Nhận diện tội ác xâm hại tình dục trẻ em

TPO - Tại buổi tọa đàm “Chống xâm hại tình dục trẻ em" do báo Tiền Phong phối hợp với trường Đại học Văn Hiến đã tổ chức sáng nay, các chuyên gia đã đưa ra rất nhiều ý kiến bổ ích để nhận diện tội ác xâm hại tình dục trẻ em, dạy cho trẻ biết cách phòng vệ trước nguy cơ bị xâm hại v.v..
Các khách mời tham dự bàn tròn tọa đàm.

TƯỜNG THUẬT TRỰC TIẾP

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

16/03/2017 08:44

Buổi tọa đàm “Chống xâm hại tình dục trẻ em” là một trong những kênh thông tin để các chuyên gia tâm lý, luật sư, những nhà xã hội học... lên tiếng. Với thông điệp thiết thực là dạy cho trẻ biết cách phòng vệ trước nguy cơ bị xâm hại; Khi trẻ đã bị xâm hại thì phải dạy cho trẻ biết cách tố cáo hành vi này để người lớn chúng ta phối hợp với cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo vệ trẻ em đưa được thủ phạm ra trước pháp luật xử lý cùng với đó phải bảo vệ được chính đứa trẻ của mình.

16/03/2017 08:45

LS Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM; PGS - TS Trần Thị Kim Xuyến - Phó khoa Khoa KHXH & NV, trường Đại học Văn Hiến; TS Tâm lý Phạm Thị Thúy; Đoàn Thị Thanh Thủy, Trưởng ban gia đình - Xã hội Hội LHPN TPHCM, BS Hoàng Vũ Quỳnh Trang, khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng… có tham luận tại tọa đàm.

16/03/2017 08:46

Toàn cảnh buổi toạ đàm.

16/03/2017 08:58

Mở đầu buổi Toạ đàm “Chống xâm hại tình dục trẻ em”, nhà báo Lý Thành Tâm- Trưởng cơ quan đại diện báo Tiền Phong tại TPHCM cho biết, hiện tại dư luận đang rất xôn xao trước thực trạng xâm hại tình dục ở trẻ em.

Số liệu chính thức từ Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em ( Bộ LĐTB-XH) cung cấp cho hay, trung bình hằng năm có hơn 2.000 vụ xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em. Trong đó, trẻ bị xâm hại tình dục chiếm gần 70%. Cụ thể hơn, cứ mỗi giờ trôi qua lại 1 trẻ em Việt Nam bị xâm hại.

Ông Đặng Hoa Nam– Cục trưởng cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho rằng con số thống kê chỉ thể hiện phần nổi của tảng băng chìm, đây chỉ là những trường hợp bị phát hiện xử lý vì trong xã hội hiện nay trẻ em có thể bị xâm hại ở bất kỳ đâu, bất kỳ ai, bất kỳ lúc nào. Và trong thời gian gần đây, xã hội đang nóng lên vụ việc trẻ bị xâm hại tình dục ở Hà Nội, TPHCM và ở Vũng Tàu. Đặc biệt, vụ trẻ bị xâm hại ở Vũng Tàu nghiêm trọng đến mức chính Chủ tịch nước Trần Đại Quang chỉ đạo các cơ quan chức năng phải điều tra làm rõ.

Tại Hà Nội, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình cũng đã phải chỉ đạo làm rõ vụ bé 8 tuổi ở Hoàng Mai bị xâm hại. Trên mang xã hội, nhiều người nổi tiếng, là nạn nhân của tình trạng xâm hại tình dục đã đồng loạt lên tiếng ví như doanh nhân Lê Hồng Anh, MC Phan Anh... Đối với họ, là nạn nhân, dù đã trải qua thời gian nhưng nỗi đau, sự ám ảnh, tổn thương, đặc biệt là tổn thương về tâm lý vẫn còn đeo đẳng.

“Đã đến lúc, xã hội chúng ta không thể im lặng trước thực trạng đau lòng này. Trong mấy ngày qua, báo chí nói chung và Báo Tiền Phong nói riêng đã có nhiều thông tin, phản ảnh, lên án, đưa ra những biện pháp để phát hiện, ngăn chặn và đề nghị xử lý nghiêm tình trạng xâm hại tình dục trẻ em”- nhà báo Lý Thành Tâm nói và theo ông, hôm nay, được sự đồng hành của ĐH Văn Hiến- một đối tác lớn của báo Tiền Phong- người đã đồng hành với chúng tôi trong các hoạt động xã hội có ý nghĩa, báo Tiền Phong tổ chức buổi tọa đàm: “Chống xâm hại tình dục trẻ em”.

