Hội quán mang đặc trưng kiến trúc người Hoa
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thành phố Nam Định có 35/38 phố Hàng. Người dân buôn bán, sản xuất mặt hàng gì thì phố mang tên mặt hàng đó như Hàng Đồng, Hàng Tiện, Hàng Cấp, Hàng Sắt, Hàng Thao...
Các đình, đền xuất hiện nhiều trên các con phố ở Nam Định. Đền, đình thường thờ thành hoàng cai quản vùng đất, nhưng cũng có nơi được các phường buôn, phường nghề trong cùng một khu lập nên để thờ tổ nghề, là nơi hội họp, sinh hoạt của các phường hội. Nhiều công trình ghi dấu ấn của người Hoa tại thành phố Nam Định.
Đền Triều Châu (Phúc Triều Huệ hội quán) nằm trên phố Hàng Sắt (phường Nguyễn Du, TP. Nam Định) được xây dựng từ thế kỷ 16-17 bởi các dòng họ của làng Minh Hương - người Trung Quốc ở Phúc Châu, Triều Châu, Huệ Châu.
Đền Triều Châu thờ bà Lâm Tức Mặc. Sách Đại Nam nhất thống chí, Nam Định tỉnh địa dư chí lược tân biên đều ghi nhận bà là một vị thần biển, có thể hô mưa gọi gió, dùng phép màu cưỡi mây bay trên biển.
Đền Triều Châu là công trình mang đậm màu sắc kiến trúc Trung Hoa gồm các hạng mục như tòa Tiền tế và tòa Chính cung, làm theo lối chữ Nhị, giữa có hệ thống sân phân cách.
Các hạng mục công trình đền đều xây bằng gạch Bát Tràng, bờ nóc đắp nổi hình rồng chầu mặt nguyệt, mái đền lợp ngói ống, trên các vì kèo ở gian tiền tế, cũng chạm khắc hoa lá và các linh vật cách điệu. Tương truyền các cấu kiện kiến trúc của đền được gia công ở Trung Quốc rồi mới mang sang phố Vĩnh Ninh và được những người thợ tài hoa đất Nam Phong - Nam Định cất dựng.
Ngày nay, đền lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị như khám và tượng thờ Thánh mẫu Thiên Hậu, trong đó có nhiều bức đại tự, câu đối liên quan tới việc đi sông biển và ngợi ca tài danh của vị nữ thần.
Ngoài gian thờ chính, hai gian bên còn có bàn thờ Tam đa, Ngũ phúc và phối thờ Tam tòa Thánh mẫu của văn hóa Việt, Thanh long, Bạch hổ cùng ban thờ các dòng họ người Hoa có công xây dựng và tôn tạo đền.
Bà Tiêu Dung Ngâm - người làm nhiệm vụ coi giữ đền - cho biết nơi đây thờ ông tơ, bà nguyệt và bà mụ rất thiêng. Nhiều người đến cầu tình duyên, con cái đều được như ý.
Đền Triều Châu mở hội vào ngày 23 tháng Ba (chính hội), đồ cúng có bánh bao, mì sợi. Đền Triều Châu là một trong số rất ít công trình kiến trúc cổ của người Trung Hoa trên đất Nam Định còn bảo tồn tới ngày nay.
"Tuy nhiên, nhiều năm nay rất ít người Hoa lui tới, chỉ có hàng xóm quanh đền tới thắp hương vào ngày Rằm, mùng một sau đó cùng thủ nhang, con cháu thụ lộc", bà Tiêu Dung Ngâm nói.
Hội quán Quảng Đông (còn gọi là Đền Hội Quảng) ở phố Hoàng Văn Thụ cũng có quy mô bề thế. Hội quán Việt Đông hay Quảng Đông do người gốc Quảng Đông lập nên thờ Tam Thánh (Quan Công, Quan Bình, Châu Xương) gian ngoài, bà Thiên Hậu ở đình trong.
Từ công trình cổ đổ nát, đền sập năm 1991, ông Đại thủ từ đứng ra huy động cộng đồng địa phương trùng tu đền Hội Quảng. Trải qua nhiều lần trùng tu, đền Hội Quảng có diện mạo khang trang và là nơi lưu giữ văn hóa, lịch sử giao thương tại mảnh đất Nam Định.
