Nhiếp ảnh gia Nick Út trao đổi nghiệp vụ với phóng viên Tiền Phong

TPO – Chiều nay (9-4), tại hội trường tầng 9 tòa soạn báo Tiền Phong (Hà Nội), nhiếp ảnh gia Nick Út (của hãng AP) gặp gỡ, chia sẻ những kinh nghiệm nhiếp ảnh với phóng viên báo Tiền Phong.

> Nick Út - Từ "địa ngục" tới Hollywood

Nhiếp ảnh gia Nick Út (thứ 5 từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm cùng Phó TBT và các phóng viên trẻ báo Tiền Phong. Ảnh: Công Khanh.

Nhà báo Tô Quang Nam – Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong cho biết: “báo Tiền Phong rất vinh hạnh khi được nhiếp ảnh gia Nick Út bớt chút thời gian quý báu để đến trao đổi những kinh nghiệm và niềm đam mê nhiếp ảnh cho các phóng viên trẻ".

Nhiếp ảnh gia Nick Út cho biết ông rất vui khi đến thăm tòa soạn và chia sẻ kinh nghiệm với phóng viên báo Tiền Phong.

Ông nói, hồi còn nhỏ, anh ruột của ông - Huỳnh Thanh Mỹ - cũng là phóng viên chiến trường làm việc cho AP. Ông Mỹ đã chết trong chiến tranh ở Việt Nam.

Sau khi anh trai mất ngày 13-10-1965, Nick Út được AP đào tạo làm phóng viên ảnh. Sau ba tháng học nghề từ các phóng viên AP chụp ảnh chiến tranh nổi tiếng, Nick Út bắt đầu có những bức ảnh đầu tay.

Mỗi ngày, Nick Út rửa khoảng 500 cuộn film về chiến tranh Việt Nam do các phóng viên nổi tiếng chụp để bán cho AP. Năm 16 tuổi, ông bắt đầu làm phóng viên chiến trường cho AP.

Nhiếp ảnh gia Nick Út (bên phải) chia sẻ kinh nghiệm cho các phóng viên trẻ.

Chia sẻ về bức ảnh Em bé Napalm, Nick Út cho biết, sau khi tráng tám cuộn phim, thấy bức ảnh trên hiện ra, các phóng viên AP nghĩ rằng, báo Mỹ rất khó sử dụng vì sợ ảnh khỏa thân quá. Tuy nhiên, sau đó, người biên tập quyết định gửi gấp qua Tokyo về Mỹ.

Bức ảnh được đăng trên trang bìa tất cả các tờ báo tại Mỹ. Sau khi bức ảnh xuất hiện, hàng loạt cuộc biểu tình xảy ra, tạo hiệu ứng phản chiến trên toàn thế giới.

Nói về sự trùng hợp giữa hai bức ảnh chụp cô Kim Phúc (12h ngày 8-6-1972) và bức ảnh chụp ngôi sao Paris Hilton bị còng tay dẫn vào tù vì tội uống rượu khi lái xe cũng gần 12h ngày 8-6-2007, Nick Út vô cùng tự hào.

“Khi đó, khoảng 300 phóng viên ảnh bao vây nhà riêng của Paris Hilton, kể cả dùng máy bay trực thăng để chụp hình khi cảnh sát đến áp giải ngôi sao này vào tù. Ngôi nhà được bọc bằng vải đen kín mít. Paris Hilton được hộ tống với rất nhiều ô dù nên không thể chụp được mặt cô ta. Rất may, khi cô nàng ngồi trong xe và nhìn thấy cha mẹ mình đang đứng gần đó, cô bật khóc. Tôi chỉ có vài giây để ghi lại hai bức hình”.