"Thông điệp giản dị mà chúng tôi muốn đề cập là: Dạy cho trẻ biết cách phòng vệ trước nguy cơ bị xâm hại. Khi trẻ đã bị xâm hại thì phải dạy cho trẻ biết cách tố cáo hành vi này để người lớn chúng ta phối hợp với cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo vệ trẻ em đưa được thủ phạm ra trước pháp luật xử lý cùng với đó phải bảo vệ được chính đứa trẻ của mình.

Thay mặt BTC, tôi xin cảm ơn quý vị khách qúi, đại diện các cơ quan bảo vệ trẻ em, các chuyên gia tâm lý, luật sư, nhà sư phạm, bác sỹ và báo chí TW- địa phương, đã đến tham dự buổi tọa đàm. Thay mặt BTC, tôi xin tuyên bố khai mạc buổi tọa đàm. Kính chúc quý vị sức khỏe, chúc hội thảo thành công tốt đẹp. Xin chân thành cảm ơn", nhà báo Lý Thanh Tâm nói.

16/03/2017 08:59

Nhà báo Lý Thành Tâm-Trưởng cơ quan đại diện báo Tiền Phong tại TP.HCM phát biểu tại buổi toạ đàm.

16/03/2017 09:02

"Thông điệp giản dị mà chúng tôi muốn đề cập tại buổi toạ đàm là: Dạy cho trẻ biết cách phòng vệ trước nguy cơ bị xâm hại. Khi trẻ đã bị xâm hại thì phải dạy cho trẻ biết cách tố cáo hành vi này để người lớn chúng ta phối hợp với cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo vệ trẻ em đưa được thủ phạm ra trước pháp luật xử lý cùng với đó phải bảo vệ được chính đứa trẻ của mình", nhà báo Lý Thành Tâm phát biểu tại buổi toạ đàm.

16/03/2017 09:04

Khách mời Tiến sĩ Nguyễn Viết Dũng- Phó vụ trưởng- PGĐ Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM.
Khách mời Thượng tá Phạm Văn Phòng Phó trưởng phòng 6, Cục CSHS C45 Bộ Công an.

16/03/2017 09:10

Theo PGS-TS Nguyễn Minh Đức- Giám đốc Điều hành trường ĐH Văn Hiến, hơn chục năm trước đã có thông tin xâm hại tình dục trẻ em. Cách đây không lâu một siêu sao, nghệ sĩ Việt Nam đã bị bắt và kết án ở Mỹ. Phân tích sâu xa thì nguyên nhân từ tâm lý, xã hội. Việc Chủ tịch nước và các lãnh đạo cấp cao phải chỉ đạo xử lý nhiều vụ việc trẻ em bị xâm hại cho thấy đây là vấn nạn cần được xử lý nghiêm minh. Đây cũng là lý do Đại học Văn Hiến phối hợp với báo Tiền Phong tổ chức buổi tọa đàm hôm nay. Làm thế nào để tạo được sự an toàn cho trẻ em là điều chúng ta cần mổ xẻ để giúp các em được sống an toàn nhất

16/03/2017 09:11

PGS-TS Nguyễn Minh Đức

16/03/2017 09:20

Buổi toạ đàm thu hút giới truyền thông.

16/03/2017 09:32

Trình bày tham luận của mình, PGS- TS Trần Thị Kim Xuyến- Phó khoa Khoa KHXH & NV, Chuyên ngành Xã hội học – Tâm lý học, trường ĐH Văn Hiến, cho biết: "Thực ra tình trạng xâm hại trẻ em đã diễn ra từ rất lâu. Nhiều người cho rằng thời gian gần đây ngày càng nhiều, nhưng tôi không cho là vậy, bởi nguyên nhân là do điều kiện thông tin lan truyền đi nhanh hơn trong khi chúng ta vẫn chưa quan tâm một cách thỏa đáng.

Theo tôi, các số liệu hiện hữu ít hơn hiện thực do các con số này không được thống kê đầy đủ. Nguyên nhân là do quan niệm về sự kỳ thị của người bị hại khiến các em không dám nói lên sự thật".

