Mới đây nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) khẳng định việc thu tiền tác quyền ở nhà hàng, quán cà phê, karaoke… là đương nhiên. “Bệnh viện, theo lý thuyết chúng tôi cũng có quyền thu tiền tác quyền, nhất là với bệnh viện kinh doanh,” ông Phương nói.
Trung tâm của ông viện dẫn nhiều căn cứ để đi thu tiền tác quyền ở những cơ sở kinh doanh này, trong đó có quy định về “Quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng” tại điểm b khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ và khoản 1 Điều 23 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP.
Theo đó, quyền này bao gồm cả việc biểu diễn tác phẩm trực tiếp lẫn thông qua các chương trình ghi âm ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện nào mà công chúng có thể tiếp cận được, ngoại trừ tại gia đình.
Quả thực các đĩa hát nhất là của nghệ sĩ quốc tế thường ghi rõ ngoài bìa, đại ý: “Sản phẩm đã đăng ký bản quyền. Chỉ được sử dụng riêng hoặc trong gia đình. Không được sử dụng công cộng, sao chép, cho thuê hoặc tải lên mạng khi chưa có sự đồng ý của nhà sản xuất…”. Như vậy, không chỉ các quán cà phê chơi nhạc sống mà cứ bật nhạc, kể cả nhạc nước ngoài cũng sẽ được Trung tâm của nhạc sĩ Phó Đức Phương hỏi thăm.
Một chủ quán cà phê ở Hà Nội khẳng định chỉ bật nhạc Pháp những năm 1930-1940 nên không phải nộp tác quyền. Phía trung tâm cũng xác nhận thời điểm 70 năm sau khi các nhạc sĩ qua đời, quyền bảo hộ tác phẩm coi như chấm dứt nhưng vẫn có thể thu tác quyền làm tác phẩm phái sinh. Chẳng hạn người sử dụng vẫn phải trả tiền cho nhạc sĩ, ca sĩ làm mới bản nhạc đó.
Lý lẽ của những người sử dụng âm nhạc trong kinh doanh nhưng không muốn đóng tác quyền chủ yếu vẫn là: bắt Trung tâm phải trình ra hợp đồng ủy quyền của các tác giả cũng như danh sách các bài hát mà Trung tâm đang nắm quyền đại diện. Thực tế đây là một cách làm khó vì Trung tâm không thể đi đâu cũng bê khoảng 4 ngàn hợp đồng trong nước, chưa kể những hợp đồng song phương với các tác giả nước ngoài thông qua các tổ chức quốc tế.
Ông Phó Đức Phương khẳng định: “Khi sử dụng tác phẩm của chúng tôi, chính các quán cà phê mới phải xin phép và đưa danh mục tác giả tác phẩm. Tuy nhiên chúng tôi sẵn sàng tiếp khách tại trụ sở để cho họ xem hợp đồng…”. Ông Phương cũng nói rõ, các tác giả tác phẩm mà trung tâm không ký hợp đồng sẽ được loại khỏi danh mục sử dụng do cơ sở kinh doanh cung cấp.
Thực tế không có tổ chức quyền tác giả nào trên thế giới có thể đại diện được 100% tác giả tác phẩm của nước đó, nhưng họ sẵn sàng chịu trách nhiệm phân phối tiền tác quyền đến những tác giả chưa ký hợp đồng nếu bên sử dụng tác phẩm yêu cầu trả hộ. “Chúng tôi sẵn sàng làm cầu nối, giúp bên sử dụng tác phẩm hoàn thành nghĩa vụ luật pháp, giúp các tác giả kiểm soát việc sử dụng tác phẩm,” giám đốc VCPMC nói. “Dù rằng khi cấp phép, trung tâm chỉ xem xét các tác giả tác phẩm có ủy quyền”.
Thực tế sẽ có tác giả được bật thường xuyên hơn ở các quán cà phê nhưng hiện nay trung tâm chỉ có thể chi trả theo kiểu bình quân, mà ông Phương gọi là “lọt sàng xuống nia”. Lý do Việt Nam chưa có kỹ thuật công nghệ để đo liều lượng sử dụng tác phẩm. Được biết Hàn Quốc đã đầu tư máy móc để đo được tần suất sử dụng bài hát tại quán karaoke. “Phân chia tiền tác quyền sai đúng, chúng tôi chịu trách nhiệm. Người sử dụng tác phẩm có trách nhiệm thực thi pháp luật,” giám đốc VCPMC khẳng định.
Trong năm 2016, VCPMC thu được hơn 2,86 tỷ đồng tiền tác quyền từ hơn 600 quán cà phê trên cả nước. Riêng 5 tháng đầu năm 2017, số tiền này là 1,07 tỷ. Các quán cà phê được VCPMC “xếp hạng” theo khoảng 15 mức đóng tiền tác quyền tùy theo vị trí gần hoặc xa trung tâm thành phố. Những quán ở nơi hẻo lánh quá sẽ không phải nộp.