Nhiều hiện tượng thiên tai dị thường ở Việt Nam

TPO - Từ đầu năm 2020 đến nay, thiên tai diễn biến cực đoan, bất thường. Dự báo từ nay đến cuối năm, thiên tai tiếp tục dị thường và khốc liệt như khô hạn lịch sử ở miền trung hay lũ lụt bất thường, mùa đông đến sớm.

Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước đã xảy ra nhiều hiện tượng thiên tai bất thường trong đó có 7 đợt dông lốc, mưa đá diện rộng. Đáng lưu ý đợt dông lốc, mưa đá lớn diễn ra đúng vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý gây thiệt hại nặng ở nhiều địa phương phía Bắc, là sự kiện chưa từng ghi nhận trong lịch sử ngành khí tượng.

Nhiều kỷ lục khác như nhiệt độ Hà Nội xuống 16,5 độ vào ngày 24/4, thấp nhất trong 50 năm trở lại đây. Tình hình sạt lở bờ sông, bở biển, sụt lún diễn biến phức tạp tại ĐBSCL gây thiệt hại về người và của. Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL cũng đã tạo ra một lịch sử mới, khốc liệt hơn cả đợt hạn mặn lịch sử năm 2015 – 2016.

Mưa đá xảy ra vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý là sự kiện chưa từng ghi nhận trong lịch sử ngành khí tượng thủy văn Việt Nam.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, ở quy mô toàn cầu, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, năm 2020 được nhận định sẽ là một trong những năm nóng hơn trung bình, kéo dài số năm nóng nhất liên tiếp thêm ít nhất một năm nữa.

“Nhiệt độ tăng cao sẽ kéo theo tính bất ổn định cao của khí quyển trên quy mô toàn cầu, khu vực. Đây là dấu hiệu cho thấy khả năng thiên tai khí tượng thủy văn năm 2020 sẽ khốc liệt, phức tạp, khó lường”, ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn nói.

Ở Việt Nam, nhận định chung cho thấy, năm 2020 sẽ diễn biến theo hướng khô hạn, thiếu nước vào nửa đầu năm trên phạm vi cả nước trong khi đó nửa cuối năm tập trung  mưa nhiều, bão, lũ, nhất là khu vực Trung Bộ.

Dự báo có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Như vậy, số lượng bão năm 2020 dự báo ở mức  xấp xỉ trung bình nhiều năm, tập trung ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng nửa cuối năm 2020. Mùa bão đến muộn nhưng khả năng xuất hiện nhiều bão mạnh hơn năm 2019.

Lũ tại thành phố Móng Cái, Quảng Ninh sau cơn bão số 3 năm 2019. Ảnh: Hoàng Dương.
Lũ quét xảy ra tại Bản Hồ, Sa Pa ngày 24/6/2019.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn cũng nhận định, dự báo nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0.5 đến 1.5 độ ở khu vực phía Bắc. Từ 0.1 đến 1.0 độ  ở phần lãnh thổ phía Nam. Tuy nhiên số ngày nắng nóng, nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt dự báo không nhiều như năm 2019. Hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá thường xuất hiện vào thời kỳ giao mùa trên phạm vi toàn quốc. Mùa mưa ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng sẽ đến muộn vào khoảng cuối tháng 5.

Dự báo khô hạn, xâm nhập mặn tại các tỉnh Trung Bộ sẽ lặp lại kỷ lục của năm 2019- năm khô hạn và xâm nhập mặn gay gắt nhất lịch sử khu vực này. Lượng dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ, Tây Nguyên  phổ biến ở mức thiếu hụt từ 20-60% so với trung bình nhiều năm, một số sông thiếu hụt trên 70%, trên một số sông có khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc.

Khoảng từ tháng 6 đến tháng 8, tình trạng khô hạn thiếu nước, xâm nhập mặn có khả năng lan rộng tại các tỉnh ven biển Trung Bộ ở mức tương đương mùa khô năm 2019, đặc biệt tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận

Mùa đông 2020/2021 có khả năng bắt đầu sớm, các đợt KKL sẽ hoạt động mạnh dần từ tháng 10/2020 và gia tăng tần suất hoạt động trong những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021.

Tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ, Việt Nam là một trong 5 quốc gia của thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thiên tai và biến đổi khí hậu.

Tuy vậy, Thủ tướng cho biết, năm 2020 là năm được mùa của Việt Nam, trong điều kiện thời tiết khí hậu biến đổi gay gắt, do công tác dự báo sớm, Việt Nam đã chuyển đổi mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Năm nay, Việt Nam khả năng sẽ đứng đầu thế giới về xuất khẩu lương thực.

Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, cơ quan dự báo khí tượng của Việt Nam tiếp tục chú trọng công tác truyền thông, thông tin sớm cho người dân và các cấp chính quyền.

Thủ tướng cũng yêu cầu, các bộ ngành, địa phương nghiên cứu, theo dõi chặt chẽ dự báo, diễn biến sát tình hình, không để chủ quan ở bất cứ cấp nào, đảm bảo an toàn cho nhân dân là hàng đầu. Cần khẩn trương hoàn thành, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả, kịp thời. Đặc biệt ứng dụng khoa học công nghệ để đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ phòng chống thiên tai của các địa phương. “Không để tình trạng lúng túng trong phòng chống thiên tai”, Thủ tướng nhấn mạnh.