Theo PGS Kim Xuyến, từ năm 2011 – 2015, cả nước có 5.000 trẻ bị xâm hại, cứ 8 phút là có 1 trẻ Việt Nam bị xâm hại. Độ tuổi bị xâm hại càng ngày càng thấp hơn.

“Trẻ em bi xâm hại ở đâu?”- bà Xuyến đặt câu hỏi và trả lời: “Chúng ta vẫn nghĩ trẻ em cần không gian sống thật an toàn, nên chỉ chú ý đến nơi công cộng mà bỏ qua nơi sống của các em.

Về thủ phạm xâm hại, đôi khi chúng ta thường dặn trẻ không được tiếp xúc với người lạ nhưng theo thống kê, chính những người thân quen lại xâm hại nhiều hơn".

Theo bà Xuyến, sự tổn hại về mặt tinh thần đối với trẻ không phải ngay khi thời điểm bị xâm hại mà dẫn đến tình trạng lệch lạc về tinh thần sau này khiến các em mất đi niềm tin.

16/03/2017 09:33

Player Loading...

16/03/2017 09:36

Buổi toạ đàm thu hút rất đông khách mời.

16/03/2017 09:37

PGS.TS Trần Thị Kim Xuyến tại buổi toạ đàm.

16/03/2017 09:41

Theo PGS- TS Kim Xuyến khi trẻ bị xâm hại, các em thông báo cho người xung quanh rằng bị xâm hại nhưng ít khi được người lớn công nhận. Thực tế 98% các vụ việc từ lời khai của trẻ được xác định là sự thật. Đôi khi cơ quan chức năng hoặc vô tình hoặc cố ý không tin nạn nhân, khiến cho họ bị đơn độc, giữ kín sự việc trong vòng 1 năm, thậm chí 5 năm và nhiều trẻ sẽ giữ im lặng suốt đời.

Các thống kê đưa ra cho thấy, trẻ em sống với cha mẹ sẽ được chú ý nhiều hơn. Nhưng với gia đình có mẹ đi bước nữa, trẻ thường không để ý đến tình trạng này.

"Theo tôi, chúng ta cần phài nói về vấn đề này, các bậc phụ huynh cần phải nói với nhau và nói với con cái về vấn đề xâm hại tình dục. Mọi người và các tổ chức xã hội phải tạo sự an toàn cho các em, hướng dẫn các em cách gọi tên, mô tả kẻ xâm hại để tìm ra được thủ phạm", bà Xuyến nói.

Về khía cạnh xã hội của hiện tượng xâm hại tình dục trẻ em, theo bà Xuyến nguyên nhân ngày càng gia tăng là do việc thực thi pháp luật chưa nghiệm minh và còn quá cứng nhắc. Trong khi dường như các tổ chức xã hội chưa nhìn nhận nghiêm túc về kỹ năng sống, về tình tục, giáo dục giới tính…

“Đối với xâm hại trẻ em, phải nhìn một cách toàn diện, từ góc độ thể chế, coi các điều luật đã phù hợp hay chưa, nếu chưa thì cầm xem xét lại để điều chỉnh. Công ước quyền bảo vệ trẻ em năm 2016, Luật 2016 quy định rất rõ ràng về trẻ em, nhưng việc thực thi chưa đâu vào đâu. Đừng đánh trống bỏ dùi”- bà Xuyến kiến nghị.

16/03/2017 09:43

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia TPHCM tại buổi toạ đàm.

16/03/2017 09:47

Chia sẻ tại buổi toạ đàm, TS Xã hội học Phạm Thị Thuý- Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia cho biết: "Mọi người đều biết việc xâm hại trẻ em để lại hậu quả ghê gớm với nạn nhân, nhưng điều quan trọng là phải làm sao hỗ trợ tâm lý cho các con, làm cho con được ổn định.

