anh đấu thầu khoảng đất rộng gần 2ha để làm trang trại nuôi lợn, thả cá. Bỏ ngoài tai tất cả những lời can ngăn, Hịu tìm hiểu kỹ thuật nuôi lợn từ các trang trại cũng như từ sách vở.

Lứa cá đầu tiên, anh bị lỗ do không để ý đến khẩu phần khiến chi phí bỏ ra lớn mà cá vẫn chậm lớn, chết nhiều. Đến lứa thứ 2, rút kinh nghiệm từ lần trước, ao cá của anh thu lãi hàng chục triệu đồng.

Hiện tại, mỗi năm trang trại của anh cho xuất chuồng hàng nghìn con lợn sữa, lãi khoảng 500 triệu đồng/ năm, trong khi ao cá cũng thu lãi khoảng 400 triệu đồng/ năm. Trang trại của anh còn tạo công ăn việc làm cho một số người dân. Ngoài làm trang trại, anh Hịu còn làm đại lý cám với khả năng tiêu thụ trung bình hơn 100 tấn/ tháng.

Bỏ Thung lũng Silicon về làm hương

Quyết định trở về quê hương từ Thung lũng Silicon (Mỹ), từ chối mức lương lên đến hàng nghìn đô có lẽ là một quyết định vô cùng dũng cảm của chàng trai sinh năm 1981 sinh ra trên quê lúa Thái Bình.

Phương Anh tại xưởng làm hương. Ảnh: Khoa học & Đời sống

Trần Phương Anh từng tốt nghiệp ĐH Ngoại Thương, sau đó nhận học bổng cao học ở ngôi trường danh tiếng - ĐH Yale. Ra trường, cậu kiếm được việc làm ở Thung lũng Silicon với mức thu nhập là mơ ước của nhiều người.

Thế nhưng, anh lại chọn nén hương để khởi nghiệp, cũng bắt nguồn từ suy nghĩ gia đình người Việt nào cũng sử dụng hương, nhất là các ngày lễ, Tết. Hơn nữa, cậu cho rằng có 3 cách để phát triển sản phẩm: Bình dân hóa thứ xa xỉ hoặc nâng tầm những thứ bình dân. Vì thế, cậu quyết định nâng giá trị sản phẩm mang yếu tố văn hóa tâm linh này.

Phương Anh không làm hương theo cách thông thường, mà đi theo một hướng mới. Những nén hương của cậu được làm từ các loại thảo mộc, mỗi nén được đặt trong hộp trang trọng với những hình vẽ truyền thống.

Sau 3 năm thành lập, đến nay công ty sản xuất hương của cậu đang phát triển bền vững. Năm 2010, tổng thu nhập là 15 tỷ đồng, năm 2013 khoảng hơn 20 tỷ đồng với 150 nhân viên. Phương Anh nói dù khó khăn đến đâu cậu cũng quyết tâm duy trì con đường này, nếu cần sẽ đi làm trở lại để lấy tiền “nuôi hương”.

Từ bất động sản sang nuôi lươn

Tốt nghiệp ĐH Kinh tế TP.HCM, sau một thời gian làm việc trong ngành bất động sản và chứng khoán, anh Nguyễn Văn Hoàng (35 tuổi) chuyển hướng sang nuôi lươn trong bể bê tông.

 Anh Hoàng trong trang trại nuôi lươn của mình. Ảnh: VnExpress

Tự tìm hiểu, nghiên cứu sách vở về kỹ thuật, lợi ích từ việc nuôi lươn, anh Hoàng quyết tâm làm giàu bằng con đường này. Năm 2012, anh liên hệ với một số trại giống, trung tâm thủy sản An Giang để tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Đến cuối năm, anh xây dựng bể lươn đầu tiên với diện tích 6m2. Sau thấy khả quan, anh tiến hành xây 20 bể. Ước tính, tiền giống và chi phí dựng trang trại mất khoảng 300 triệu đồng.

Công cuộc làm giàu của anh cũng gặp không ít khó khăn khi bạn bè, người thân ra sức can ngăn do “không biết gì về kỹ thuật nuôi trồng thì rủi ro rất cao”. Thất bại vài lần cũng không làm anh nản chí. 6 tháng sau, lứa lươn đầu tiên của anh được thu hoạch với giá 160.000 đồng/ kg.

Sau một năm, đến nay trang trại của anh còn cung cấp lươn giống cho các hộ nông dân và có kế hoạch mở rộng thêm số bể. Theo anh, khó nhất trong việc nuôi lươn là phải tìm được nguồn giống tốt. Ngoài ra, người nuôi cũng phải chủ động tìm đối tác để tiêu thụ sản phẩm.

Dừng học tiến sĩ về làm nước mắm

Hoàn thành tấm bằng thạc sĩ ở Úc, được nhận học bổng tiến sĩ nhưng Đào Thị Hằng (sinh năm 1985) từ chối, về quê Quảng Trị để làm nước mắm.

Chị Hằng chuẩn bị cà làm mắm cùng mẹ. Ảnh: Báo Quảng Trị

Sinh ra trong gia đình nghèo, đông anh em, làm nghề chài lưới, chính nước mắm mẹ làm đã nuôi lớn 6 chị em cô.

Hằng chia sẻ rằng danh hiệu tiến sĩ quan trọng, tiền tài cũng quan trọng, nhưng được giúp đỡ nhiều người dân với chị còn quan trọng hơn.

Đầu năm 2013, trở về Việt Nam, chị dành 5 tháng lặn lội khắp các làng chài để tìm hiểu, thu thập tư liệu, học hỏi kinh nghiệm từ người dân trong việc làm mắm ruốc và nước mắm. Chị đã không ngần ngại sống chung, xắn tay cùng làm mắm với bà con để thu thập kiến thức về các loại mắm.

Chị nhận thấy nước mắm miền Trung đậm đà, chất lượng nhưng mới chỉ bán chủ yếu ở các chợ nhỏ lẻ do sự cạnh tranh từ các loại mắm công nghiệp, giá rẻ, quảng cáo hoành tráng, bao bì đẹp mắt.

Chị cũng nhận thấy nghề làm mắm và nước mắm chỉ có duy nhất ở Việt Nam. Tham vọng của Hằng là đưa nước mắm Việt Nam ra thế giới. Hiện nước mắm Thuyền Nan có 5 loại, được cô đặt hàng với các hộ gia đình làm mắm ở các vùng biển bãi ngang như Mỹ Thủy, Cửa Tùng.

“Tôi có một ý tưởng khá đặc biệt là sẽ tập cho người nước ngoài ăn mắm ruốc, bằng cách chế biến mắm ruốc kết tinh thành một dạng muối trộn với salad hoặc ăn với bánh sandwich kẹp thịt, làm sao để giảm mùi mắm ruốc một cách tối đa nhưng vẫn giữ nguyên vị ngon, chắc chắn người nước ngoài sẽ thích”, chị Hằng chia sẻ.

Theo Theo Vietnamnet