Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ

TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.

Đội quay phim tại Điện Biên Phủ

Đạo diễn - Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Việt Tùng là một nhà làm phim tài liệu nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam. Năm 1957, khi vào ngành điện ảnh, Phạm Việt Tùng đã có thời gian làm việc cùng nhà quay phim kỳ cựu Nguyễn Tiến Lợi, người từng được cử lên Điện Biên để quay phim về Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đạo diễn Phạm Việt Tùng cho biết, ông từng được nhà quay phim Nguyễn Tiến Lợi kể, trước khi chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra, có hai tổ làm phim của ta được cử vào chiến trường này để quay phim về Điện Biên Phủ. Tổ đi đầu tiên gồm Nguyễn Tiến Lợi đảm nhiệm quay phim chính, các thành viên còn lại là Nguyễn Ngọc Quỳnh, Nguyễn Quý Lục và Nguyễn Văn Sinh.

Bộ đội về tiếp quản Thủ Đô năm 1954 (Cảnh phim “Việt Nam”)

Bấy giờ, tổ quay phim chỉ có chiếc máy quay hiệu Paya Bolex, dùng phim cỡ 16mm của Thụy Sĩ. Đây là loại máy quay thường được dùng quay trong gia đình hay khi du lịch, nhưng vì không thể tìm được máy quay cỡ 35mm chuyên dùng cho điện ảnh nên buộc phải dùng loại máy quay này.

Ngày ấy, mặc dù máy quay phim thô sơ, kinh nghiệm chiến trường chưa có nhiều, nhưng tổ quay phim đã bám sát trận địa, quay những thước phim quý giá trước và khi chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra.

Tiếp đó, một tổ làm phim tài liệu khác lại được cử vào chiến trường gồm Nguyễn Hồng Nghi, Nguyễn Phụ Cấn, Nguyễn Như Ái, Nguyễn Đăng Bảy, Nguyễn Thụ… Tổ này lên Điện Biên Phủ khi chiến dịch đã gần giai đoạn cuối, nên chủ yếu quay các cảnh công binh, dân công hỏa tuyến làm nhiệm vụ phá mìn, vận tải lương thực, tiếp tế đạn dược, thuốc men cho chiến trường.

Tại Điện Biên Phủ, những thước phim về chiến dịch được quay nhiều ngày, kết hợp với những cảnh phim về sự chuẩn bị ở hậu phương, các công tác hậu cần…, tất cả được tổng hợp, biên tập lại để tạo nên bộ phim tài liệu “Điện Biên Phủ” (hay còn gọi là “Chiến thắng Điện Biên Phủ”) được sản xuất trong năm 1954.

Đoàn làm phim tài liệu (cùng một số phóng viên ảnh) tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: T.L

Sau khi hoàn thành, “Chiến thắng Điện Biên Phủ” được công chiếu rộng rãi, giành được sự đón nhận mạnh mẽ của khán giả. Bộ phim không những được xem là tác phẩm đánh dấu sự trưởng thành của nền điện ảnh Cách mạng, mà còn là tác phẩm gây tiếng vang đầu tiên đánh dấu sự ra đời của điện ảnh Việt Nam.

Sau này, trong sơ thảo “Lịch sử điện ảnh Cách mạng Việt Nam”, Cục Điện ảnh Việt Nam đã đánh giá: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là tác phẩm tổng kết cả một giai đoạn phát triển đầu tiên của điện ảnh dân tộc Việt Nam trưởng thành trong chiến đấu”.

Nói cụ thể hơn, nếu như trước đây phần lớn phim tài liệu của Việt Nam mang đặc điểm của phim phóng sự, thì từ “Chiến thắng Điện Biên Phủ” đã hình thành một cấu trúc bài bản của một phim tài liệu. Đến năm 1973, tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 2, “Chiến thắng Điện Biên Phủ” đã giành giải Bông sen Vàng cho phim tài liệu, nhân 20 năm thành lập ngành điện ảnh Việt Nam (1953-1973).