Nhiều rất phụ huynh cứ bắt con nhớ lại, kể đi kể lại chuyện bị xâm hại. Điều này làm chon trẻ bị di chấn nhiều hơn. Tôi thấy, phụ huynh đang bất an nhiều quá. Mặt trái nguy hiểm là gieo vào đầu con những lo lắng không đáng có. Điều này làm trẻ nghi ngờ xã hội, không yên tâm với các mối quan hệ xung quanh. Điều này có nên không? Do đó, phụ huynh cần giáo dục cho con trong những trò chơi, trong những cuộc nói chuyện. Hãy dạy trẻ lớn lên như 1 con người có nhân cách, biết tự bảo vệ mình chứ không nên dạy con nhìn đâu cũng thấy tội phạm, nơi nào cũng không an toàn…

Tại sao những ca xâm hại tình dục lại dẫn đến tự tử? Là do bị chính người thân, cơ quan báo chí, công an… hỏi đi hỏi lại quá nhiều. Trong khi kẻ bị tình nghi lại không được đưa ra ánh sáng, không chịu hình phạt thích đáng. Điều này làm rất mất niềm tin và dẫn đến trẻ bị xâm hại tự tử!

16/03/2017 09:56

Bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang- Chuyên ngành Nhi khoa phát triển hành vi, Khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết: "Những câu chuyện chúng tôi gặp cho thấy những hành vi xâm hại tình dục ở trẻ xảy ra ở những nơi rất thân quen; thủ phạm là những người thân của các bé.

Tuy nhiên, nếu lúc nào ta cũng căng thẳng thì rất khó xử lý. Vì vậy, cần phải dạy cho các bé biết yêu thương cơ thể của mình. Có những phụ huynh quá bao bọc các em nên khi ra ngoài không thể tự vệ, khi gặp kẻ có ý đồ, bé không biết làm gì. Hay những phụ huynh vì quá yêu bé mà thể hiện các hành vi quá gần gũi như hôn môi, sờ đùi bé…

Theo bác sĩ Trang cần phải cho bé biết cơ thể của bé là của bé, người khác không được đụng vào những nơi nhạy cảm. Cần phải đối thoại với trẻ hàng ngày, có bữa ăn gia đình hoặc ở xa thì thường xuyên điện thoại nói chuyện để nghe tâm sự của bé. Bên cạch đó, nhà trường, gia đình phải dùng sách, báo để giáo dục giới tính cho con. Các hình ảnh trên sách báo dễ minh họa cho bé hiểu hơn là nhìn thẳng vào cơ thể bé để nói.

Những bé bị chậm phát triển, trẻ tự kỷ là những đối tượng có nguy cơ bị xâm hại tình dục rất cao. Vì vậy, cần phải chú trọng để giáo dục giới tính cho các bé này.

Tôi nghĩ nhà trường nên cho các bé học tập theo nhóm và làm sao để các em biết rằng giáo viên luôn lắng nghe trẻ. Có những tờ rơi, hình ảnh để các em nhận biết về các hành vi xâm hại. Nhà trường, gia đình phải nói về giới tính với trẻ như bình thường, không coi đó là cái xấu. Cần sự phối hợp của nhiều cơ quan ban ngành cùng phối hợp để tránh tình trạng xâm hại tình dục trẻ em. Cần lấy trẻ em làm trung tâm”.

Bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang, Khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 tại buổi toạ đàm

16/03/2017 09:58

Player Loading...

16/03/2017 10:05

Các khách mời tham dự bàn tròn toạ đàm.

16/03/2017 10:09

"Trước câu hỏi của một khách mời là làm sao lưu lại bằng chứng có giá trị pháp lý khi trẻ bị xâm hại?", bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang cho rằng: "Không phải dễ dàng khi gặp được các cháu bị tổn thương. Việc các cháu bị xâm hại nghiêm trọng thì mình mới được gặp. Còn đa số đều gặp sau sự việc rất lâu, bị sang chấn, loạn thần. Những dấu hiệu chỉ điểm như tổn thương ngay vùng âm hộ, trực tràng; bị nhiễm trùng; có dấu hiệu cố ý giao cấu với người khác vì cảm thấy khoái cảm Đây là những dấu hiệu chỉ điểm tin cậy. Còn dấu hiệu hành vi thì ảnh hưởng đến ăn ngủ, không chịu đến trường; gặp ai cũng sợ; tự nhiên thay đổi tính cách như đổ đốn, tự tử… Tùy theo tuổi đời mà có những biểu hiện khác nhau.

Vì vậy, khi bị sang chấn tâm lý đều phải được điều trị. Cơ quan thực thi pháp luật cần phài được công nhận để đào tạo ra một chuyên viên tâm lý làm việc với bệnh nhi. Tất cả phải được đào tạo để làm các em cảm thấy an toàn. Cha mẹ cũng cần được điều trị tâm lý, phải trở thành chỗ dựa tinh thần cho con".

