Trạm radar được đặt tại đảo Yonagumi, tỉnh Okinawa. Đây là hòn đảo nhỏ với khoảng 1.500 dân nằm ở cực tây của Nhật Bản và chỉ cách Đài Loan hơn 100km về phía đông và cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Trung Quốc gần 150km. Trạm radar giám sát lâu dài này sẽ được 160 lính thuộc Lực lượng Phòng vệ Mặt đất (GSDF) của Nhật Bản canh gác.
“Thiết lập một cơ sở quân sự ổn định ở khu vực quần đảo Nansei khẳng định cam kết phòng thủ của chúng ta”, trung tướng Kiyoshi Ogawa thuộc GSDF nói trong buổi lễ trên đảo Yonaguni để trao cờ cho ông Daigo Shiomitsu - chỉ huy đơn vị mới. “Chúng tôi có nhiệm vụ phải phản ứng nhanh chóng trước nhiều tình huống. Chúng tôi hy vọng sẽ có thể xử lý một cách thích hợp”, báo Nhật Bản Japan Times dẫn lời ông Shiomitsu nói sau sự kiện.
Trạm radar trên đảo Yonaguni, thuộc quần đảo Sakishima và chuỗi đảo Nansei, sẽ thúc đẩy đáng kể mạng lưới giám sát mặt đất của Nhật Bản và nâng cao năng lực thu thập thông tin tình báo xuống đến tận khu vực mũi phía bắc của biển Đông.
“Một trong những nguồn chính cho khai thác chiến lược sẽ là giám sát các hoạt động của Trung Quốc trên biển Hoa Đông, bao gồm quần đảo Senkaku, eo biển Miyako, và có thể xa đến tận eo biển Bashi (nằm giữa Đài Loan và Philippines) và phần phía bắc của biển Đông”, ông Euan Graham, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Viện Lowy (Úc), cho biết. “Nó có thể đóng vai trò trong việc chặn các trao đổi liên lạc tần số cao trong bán kính rộng hơn nhiều, bao gồm Trung Quốc đại lục, biển Đông, Nga và Triều Tiên”, ông Graham phân tích. Trạm radar cũng sẽ hỗ trợ việc giám sát các vụ phóng tên lửa tầm xa của Triều Tiên, chuyên gia Graham cho biết. Trạm radar này có thể bao phủ 1.400km tính từ đất liền Nhật Bản.
Theo các chuyên gia quân sự, việc củng cố mặt trận phía tây Nhật Bản nằm trong chiến lược được vạch ra từ lâu nhằm tăng cường phòng thủ quốc gia trên chuỗi đảo Nansei và các khu vực xung quanh.
“Trạm radar ở Yonaguni nhằm nâng cao nhận thức hàng hải và hàng không của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (JSDF) quanh quần đảo Senkaku và Đài Loan”, ông Tetsuo Kotani, nghiên cứu sinh cao cấp tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế tại Tokyo, nhận định. Ông Kotani nói rằng, bước đi này được triển khai khi Tokyo tăng cường hiện diện trên Okinawa, Kagoshima và các quần đảo chủ chốt phía tây nam.
Tiền đồn ở Yonaguni cũng giúp Tokyo quản lý tốt hơn những vụ việc xảy ra ở khu vực này và các quần đảo gần đó. Hệ thống radar mới giúp Tokyo sớm nhận biết các bước đi của Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng hung hăng hơn trên các vùng biển tranh chấp.
“Thiết lập hiện diện của JSDF trên quần đảo Sakishima nhìn chung là nhằm ngăn chặn sự hung hăng của Trung Quốc, bảo đảm cảnh báo sớm được bao phủ càng xa càng tốt”, ông Graham nói. Không chỉ là hệ thống giám sát, cơ sở này cũng sẽ trở thành căn cứ cho các chiến dịch quân sự ở khu vực, GS Nozomu Yoshitomi ở ĐH Nohon và là cựu sĩ quan của JSDF, nhận định.
Reuters dẫn lời các nhà làm luật Mỹ cho rằng, bước đi này của Nhật Bản nằm trong chiến lược nhằm kiểm soát Trung Quốc ở phía tây Thái Bình Dương khi Trung Quốc giành được quyền kiểm soát trên biển Đông.
Dựng vành đai phòng thủ
Trong 5 năm tới, Nhật Bản sẽ tăng thêm 1/5 quân số cho JSDF ở biển Hoa Đông lên gần 10.000 người, trong đó có các đơn vị tên lửa để giúp nước này dựng lên vành đai phòng thủ dọc chuỗi đảo. Các tàu Trung Quốc đi từ bờ biển phía đông phải đi qua rào chắn này để ra tây Thái Bình Dương. Đây là tuyến đường mà Trung Quốc cần để vận chuyển hàng hóa cho phần còn lại của thế giới và cũng để nước này đảm bảo sức mạnh hàng hải.
Reuters hôm qua dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc rằng, cộng đồng quốc tế cần “cảnh giác cao độ trước sự bành trướng quân sự của Nhật Bản”. “Những hoạt động của tàu và máy bay Trung Quốc trên vùng biển và vùng trời Điếu Ngư là hoàn toàn phù hợp và hợp pháp”, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố.