Nhắm mắt làm bừa 'lấp sông Đồng Nai'?

UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục khẳng định việc thực hiện dự án “lấp sông” là đúng quy trình, không gây ảnh hưởng việc thoát lũ...trong khi các chuyên gia cho rằng nó trái luật và sẽ gây tác động xấu đến dòng chảy và lòng dẫn của sông.  

Liên quan đến dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai” do Công ty CP Đầu tư - Kiến trúc - Xây dựng Toàn Thịnh Phát (Công ty Toàn Thịnh Phát) làm chủ đầu tư đang gây nhiều lo ngại trong dư luận, chiều 24/3, UBND tỉnh Đồng Nai ra thông cáo báo chí khẳng định quá trình cấp phép là đúng quy trình và dự án không làm ảnh hưởng đến lưu vực.

Điểm nhấn của TP Biên Hòa?

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, sông Đồng Nai bị thu hẹp ở phía thượng nguồn (đoạn TP Biên Hòa), mở rộng dần về phía hạ nguồn, đoạn thực hiện dự án và chia thành 2 nhánh: Nhánh nhỏ là sông Cái quanh cù lao Hiệp Hòa và nhánh sông chính chảy tiếp về phía hạ nguồn. Đặc điểm đó cho thấy có khả năng xây dựng bờ kè - công trình lấn sông mà không ảnh hưởng nhiều đến dòng chảy, không tạo nút thắt gây ảnh hưởng việc thoát lũ.

Sông Đồng Nai đang bị san lấp để làm dự án mà không được lấy ý kiến của các địa phương bị ảnh hưởng Ảnh: XUÂN HOÀNG

Từ năm 2008, UBND tỉnh Đồng Nai đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký hợp đồng với Viện Khoa học thủy lợi miền Nam để đánh giá tác động dòng chảy của dự án nói trên. Theo đó, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam khảo sát, đánh giá việc chỉnh trị bờ trái sông, đoạn nằm giữa cầu Hóa An và cầu Ghềnh, không gây ảnh hưởng đến những vùng lân cận.

Tháng 7-2014, Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam (Bộ Giao thông Vận tải) có văn bản chấp thuận phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa phục vụ thi công thực hiện dự án. “Như vậy, việc hình thành dự án cải tạo cảnh quan, phát triển đô thị ven sông Đồng Nai xuất phát từ ý tưởng của cơ quan quản lý nhà nước, phù hợp quy hoạch, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, góp phần tạo điểm nhấn cho TP Biên Hòa” - thông cáo viết.

Gây tác động dòng chảy và lòng dẫn

Ông Hoàng Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam, xác nhận có nhận được văn bản xin ý kiến thực hiện dự án của UBND tỉnh Đồng Nai. Dự án với bề rộng tính từ bờ ra phía sông có chỗ 10 m, có chỗ 200 m và không nằm trong luồng di chuyển của tàu bè. “Tuy nhiên, quá trình thi công dự án cũng có thể ảnh hưởng đến giao thông thủy như đổ chất thải, đặt chướng ngại vật… Vì thế, các cơ quan liên quan cần tính toán, đánh giá thật kỹ những tác động có thể gây ra khi thực hiện dự án” - ông Hoàng Văn Hùng nói.

Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết ngày 24-3 đã đến khảo sát vị trí thực hiện dự án. Theo ông Lê Mạnh Hùng, dự án lấp diện tích sông quá lớn, lên đến 7,7 ha, nên sẽ gây tác động dòng chảy và lòng dẫn. Bên cạnh đó, việc thu hẹp dòng chảy cũng gây nhiều ảnh hưởng khi mùa lũ về.

