Trước đây, có các quỹ văn hóa mang tên những danh nhân văn hóa Việt Nam như Quỹ Phan Chu Trinh, Quỹ Bùi Xuân Phái… nhưng đều do họ hàng, hậu duệ lập ra khi danh nhân đó đã qua đời.
Còn với Lê Lựu (hiện 72 tuổi), ông muốn hiện thực hóa mong muốn này khi còn sống.
Gia đình, họ hàng nhà văn bị “cấm” tham gia
Đặc biệt, điều 3 của Điều lệ quỹ quy định “toàn bộ bộ máy quản lỹ quỹ tuyệt đối không được có sự tham gia của vợ, con và những người có quan hệ huyết thống trong phạm vi 5 đời của nhà văn Lê Lựu”, với mục đích “để hoạt động của quỹ được minh bạch”.
Ngoài ra còn có ghi chú: “Trong trường hợp có thay đổi Điều lệ hoạt động quỹ, thì toàn bộ nội dung quy định tại điều khoản này không được thay đổi”. Trong buổi ra mắt, đại diện quỹ cũng nhấn mạnh điều này. Trong tài liệu phát cho báo chí, nhà văn Lê Lựu giải thích “Vì gia đình tôi phức tạp lắm, tôi không thích người thân của mình làm sai lệch ý nghĩa của quỹ đi”.
Ý nghĩa của quỹ, nhà văn Lê Lựu nói với Thể Thao & Văn Hóa, là để khích lệ các nhà văn, đặc biệt ở 2 mảng đề tài gắn bó với ông: doanh nhân/doanh nghiệp và nông dân/ nông thôn thời đổi mới.
Đề tài về nông dân, nông thôn thì không khó hiểu, Lê Lựu ghi dấu ấn trong văn học với tiểu thuyết Thời xa vắng và nhân vật Giang Minh Sài tiêu biểu. Còn với mảng đề tài doanh nhân, nhà văn tâm huyết bởi ông vốn là Giám đốc Trung tâm Văn hóa doanh nhân và là Tổng Biên tập tạp chí Văn hóa doanh nhân.
Lê Lựu “không phải là đại gia”
Nhà văn không trực tiếp công bố, nhưng trong lễ ra mắt, nhiều bạn bè nhắc đến số tiền 1 tỷ đồng mà nhà văn đưa vào quỹ. Ngoài ra, quỹ còn nhận đóng góp của nhiều doanh nhân.
Tại lễ ra mắt, quỹ công bố tin doanh nhân Tạ Đức Quyết ủng hộ quỹ 1.000 mét vuông đất tại đặc khu Vân Đồn (Quảng Ninh) để làm trại sáng tác cho các nhà văn.
Phát biểu trong lễ ra mắt, những người bạn của Lê Lựu như nhà văn Hữu Ước, nhà thơ Bằng Việt, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà sử học Dương Trung Quốc… đều có chung một suy nghĩ, đó là “Lê Lựu không quá mạnh về tiền bạc, nhưng ông có một tấm lòng đáng quý. Mục đích của ông khi thành lập quỹ là khiêm nhường và đáng cảm phục”.
Nhà thơ Bằng Việt chia sẻ: “Khi anh mới nói với tôi ý định này, tôi rất lo vì anh sức khỏe có hạn, khả năng kinh tế cũng có hạn, không phải đại gia. Về sau, nỗi lo đó được giải tỏa, vì có nhiều bạn bè nhận lời tham gia quản lý và cố vấn giúp anh, lại đều là những tên tuổi lớn của đất nước”.
Lần đầu tiên ở Việt Nam có một quỹ văn học mang tên một nhà văn, một cá nhân đang sống. Lê Lựu nói với Thể Thao & Văn Hóa: “Giờ thì tôi chết cũng được”. Ông chia sẻ, những năm gần đây sức khỏe ông yếu đi, 5 lần bị xuất huyết não, hiện bị liệt chân phải. Lê Lựu ngồi xe lăn đến lễ ra mắt.
Hoạt động đầu tiên của quỹ là trao giải cho các sáng tác xuất sắc về đề tài nông nghiệp, nông thôn, văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân…, dự kiến vào dịp 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 22/12 năm nay.
Theo Mi Ly