Đã mấy ngày trôi qua, người dân Paris nói riêng và cả nước Pháp nói chung vẫn còn cảm thấy tiếc nuối cho cái đẹp, cho một kiệt tác được nhân loại công nhận đã bị huỷ hoại bởi hoả hoạn.
Tôi yêu thích văn hóa Pháp từ những năm còn nhỏ. Đặt chân đến Pháp là nghĩ ngay đến Nhà thờ Đức Bà Paris, nơi đã hiện hữu trong tôi về tác phẩm văn học lừng danh "Thằng gù Nhà thờ Đức Bà" (The Hunchback of Notre Dame) của Victor Hugo.
Ông xã tôi – Eric đã lặng người trước hình ảnh tòa tháp mũi tên đổ sụp xuống trong lửa đỏ. Nhà tôi chỉ cách Nhà thờ Đức Bà chưa đến 10 phút đi bộ. Từ ban công nhìn ra lúc hoả hoạn đang bùng cháy dữ dội, đã nghe thấy tiếng còi hú và làn khói xám ngút cả một vùng trời. Ai mà không đau xót nhưng người dân Pháp, trong đó có cộng đồng người Việt sống tại Pháp, đều tin vào những điều thiêng liêng đã kết nối tình đoàn kết của con người với nhau. Để dù khác nhau ở màu da vẫn cảm giác đau nhói khi nhìn thấy cái đẹp bị lửa đỏ hủy hoại.
Khủng bố một thời đã làm cho nước Pháp lo lắng nhưng không sợ hãi. Ngọn lửa kia dù thiêu đốt ngọn tháp và một góc nhà thờ bị hư hao thì đã có hàng vạn lời cầu nguyện, hàng triệu cánh tay quyết xây dựng lại, trùng tu lại di sản văn hóa tuyệt đẹp này. Hơn 1 tỉ Euro của những tấm lòng tốt ủng hộ tái thiết Nhà thờ Đức Bà Paris đã sưởi ấm trái tim nước Pháp.
Ở chỗ tôi làm, có người Pháp đã tự hỏi: Vì sao hơn 1 tỉ Euro đó không nhằm mục đích cứu đói, giúp người bệnh tật neo đơn, mà lại đi trùng tù, sửa chữa một góc của nhà thờ bị cháy? Tôi nói ngay với họ, việc chia sẻ từ thiện đã có nhiều nguồn ngân sách, nhiều cá nhân, tổ chức phi chính phủ tham gia. Còn Nhà thờ Đức Bà của chúng ta chỉ có một.
Thật kỳ lạ, tình yêu thương dành cho di sản văn hóa thế giới chưa bao giờ mạnh mẽ đến thế. Nó đập tan tất cả những toan tính, tranh luận hết sức ích kỉ trên các diễn đàn xã hội. Nó cũng xóa đi tâm lý đố kỵ, chỉ nhắm vào chỉ trích ai đó cho rằng tôi đã rơi lệ vì nỗi đau này. Trên hết, cá nhân tôi cho rằng mọi lời nguy biện đều mang sự cảm tính, thích "chụp mũ" người khác, khi cho rằng chẳng có gì đáng than khóc ở đây.
Trên thực tế, cho tới hôm nay, vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris khiến tôi cảm phục tinh thần của những con người xả thân vì nỗi đau này. Họ làm tất cả những gì có thể để giúp cho ngọn tháp kia dù 10-20 năm sẽ lại đứng vững chào đón du khách và những người mộ đạo.
Nhà thờ Đức Bà Paris bị cháy hư hỏng nghiêm trọng, tổn thất nặng nề là điều không ai muốn và trong muôn vàn sự hỗn độn đó, tôi cảm nhận niềm hạnh phúc vì con người đã không thờ ơ với di sản. Sợ nhất là khi họ chỉ sống cho bản thân mình, mặc kệ những thứ họ cho là vô tri, vô giác. May thay, cộng đồng kiều bào ở Pháp đã không như vậy. Họ vui khi lời cầu nguyện đã được tiếp nhận bởi họ nhìn thấy những bảo vật như tranh, tượng đã được cứu kịp thời.
Tôi lau nước mắt khi thấy hàng ngàn người dân, khách du lịch đổ ra đường trong đêm. Họ đi trong trật tự, rồi nắm tay nhau, hướng về ngọn lửa đỏ rực cùng cất những lời cầu nguyện. Đó là hình ảnh kiêu hãnh của những trái tim biết quý trọng di sản văn hóa thế giới, biết vượt lên trên tôn giáo để bảo vệ đức tin của chính nhân loại, đó là sống tử tế với nhau.
Tôi chợt nhớ lời hát rất ý nghĩa của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: "Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau". Nếu nói một cách nào đó, nhà thờ với những thước gỗ khô hàng trăm năm tuổi, với những viên gạch, mái ngói quá ư cổ kính. Nó không hề thiếu linh hồn và con người đã nhìn thấy nó khóc trong lửa, để đau nỗi đau của gỗ, đá. Tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh nhân ái này của những con người yêu di sản văn hóa và yêu Nhà thờ Đức Bà Paris.