16/03/2017 10:09

Player Loading...

16/03/2017 10:16

Một khách mời hỏi: Đối tượng bị xâm hại thường nhỏ, yếu thế nên lấy lời khai các em rất khó. Làm sao để các em tin tưởng và chịu kể lại với người lớn?

Luật sư Đào Thị Bích Liên nói: "12 năm qua, tôi đã nhận giúp rất nhiều trẻ bị xâm hại. Đối với mẹ cần phải bình tĩnh, vỗ về để con vượt qua nỗi sợ bằng cách từ từ nghe con tâm sự chứ không giận hờn, tìm cho ra kẻ hại trẻ, vì như vậy sẽ “nỗi đau chồng nỗi đau”. Người đó sẽ chối và trẻ sẽ sợ hơn.

Khi thu nhập chứng cứ, sau khi con kể lại thì hãy nhẹ nhàng ghi âm bằng điện thoại ngay từ đầu tiên rất quan trọng. Từ từ lắng nghe con, lời kể ban đầu rất quan trọng, chụp lại hình ảnh trên cơ thể. Lưu lại quần, không tấm cho con trong 24 tiếng. Yêu cầu cơ quan chức năng trưng cầu pháp y, sau đó đưa con đi thăm khám.

Bổ sung thêm thắc mắc của bạn đọc, bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang cho rằng, vai trò của cha mẹ rất trọng. Vì vậy cần phải điều trị tâm lý cho mẹ trước tiên. “Tôi biết chị rất hận người đó. Tôi biết chị rất yêu thương con chị” – Đó là câu đầu tiên nên nói với phụ huynh để làm “bong bóng tức giận” của phụ huynh xẹp xuống rồi mới có những lời khuyên kế tiếp.

Còn luật sư Lê Ngọc Luân kể lại khi mình được tham gia vào vụ án xâm hại trẻ ở Vũng Tàu. “Quan điểm của tôi đúc rúc được là mẹ phải bình tĩnh, nhẹ nhàng trò chuyện với con và phải ghi âm lời khai. Phía công an là phải hết sức nhẹ nhàng, không để kẻ xâm hại biết để xóa hết các dấu hiệu”- luật sư Luân ý kiến.

Luật sư Lê Ngọc Luân tại buổi toạ đàm.

16/03/2017 10:17

Player Loading...

16/03/2017 10:33

Một bạn đọc đặt vấn đề: Đâu là nguyên nhân của nạn xâm hại tình dục đang báo động hiện nay? Vụ việc xâm hại diễn ra ngay ở trường học?

Trả lời vấn đề này, bà Bùi Trân Phượng- nguyên hiệu trưởng ĐH Hoa Sen cho rằng: "Ngay cả trường đại học, việc xâm hại vẫn xảy ra và người bị xâm hại vẫn ở thế yếu tuyệt đối. Nhưng nhà trường thường không quan tâm mà lại bảo vệ giáo viên, người lớn, bảo vệ hình ảnh…

Theo bà Phượng, một trường học tử tế là phải luôn bình đẳng giữa các giáo viên, thầy trò… nhưng hiện có sự không bình đẳng. Có bất bình đẳng giới nên nếu nhà trường không công tâm, người bị hại thường ở thế yếu. Sinh viên đã lớn mà còn như vậy thì với trẻ em còn đau lòng đến mức nào.

Trường học cũng là xã hội, người có thẩm quyền cần đứng ở thế công bằng và không được “quân pháp bất vị thân”. Dù người phạm tội là ai thì cũng cần đưa ra ánh sáng. Tuy nhiên, đã từng thấy những vụ việc tương tự nhưng tôi thấy đó là 1 chặng đường dài.

16/03/2017 10:33

Player Loading...

16/03/2017 10:34

Bà Lê Thị Linh Trang- Trưởng khoa Đại cương- Học viện cán bộ TPHCM chia sẻ: Truyền thông chỉ quan tâm đến trẻ bị xâm hại tình dục khi có một nghệ sĩ tiếng Việt Nam phạm tội ấu dâm ở nước ngoài thì mới được quan tâm, đưa thông tin đến xã hội.

"Tôi đang dạy cho trẻ ở trường tiểu học với Kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục cho trẻ miễn phí. Đã có hàng ngàn đứa trẻ được đào tạo kỹ năng từ khóa học này. Tôi nghĩ, đây chính là phương tiện để dạy trẻ tự bảo vệ mình trước nạn xâm hại".

