Nhanh để làm gì?

TP - Dẫu Chính phủ đã róng riết yêu cầu thực hiện trong suốt nhiều năm qua, nhưng với đủ loại lý do, chính đáng có, vin cớ này khác cũng không ít, việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn được thực hiện một cách chậm rãi.

Cũng gần như thành thông lệ, cứ đến cuối năm là các tập đoàn, tổng công ty lại gửi những tập báo cáo dày cộp lên các cơ quan chủ quản báo cáo thành tích. Không ít trường hợp doanh nghiệp cũng tiện thể, “khoe” thành tích thoái vốn ngoài ngành ở chỗ này, chỗ khác. 

Nhưng thực tế khá buồn, việc thoái vốn mới chủ yếu ở các doanh nghiệp nhỏ hoặc chỉ là rút một phần vốn nhỏ. Còn cục tiền to nhất, quan trọng nhất vẫn chưa được động đến.

Nhìn vào trường hợp điển hình, dẫn đầu về đầu tư ngoài ngành trong số các doanh nghiệp nhà nước là của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Số liệu cho thấy, đến hết năm 2013, EVN còn hơn 2.000 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngành nằm trong ngân hàng, công ty chứng khoán, tài chính… chưa được thu hồi.

Số tiền 278 tỷ đồng EVN thu được từ thoái vốn lần một khỏi Ngân hàng An Bình và CTCP Bảo hiểm Toàn Cầu trong năm 2013 hầu như không nói lên được nhiều điều. Vì sau khi thoái vốn EVN vẫn là cổ đông lớn thứ hai tại ngân hàng này. Tình trạng chậm rãi thoái vốn cũng xảy ra ở nhiều tập đoàn, tổng công ty khác với lý do tương tự.

Còn trên tổng thể, số tiền tương đương 4.164 tỷ đồng mà các DNNN rút ra khỏi các công ty ngoài ngành trong cả hai năm qua chưa đạt 20% số tiền mà họ đã mang đi đầu tư trước đó.

Cũng không có gì quá khó hiểu về việc thoái vốn vì sao lại chậm và khó thế. Nhiều lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty đã tuyên bố, nhiều doanh nghiệp đã và đang thu được những khoản lãi lớn nhờ đầu tư ngoài ngành trong lĩnh vực tài chính. Trong kinh doanh, với những khoản đầu tư lỗ thì mới phải lo biến tấu, xóa, rút sớm. Còn khi đang có lãi tằng tằng thì sao phải vội rút sớm.

Việc Bộ Tài chính đang xây dựng phương án cho phép doanh nghiệp thoái vốn dưới mệnh giá được coi là cửa thoát hẹp cho nhiều đơn vị đang mắc kẹt với hàng chục nghìn tỷ đồng. 

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, dù được xây dựng nhằm giúp các doanh nghiệp thoái vốn một cách dễ dàng hơn, các chính sách khi ban hành không nên tạo tiền lệ hay “hành lang” để các lãnh đạo của doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ rũ bỏ hay tránh được trách nhiệm trong việc để xảy ra thua lỗ lớn với số tiền Nhà nước mà họ đã mang đi đầu tư theo phong trào trong những năm trước đây.