Những bộ phim làm 'sống lại' chiến dịch Điện Biên Phủ 'chấn động địa cầu'

TPO - Kỷ niệm 68 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2022), cùng điểm lại những bộ phim hay về chiến dịch đã làm “chấn động địa cầu” và vang khắp năm châu này.

Hoa Ban Đỏ

Bộ phim Hoa Ban Đỏ của đạo diễn Bạch Diệp vẫn được nhắc lại mỗi dịp tháng 5 lịch sử. Phim dạng bán tài liệu, ra mắt lần đầu năm 1994 nhân kỷ niệm 68 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/1994).

Hoa Ban Đỏ tập trung khai thác vào khoảng lặng của một thời đạn bom. Đó là những cảnh đào hầm thầm lặng trong đêm, những lần giải lao cùng nhau hát ca của bộ đội và đan xen những câu chuyện tình yêu nhẹ nhàng. Bên cạnh đó, phim còn khắc họa hy sinh, mất mát và đau thương trong chiến tranh nhưng với một cách nhẹ nhàng, sâu sắc hơn.

Hai nhân vật chính trong phim là Phương (NSƯT Trần Lực), một tiểu đoàn trưởng bộ đội chủ lực và Tấm (NSND Thu Hà), nữ dân quân kiêm y tá xinh đẹp luôn hết lòng vì bộ đội. Cả hai là hàng xóm chơi với nhau từ nhỏ, lớn lên họ cùng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Những ngày cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ, Phương bị trọng thương và gặp lại cô đồng hương Tấm. Thời gian ở bệnh viện quân y, Tấm yêu thầm Phương, hết lòng chăm sóc anh. Khi vết thương lành, Phương tạm biệt Tấm trên một cánh rừng nở đầy hoa ban đỏ và trở lại đơn vị.

Ngày chiến thắng, Tấm chạy đi khắp cánh đồng Mường Thanh nhưng không tìm được Phương, quanh cô chỉ có tiếng hát quân hành của bộ đội mừng thắng trận.

Trong phim, cảnh một đơn vị khi ra đi còn nguyên quân số mà chỉ qua một đêm đã hy sinh gần hết cũng khiến người xem rơi nước mắt.

Nghệ sĩ Trần Lực từng tâm sự sự khác biệt của Hoa Ban Đỏ khiến bộ phim ở lại lâu trong tâm trí người xem: “Xem phim mọi người thấy dung dị, không lên gân lên cốt, tình người được đẩy lên rất mạnh. Đặc biệt chất lãng mạn của phim rất rõ, không chỉ là chuyện tình yêu của các nhân vật trong phim mà là cái nhìn về cuộc chiến: Người lính ra trận hồn nhiên lắm. Ra trận mà hễ nghỉ phút nào là đàn hát. Chính quan điểm đó tạo dựng sự khác biệt trong số các phim chiến tranh”.

Ký ức Điện Biên

Ra mắt khán giả năm 2004, Ký ức Điện Biên do NSƯT Đỗ Minh Tuấn làm đạo diễn kể về một câu chuyện xảy ra trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Đây là tác phẩm mang trên vai gánh nặng khi có kinh phí cao so với các phim cùng thời, lên đến 13 tỉ đồng và phải làm gấp rút nhưng vẫn kịp thời ra mắt đúng ngày, tháng.

Anh vệ quốc đoàn Bạo và cô y tá Mây dẫn giải một tù binh Pháp tên là Becna về hậu cứ. Trên đường đi đã xảy ra nhiều chuyện vừa bi hài và lãng mạn giữa ba nhân vật. Tình yêu giữa Bạo và Mây cũng đã nảy nở trên hành trình này. 50 năm sau, Becna quay lại Việt Nam và gặp lại Bạo. Những ký ức về Điện Biên năm xưa tuy khốc liệt những vẫn lấp lánh tình người, là kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời các nhân vật chính.

Ký ức Điện Biên thể hiện được sự tuyệt vọng của những người lính viễn chinh đối lập với bầu không khí lạc quan, yêu đời. Tình đồng đội của những người nông dân Việt Nam cầm súng cũng được thể hiện khá duyên dáng và hài hước.

Đường lên Điện Biên

Đường lên Điện Biên phát sóng năm 2014, là một bộ phim truyền hình được thực hiện bởi Hãng phim truyện Việt Nam do NSƯT Bùi Tuấn Dũng làm đạo diễn, quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng như Nguyễn Mạnh Trường, Hoàng Hải…

Phim là câu chuyện của năm 1950 với những chàng trai Hà Nội hào hoa bỏ lại gia đình, trường học và tình yêu học trò lên đường nhập ngũ. Trên con đường hành quân tác chiến của tiểu đoàn Vệ quốc đoàn còn có một đoàn dân công gồm 500 cô vận lương lên Điện Biên.

Tình yêu và lửa đạn, máu và nước mắt cùng hào khí ngàn năm hội tụ ở một thế hệ cha ông được tái hiện thật sống động nhưng đầy lãng mạn và bi tráng... sẽ thấm đẫm và trải dài xuyên suốt từ tập đầu đến cảnh kết thúc Đường lên Điện Biên.

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng chia sẻ: “Đường lên Điện Biên tái hiện lại những năm kháng chiến chống Pháp. Thật khó mà có thể tái tạo ra không gian của hơn nửa thế kỷ trước. May thay, nguồn tư liệu sống về chiến tranh từ những người lính năm xưa luôn đầy ắp và chẳng phai mờ trong gia đình tôi, là bố mẹ và đồng đội của họ cùng với những kiến thức, thu thập về chiến tranh, kinh nghiệm phim trường bao năm nay được ém chặt trong ký ức của tôi… Và một lúc nào đó những mảnh vụn ký ức được tái hiện sống động trong những thước phim.