Bà Trang chia sẻ thêm, mặc dù là chương trình miễn phí nhưng TPHCM có rất nhiều trường tiểu học, vậy mà có mấy trường nhờ chúng tôi đến dạy? Có thể có trường không biết, nhưng cũng có trường họ cố tình không biết. Mục tiêu của tôi không phải là dạy cho đứa trẻ làm gì để tự bảo vệ mình mà tôi nhận ra, lãnh đạo các trường đều không muốn chúng tôi dạy cho trẻ điều này. Vì có người cho rằng chúng tôi đến để “dạy tầm bậy”. “Vùng riêng tư” cần phải dạy cho trẻ những từ ngữ một cách chính xác. Chỉ cho trẻ cách làm sao tự ứng phó với kẻ xấu một cách cụ thể.

16/03/2017 10:34

Player Loading...

16/03/2017 10:36

Bà Lê Thị Linh Trang. 

16/03/2017 10:53

Bàn về vai trò của nhà trường trong việc bảo vệ trẻ không bị xâm hại, thầy Huỳnh Thanh Phú- Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10 chia sẻ: "Về phía nhà trường, chúng ta không nên làm tổn thương các em về thể xác lẫn tinh thần. Quan điểm của tôi là cần tổ chức nhiều hoạt động, nhiều sân chơi bổ ích, trí tuệ cho học sinh. Ở tuổi nào thì cũng có thể bị xâm hại, học sinh luôn luôn cần được bảo vệ; môn Sinh đưa vấn đề giáo dục giới tính. Mời các chuyên gia tâm lý đến chia sẻ, nói chuyện với học sinh. Sắp tới, trường Nguyễn Du sẽ thành lập CLB Giá trị truyền thống Việt để giáo dục kỹ năng sống cho các em.

Thầy Huỳnh Thanh Phú.

16/03/2017 11:09

PGS- TS Trần Thị Kim Xuyến- Phó khoa Khoa KHXH & NV, Chuyên ngành Xã hội học – Tâm lý học, trường ĐH Văn Hiến chia sẻ: Dường như chúng ta chỉ đặt vấn đề liên quan đến tội phạm chứ không đặt vấn đề bảo vệ bị hại trước.

Về tâm lý, bảo vệ các em không phải nhìn mặt kẻ xâm hại. Trong gia đình không có điều kiện để làm điều đó, không ai muốn đem chuyện xấu này kể cho người ngoài. Vì vậy, cần phải có cách gì để can thiệp ngay từ đầu. Các luật sư giúp cho thân chủ nhiều nhưng các bị hại lại chia sẻ những câu chuyện riêng của họ.

Chuyện “con kiến đi kiện củ khoai” nằm trong đầu người dân rất nhiều nên khi gặp sự cố người ta nghĩ làm thế nào mà theo. Không phải ai cũng có đầy đủ kiến thức nên phải có cơ chế phối hợp giữa các bên. Sự bất bình đẳng đang chế ngự và làm hại rất nhiều phụ nữ và em nhỏ.

16/03/2017 11:12

"Luật sư theo đuổi đưa ra ánh sáng vụ xâm hại tình dục ở Vũng Tàu như thế nào?" một khách mời đặt câu hỏi

Luật sư Lê Ngọc Luân- Đoàn Luật sư TPHCM nói ông đã nhẫn nại và quyết tâm theo đuổi để đưa vụ việc xâm hại trẻ em ở Vũng Tàu ra ánh sáng. Theo ông Luân để một sự việc như vậy được phơi bày cần thêm sự chung tay của nhiều người.

"Việt Nam có 15 tổ chức bảo vệ trẻ em, nhưng khi chúng tôi gửi văn bản thì không được nhiều tổ chức hỗ trợ. Chúng tôi phải gửi thư đến Chủ tịch nước và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc. Là người làm luật sư, tôi không vui vì tại sao các tổ chức không vào cuộc ngay từ đầu vụ xâm hại trẻ ở Vũng Tàu mà phải đến khi có chỉ đạo của Chủ tịch nước mới được chung tay”- ông Luân chia sẻ.

Theo luật sư Luân khi trẻ bị xâm hại hoặc có dấu hiệu xâm hại, nếu mình không có chuyên môn thì đừng nên khuyên gì mà phải đưa họ đến luật sư. Tố cáo về mặt tội phạm thì mình có quyền nhưng đừng làm ảnh hưởng đến người bị hại mà khuyên họ tìm đến người có thể tham vấn.


