Nhờ báo chí tôi đã không gục ngã

TP - Mỗi lần phản ánh số phận hoạn nạn mà kết quả thoát ra được, có người nói “báo chí giải oan” thì tôi phải tìm cách tránh đi. Giải oan nhờ rất nhiều công sức, chủ yếu từ các cơ quan có quyền lực nhưng trước hết và trên hết là nghị lực phi thường của người bị nạn và gia đình họ. Nhà báo dù rất cố gắng cũng chỉ góp phần nhỏ bé tiếp sức, như hai câu chuyện chưa đến hồi kết sau đây.
Bà Nguyệt với nhà cửa nghèo trên đất khiếu kiện hơn 30 năm.

Gia đình bà Nguyễn Thị Nguyệt ở thị trấn Mỏ Cày (Mỏ Cày Nam, Bến Tre) nghèo, bệnh tật, lại còn phải kiện chính quyền ra tòa đòi quyền sử dụng đất đang ở, hơn ba chục năm rồi. Khởi kiện là cha của bà, nhưng nửa chừng, ông bị bệnh ung thư gan, qua đời nên phó thác cho bà. Mẹ của bà lại bị ung thư máu, em trai ung thư tủy.

Bệnh tật khủng khiếp đè nặng lên gia đình bà mà việc đòi quyền sử dụng đám đất còn nặng nề không kém. Khó kể nỗi đoạn trường từ lúc khiếu nại hơn ba chục năm trước, chỉ xin lược lại hai phen kiện tụng.

Khởi kiện năm 2007, đòi UBND tỉnh hủy các quyết định lấy đất của gia đình bà. Ngày 28/2/2008, Chánh án TAND tỉnh Bến Tre làm công văn “báo cáo và xin ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy về đường lối giải quyết vụ án”. Kiện tỉnh ra tòa mà tòa lại xin tỉnh “đường lối giải quyết” nên gia đình bà Nguyệt ôm nhau khóc. Bà chạy tìm tôi và báo Tiền Phong lên tiếng. Ngày 12/3/2008, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre ra quyết định thu hồi các quyết định bị kiện, vụ kiện được đình chỉ.

Sau đó, UBND tỉnh Bến Tre lại ra các quyết định có nội dung y hệt các quyết định vừa thu hồi. Gia đình bà Nguyệt phải kiện nữa. Lần này, qua nhiều phiên tòa kéo dài hai năm, nhiều án sơ thẩm bị phúc thẩm hủy, đến ngày 18/10/2012, UBND tỉnh Bến Tre lại thu hồi các quyết định bị kiện và Tòa phúc thẩm TANDTC tại TPHCM đình chỉ giải quyết vụ kiện.

Nhưng đến nay, gia đình bà Nguyệt vẫn chưa được cấp sổ đỏ đám đất đang ở. Mới đây, ngày 20/4/2015, HĐND tỉnh Bến Tre giám sát vụ việc, ra thông báo đề nghị gia đình bà “làm đơn khởi kiện tại TAND huyện Mỏ Cày Nam để được xem xét giải quyết”. Gia đình bà Nguyệt lại ôm nhau khóc!

Hơn chục năm báo chí dõi theo và bà Nguyệt tâm sự: “Nhờ báo chí tiếp sức mà tôi không gục ngã”. Sự tiếp sức cũng chỉ như hạt muối trong biển cả nghị lực phi thường của bà và gia đình, vừa kiếm sống, chống chọi bệnh tật vừa đeo đẳng khiếu kiện. Khiếu kiện từ lúc tóc bà còn xanh nay đã hoa râm tuổi 53 và bà cho biết, cứ vài ngày lại lên huyện một lần đòi sổ đỏ đám đất. Chưa biết bao giờ tới đích, bà nói: “Nếu tôi chết mà chưa xong lại giao cho con, mong báo chí đừng bỏ rơi”.

Ông Ngọc bên đám ruộng đang trồng trọt nhưng bị cho rằng đã phân lô bán nền, làm một lý do kỷ luật ông. Ảnh: Sáu Nghệ.

Còn ông Lê Văn Ngọc ở trường chính trị tỉnh An Giang, trong hành trình đòi công lý dù đã nhiều lần reo vui với Tiền Phong nhưng đến nay tương lai vẫn mù mờ. Ông tố cáo lãnh đạo nhà trường tham lam tiền tỷ, nhiều vị đã bị kỷ luật nhưng ông cũng bị khai trừ Đảng vào tháng 7/2012.

Khó kể hết nỗi bầm dập của sự “đấu tranh-tránh đâu”, vì bị đẩy vào một mớ bòng bong thật giả lẫn lộn được cố tình dựng lên. Trường lại thông báo sẽ cho ông nghỉ việc, lý do chính là ông không còn đảng viên, không thể tiếp tục ở trường đảng. Có lúc ông đã tính đến cái chết, tôi tìm mọi cách thông tin để tiếp sức và ông gượng lại được, vượt qua từng trở ngại với từng tiếng reo nhỏ.  

Đến tiếng reo sảng khoái sáng 21/4/2015, ông được Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy An Giang trao quyết định phục hồi Đảng. Song niềm vui không dài. Ngày 25/5/2015, Hiệu trưởng Trường chính trị ký quyết định chính thức buộc ông “thôi việc kể từ ngày 1/6/2015”. Ông lại hành trình khiếu kiện mới.