“Nắn dòng, chỉnh trị sông là vấn đề vô cùng phức tạp. Vì vậy, trước khi thực hiện bao giờ cũng phải thí điểm mô hình vật lý trong một thời gian nhất định, từ đó mới có thể rút ra kết luận về chế độ thủy lực, tính toán tác động, tác hại ra sao... Tuy nhiên, chủ đầu tư và đơn vị phê duyệt chưa thực hiện bước này nên các nghiên cứu họ đưa ra chưa đầy đủ về cơ sở khoa học” - ông Lê Mạnh Hùng nhận xét.

Ông Lê Mạnh Hùng cho rằng về cơ sở pháp lý, ngoài Luật Tài nguyên nước, dự án cần tuân thủ Luật Đê điều (có phù hợp với quy hoạch hành lang bảo vệ dòng sông hay không?...); Luật Phòng chống thiên tai (có phù hợp với quy hoạch về chống lũ sông Đồng Nai hay không?...).

“Theo các cơ sở pháp lý trên, UBND tỉnh Đồng Nai và chủ đầu tư phải lấy ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cụ thể là Tổng cục Thủy lợi nhưng Tổng cục Thủy lợi chưa hề nhận được thông tin nào về dự án. Vì thế, UBND tỉnh Đồng Nai nên dừng dự án để rà soát, tính toán lại thật kỹ các tác động tích lũy của nói” - ông Lê Mạnh Hùng đề nghị.

Theo một chuyên gia về quản lý tổng hợp tài nguyên nước, UBND tỉnh Đồng Nai và chủ đầu tư đã có sự nhầm lẫn về quy định của pháp luật. “Đất có thể chia ranh giới quản lý và nếu nằm trong địa phận Đồng Nai, lãnh đạo tỉnh này có quyền phê duyệt. Tuy nhiên, sông Đồng Nai lại là dòng sông xuyên tỉnh, thành nên phải tuân thủ thêm Luật Tài nguyên nước” - vị này nói.

Điều 3 Luật Tài nguyên nước quy định việc quản lý tài nguyên nước phải bảo đảm thống nhất theo lưu vực sông, nguồn nước, kết hợp với quản lý theo địa bàn hành chính. Trường hợp dự án đầu tư xây dựng trên sông thuộc lưu vực sông liên tỉnh thì tổ chức, cá nhân đầu tư dự án có trách nhiệm lấy ý kiến của UBND cấp tỉnh có liên quan và tổ chức lưu vực sông về quy mô, phương án đề xuất xây dựng công trình trên dòng chính.

“Như vậy, ngoài UBND 11 tỉnh, thành trong lưu vực sông Đồng Nai, tỉnh Đồng Nai phải báo cáo và lấy ý kiến của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Thế nhưng ở đây, các tỉnh, thành và đại diện Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đều không nhận được bất cứ thông tin gì về dự án. Trong trường hợp này, tỉnh Đồng Nai đã vi phạm Luật Tài nguyên nước!” - vị chuyên gia nhận định.

Không thể chấp nhận!

Tiếp xúc với phóng viên, nhiều người dân khu vực dự án cho rằng việc lấp sông Đồng Nai để xây dựng khu đô thị, phân lô bán nền là không thể chấp nhận. “Cải tạo cảnh quan là cần thiết nhưng không thể vin vào đó để lấp sông, lấy tài sản chung cho doanh nghiệp hưởng lợi” - một người dân bức xúc.

Không chỉ thế, một số người dân còn bày tỏ lo lắng khi các công trình, di tích văn hóa tâm linh trong vùng cũng sẽ bị đụng chạm. Một số công trình có giá trị văn hóa lịch sử lâu đời tại địa bàn này như Trường Nguyễn Du, chùa Phụng Sơn, đình Phước Lư, miếu Ngũ Hành... theo quy hoạch dự án, đều sẽ có nhiều thay đổi khi xây dựng lên những khu thương mại, đô thị, văn phòng. Ngoài ra, những địa danh như cầu Ghềnh, Cù lao Phố, Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh cũng đối mặt với những quy hoạch phát triển “lấy được”, bất hợp lý.


Theo Theo Người Lao động