16/03/2017 11:32

PGS- TS Trần Thị Kim Xuyến- Phó khoa KHXH & NV, Chuyên ngành Xã hội học – Tâm lý học, trường ĐH Văn Hiến

16/03/2017 11:47

Luật sư Bích Liên cho rằng, những vụ do người thân xâm hại, đa phần đứa trẻ bị cô đơn. Người mẹ có khi cũng chính là nguyên nhân không cho trẻ nói ra. Đứa trẻ sau thời gian không chịu đựng nổi mới nhờ đến cơ quan chức năng. 

Có trường hợp người mẹ không có lập trường, không dám đấu tranh quyết liệt khiến nhiều sự việc bị “chìm xuồng”.

16/03/2017 11:50

Tại buổi toạ đàm, ông L.H.T. ở quận 9, TPHCM kể có cháu gái sinh năm 2004 bị xâm hại, đã gửi đơn đến quận và quận chuyển hồ sơ lên đội 7, PC45. Nhưng 20 ngày nhưng vẫn không có hồi âm. Đơn vị này trả lời về đợi đi, khi nào hoàn tất hồ sơ, cấp trên ký rồi mới quyết. Ông T. hỏi luật sư và công an, khi người bị hại có đơn, trong bao nhiêu ngày cơ quan pháp lý giải quyết cho người bị hại?

Theo Thượng tá Phạm Văn Phòng, Phó trưởng phòng 6, Cục cảnh sát hình sự, Bộ công an thì Thông tư 06 nêu rõ, thời hạn 30 ngày giải quyết đơn bình thường. Nhưng với vụ phức tạp thì cần thời gian điều tra 2 tháng. Nếu phức tạp hơn thì cần thời gian dài hơn. Vụ việc đã chuyển lên đội trọng án thì chắc chắn vục việc rất phức tạp nên cần thời gian hơn.

Thượng tá Phòng cho biết thêm, nói về vấn đề xâm hại tình dục rất rộng và nan giải. Cơ quan điều tra phải tập trung về vật chất, như tinh dịch, lông, tóc… Nếu thời gian quá dài, chứng cứ vật chất không còn nên tôi kiến nghị cần sửa luật cho phù hợp. Luật sư Luận hứa sẽ giúp gia đình ông T. theo đuổi vụ này.

16/03/2017 11:50

Thượng tá Phạm Văn Phòng, Phó trưởng phòng 6, Cục cảnh sát hình sự, Bộ công an trao đổi với luật sư Luân tại buổi tọa đàm.

16/03/2017 11:51

Buổi toạ đàm kết thúc lúc 11h50.
Các vị khách mời và đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Theo Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em thuộc Bộ LĐTB-XH trung bình hằng năm có hơn 2.000 vụ xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em diễn ra ở nước ta. Trong đó, trẻ bị xâm hại tình dục chiếm gần 70%. Cứ mỗi giờ trôi qua lại 1 trẻ em Việt Nam bị xâm hại. Tuy nhiên, con số thống kê trên chỉ thể hiện phần nổi của tảng băng chìm. Đây chỉ là những trường hợp bị phát hiện xử lý vì trong xã hội hiện nay, trẻ em có thể bị xâm hại ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào.

  

Tại buổi toạ đàm “Chống xâm hại tình dục trẻ em” các chuyên gia sẽ cho trẻ biết cách phòng vệ trước nguy cơ bị xâm hại; Khi trẻ đã bị xâm hại thì phải dạy cho trẻ biết cách tố cáo hành vi này để người lớn chúng ta phối hợp với cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo vệ trẻ em đưa được thủ phạm ra trước pháp luật xử lý cùng với đó phải bảo vệ được chính đứa trẻ của mình. 

Buổi toạ đàm sẽ được các diễn giả là những luật sư, chuyên gia tâm lý, các nhà sư phạm nổi tiếng như: LS Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM; PGS – TS Trần Thị Kim Xuyến – Phó khoa Khoa KHXH & NV, trường Địa học Văn Hiến; TS Tâm lý Phạm Thị Thúy; bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang- Bệnh viện Nhi đồng 1, TS tâm lý Phạm Thị Thuý, giảng viên Học viện hành chính Quốc gia … thể hiện qua các tham luận của mình.