Bản hùng ca “Việt Nam”

Tù binh Pháp tại Điện Biên Phủ (Cảnh phim “Việt Nam”)

Trước đây, tôi có dịp gặp NSND Nguyễn Khắc Lợi (nay ông đã 92 tuổi), một nhà làm phim gạo cội của điện ảnh Việt Nam. Ông được biết đến là một đạo diễn phim truyện, nhưng bước khởi đầu lại tham gia làm phim tài liệu. Tại cuộc gặp, NSND Nguyễn Khắc Lợi đã kể cho tôi về việc ông được tham gia đoàn làm phim (với nhiệm vụ phụ quay) của đạo diễn lừng danh Roman Các-men (Liên Xô cũ) khi quay phim về Điện Biên Phủ.

Ngày ấy, năm 1954, đoàn làm phim do Roman Các-men làm đạo diễn đã sang Việt Nam để làm bộ phim “Việt Nam” (sau này còn được gọi là phim “Việt Nam trên đường thắng lợi”). Đây là bộ phim màu, cỡ 35mm, mô tả về cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp, trong đó có điểm nhấn đặc biệt về chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi đoàn làm phim lên Điện Biên thì chiến dịch vừa kết thúc.

Qua sự chỉ đạo của đạo diễn R. Các-men, đoàn làm phim đã dựng lại những sự kiện vừa diễn ra, với những con người thực để tái hiện cuộc chiến tại Điện Biên Phủ. Bên cạnh đó, đoàn làm phim cũng quay những hình ảnh như máy bay địch bị bắn rơi, xe tăng địch bị phá hủy để diễn tả cuộc chiến một cách sinh động, chân thực nhất.

Cùng với việc quay phim tại Điện Biên Phủ, đoàn làm phim “Việt Nam” còn quay những hình ảnh tại chiến khu Việt Bắc, để cho thấy nhiều góc độ của cuộc chiến chống thực dân Pháp. Đó là hình ảnh kỹ sư Trần Đại Nghĩa chế tạo các loại vũ khí như DKZ (đại bác không giật) và SKZ (súng không giật), Giáo sư Hồ Đắc Di giảng bài giữa rừng già, Giáo sư Tôn Thất Tùng tiến hành ca mổ phức tạp, Giáo sư Đặng Văn Ngữ chế tạo thuốc kháng sinh Penicillin, họa sĩ Trần Văn Cẩn vẽ những bức tranh cổ động lớn... tại chiến khu Việt Bắc. Đây cũng là những thước phim quý giá, tạo điểm nhấn trong phim “Việt Nam”.

Tại Điện Biên Phủ, đoàn làm phim của đạo diễn R. Các-men cũng gặp những quay phim của ta có mặt từ trước như Nguyễn Tiến Lợi, Nguyễn Hồng Nghi, Nguyễn Ngọc Quỳnh... Khi đó, một số nhà quay phim này đã được cử tham gia đoàn làm phim “Việt Nam”.

Sau này, khi tiến hành dựng phim, đạo diễn Các-men đã sử dụng một số cảnh tư liệu của các nhà làm phim của ta quay từ thực tế cuộc chiến tại Điện Biên Phủ để đưa vào phim “Việt Nam”.

Năm 1955, bộ phim “Việt Nam” hoàn thành. Có thể nói, bộ phim như một bản hùng ca của Việt Nam khi mô tả hào hùng cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta, mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Đến nay, bộ phim vẫn còn nguyên giá trị về cả nội dung lẫn hình thức, với những hình ảnh vô cùng quí báu của Việt Nam một thời, cho thấy tầm vóc anh hùng của nhân dân Việt Nam, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trước đây, tôi có dịp gặp cố đại tá, Anh hùng Hoàng Đăng Vinh, người từng trong tổ bắt sống tướng Đờ- Cát tại chiến dịch Điện Biên Phủ. Anh hùng Hoàng Đăng Vinh cho biết, sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, cũng trong tháng 5/1954, ông được triệu tập để quay phim “Việt Nam”. Tại đây, ông có dịp gặp lại tướng Đờ-Cát, cũng được đưa về đây để quay phim. Sau khi quay xong, một người quay phim của đoàn làm phim đã tặng người chiến sĩ trẻ Hoàng Đăng Vinh một chiếc huy hiệu Đoàn của Liên Xô (cũ).