Đại diện Phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở VHTTDL Nam Định) kỳ vọng sớm hình thành tour tuyến khai thác các công trình kiến trúc tiêu biểu ngay tại thành phố Nam Định. Bên cạnh điểm đến tâm linh nổi tiếng như đền Trần, phủ Dầy, các hội quán tại thành phố hay các công trình công giáo cũng có thể tạo nên tuyến tham quan hấp dẫn du khách.
Nét độc đáo của đình, đền ở Thành Nam là thành xưa còn có 4 cửa Bắc, Nam, Đông, Tây đều có các công trình tâm linh, trong đó còn giữ nguyên hiện trạng là Đền Cửa Bắc nằm trên phố Thành Chung.
Nhiều công trình nhà thờ, di tích độc đáo
Nam Định luôn được biết đến là một trong những địa phương đạo Công giáo phát triển mạnh mẽ. Đây không chỉ là nơi đầu tiên ở Việt Nam đạo được truyền bá, nơi đây còn nổi tiếng là mảnh đất của những nhà thờ với kiến trúc Gothic cổ kính đẹp lung linh cùng với số lượng tín hữu đông đảo.
Một số nhà thờ đẹp nổi tiếng của Nam Định có thể kể đến nhà thờ Kiên Lao, nhà thờ Hưng Nghĩa, nhà thờ Phạm Pháo, nhà thờ Ninh Cường, nhà thờ đổ Hải Lý...
Nhà thờ Hưng Nghĩa (xã Hải Hưng, huyện Hải Hậu) đã trở thành điểm đến không thể bỏ qua ở Nam Định.
Nhà thờ Hưng Nghĩa nằm cách trung tâm thành phố Nam Định khoảng 30 km, thuộc giáo phận Bùi Chu. Nhà thờ Hưng Nghĩa được xây dựng từ năm 1927 theo lối kiến trúc Gothic tráng lệ. Trải qua thời gian, nhà thờ xuống cấp trầm trọng nên đã được khởi công xây dựng lại vào năm 2001. Sau 11 năm, vào năm 2012, nhà thờ Hưng Nghĩa chính thức khánh thành trở lại.
Nhà thờ Hưng Nghĩa có chiều dài 76 m, chiều rộng 33 m, cao 24 m và hai tháp chuông cao 60m là một công trình kiến trúc hoành tráng, bề thế, thể hiện được ý tưởng, tư duy và kiểu dáng kiến trúc hiện đại, nhưng vẫn có sự biến hóa hài hòa với các yếu tố không gian xung quanh.
Nhà thờ Hưng Nghĩa từ ngày được xây sửa lại khang trang đã trở thành điểm đến du lịch, điểm check in nổi tiếng, mang bóng dáng công trình tôn giáo như ở châu Âu.
Nam Định cũng sở hữu kiến trúc cổ xưa, độc đáo. Cầu Ngói chùa Lương (Hải Hậu, Nam Định) là một trong những cây cầu cổ nhất với tuổi đời 500 năm của vùng trấn Sơn Nam Hạ xưa.
Trải qua nhiều thế kỷ, cây cầu vẫn vẹn nguyên vẻ đẹp cổ kính, mộc mạc. Đây là một trong ba cây cầu cổ đẹp nhất miền Bắc Việt Nam, được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa năm 1990.
Cây cầu được xây theo lối kiến trúc "thượng gia hạ trì" (trên nhà dưới sông), bắc ngang sông Trung Giang. Cầu Ngói không chỉ là công trình giao thông mà còn là công trình nghệ thuật độc đáo, niềm tự hào của người dân Quần Anh xưa.
Đặc biệt, cầu ngói hình thành cùng thời gian với chùa Lương cách đó 150m, nằm trên trục đường gắn liền với chùa thành một cụm di tích.
Tour tham quan những nhà thờ nổi bật của Nam Định
Nam Định mang đậm dấu ấn của nền văn minh lúa nước sông Hồng, giao thoa giữa với văn hóa phương Đông và phương Tây qua tôn giáo, những công trình đền đài, nhà thờ tráng lệ, những làng nghề truyền thống hàng trăm năm tuổi.
Nhận thức được điều này, một số đơn vị du lịch, lữ hành đã cho ra mắt các tour du lịch trải nghiệm văn hóa ở nơi đây. Đi đầu có thể kể đến tour Đường về xứ đạo. Tour du lịch này đưa du khách đi qua các nhà thờ nổi tiếng của Nam Định và di sản Cầu Ngói chùa Lương...