“Tôi cùng chụp về hai con người cách nhau 35 năm, nhưng lại chụp cùng một giờ, một ngày và một tháng. Khi các hãng tin biết được chuyện, đã có 81 cuộc phỏng vấn dành cho tôi vì sự trùng khớp lạ thường này. Bây giờ, khi tìm tên Nick Út trên mạng, cũng dễ dàng tìm thấy tên Kim Phúc, Paris Hilton và ngược lại. Ba con người không họ hàng nhưng lại gắn bó tên tuổi với nhau, thật kỳ lạ” – Nick Út bồi hồi xúc động.

Nhà báo nổi tiếng của AP chia sẻ, thời chiến tranh, các phóng viên tác nghiệp rất nguy hiểm, phải lao vào bom đạn để có những bức ảnh chân thật, đắt giá. Sau khi chụp xong, họ phải về truyền ảnh đi gấp. Việc chênh lệch giờ giữa Việt Nam và Mỹ cũng là trở ngại lớn đối với phóng viên.

Đặc biệt, sau khi công bố bức ảnh chụp Kim Phúc bị bom Napalm đốt cháy, Nick Út phải lẩn trốn vì sự truy tìm ráo riết của an ninh chế độ Sài Gòn.

Tuy nhiên, bức hình này đã góp phần rất lớn cho thế giới thấy được sự thật cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Đồng thời, bức hình này cũng làm thay đổi chế độ kiểm duyệt báo chí trong quân đội Mỹ.

Chia sẻ về những kinh nghiệm xương máu trong nghề phóng viên chiến trường, Nick Út cho biết, điều quan trọng và trước hết là phải yêu nghề, và sự cẩn thận trong từng bức ảnh.

Với ảnh báo chí, ông tuyệt đối không bao giờ dùng photoshop. Trường hợp một phóng viên báo Los Angeles Time tác nghiệp ở Iraq là bài học đắt giá.

Phóng viên này chụp một người lính đang cầm súng. Do sau lưng anh ta dây điện chằng chịt, phóng viên dùng photoshop xóa dây điện đi cũng như xử lý nhiều kỹ thuật trên bức ảnh. Bức ảnh được tòa báo sử dụng, nhưng sau đó, có độc giả phát hiện phóng viên đã sửa ảnh. Công sức làm việc của anh này trong bao năm bị tòa soạn phủ nhận.

Trường hợp khác của phóng viên Reuters chụp bức ảnh máy bay Israel nhào xuống bỏ bom ở Libăng. Thấy khói trên bức ảnh chưa đủ đen, anh ta dùng photoshop làm khói đen thêm. Sau đó, anh ta bị tòa soạn phát hiện và sa thải.

Nhận xét về thế hệ phóng viên ảnh ở Việt Nam hiện nay, Nick Út cho rằng, họ thiệt thòi hơn so với phóng viên các hãng thông tấn trên thế giới, bởi đa phần phải tự trang bị máy móc.

Theo ông, “làm báo không người nào giàu hết, họ làm chủ yếu vì yêu nghề nghiệp. Nếu được làm ở các hãng thông tấn lớn thì hình ảnh của mình sẽ có ảnh hưởng trên thế giới nhiều hơn. Mỗi lần ảnh được lên báo chí thì cả thế giới đều biết đến. Tôi muốn sống ở Hollywood vì ở đó luôn có những tin tức quan trọng…"

Nick Út, tên thật Huỳnh Công Út, (sinh ngày 29 tháng 3 năm 1951) là phóng viên ảnh cho hãng tin Associated Press (AP).

Ông là người chụp bức ảnh em bé Phan Thị Kim Phúc (thường được biết như "Vietnam Napalm Girl" - cô gái Việt Nam bị napalm) và những đứa trẻ khác bị bỏng do bom napalm của Mỹ tại Trảng Bàng - Tây Ninh. Bức ảnh mang lại cho ông giải Pulitzer và trở nên nổi tiếng.

Bức ảnh được xếp thứ 41 trong 100 bức ảnh có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 do Đại học Columbia bình chọn.

Ông hiện làm việc tại trụ sở của AP ở Los Angeles, California. Nick Út đã nhập quốc tịch Mỹ.

 
Theo Viết