Kỳ thi THPT Quốc gia năm nay “xôn xao” bởi việc xuất hiện mưa điểm 10 ( hơn 4.000 điểm so với 100 điểm năm 2016). Ngoài ra, nhiều tỉnh, thành phố đã công bố tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao, tăng hơn hẳn các năm trước khi đạt 98-99%. Với tỉ lệ tốt nghiệp đỗ cao như vậy, dư luận băn khoăn đặt câu hỏi có nên giữ kỳ thi THPT.
PV Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với TS Vũ Ngọc Hoàng- nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo TW về vấn đề này.
Điều chỉnh cách ra đề, cách cho điểm
PV: Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp vài năm trở lại đây cao và nhiều tỉnh đỗ gần 100%. Vậy theo ông, đã đến lúc không cần đến kì thi THPT này nữa?
TS Vũ Ngọc Hoàng: Theo tôi, không nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, vì đây cũng là cách quản lý chất lượng ở đầu ra, để đánh giá việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, từ đó mà bổ sung điều chỉnh cách dạy và học thế nào cho tốt hơn, chứ không chỉ là để kết luận là tốt nghiệp hay không tốt nghiệp. Còn nếu thấy tỷ lệ tốt nghiệp quá cao, khó tin về kết quả thực chất, thì cần điều chỉnh cách ra đề, cách cho điểm, chứ không nên bỏ kỳ thi ấy.
PV: Với giả định nếu xét tốt nghiệp căn cứ vào điểm thi với mức điểm trung bình là 5 điểm thì tỉ lệ thí sinh tốt nghiệp của cả nước năm 2017 chưa tới 60%. Trong khi đó, nếu theo cách tính hiện tại được tính một nửa là điểm thi THPT quốc gia còn một nửa tính điểm trung bình các môn học lớp 12. Vậy theo ông, việc xét tốt nghiệp có nên cần “phao cứu sinh” là dựa vào kết quả lớp 12 này nữa không?
TS Vũ Ngọc Hoàng: Việc xem xét thêm kết quả học tập ở cấp 3, cùng với kết quả thi các môn, để xét tốt nghiệp cũng có thể được, cũng là cần thiết, nhưng cách làm phải khoa học.
Ví dụ, đỗ hay không đỗ tốt nghiệp chủ yếu do kết quả thi quyết định, phải trên trung bình. Đồng thời cá biệt một số trường hợp, đối với những các em điểm thi tốt nghiệp tuy chưa đạt trên trung bình, nhưng xấp xỉ, chứ không phải quá thấp, đồng thời xét thấy quá trình học thì liên tục đạt khá giỏi thì có thể xét cho tốt nghiệp.
Việc cộng thêm mấy điểm trong trường hợp đó phải có quy định từ đầu, không để tùy tiện vận dụng theo ý muốn chủ quan.
Tuyển sinh ĐH,CĐ: sao Bộ GD&ĐT cứ phải làm thay?
PV: Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 vừa có 2 mục đích là để xét tốt nghiệp THPT và lấy làm căn cứ xét tuyển ĐH. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nên bỏ hoặc tách kì thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH,CĐ. Việc tuyển sinh ĐH phải làm chặt chẽ và giao cho các trường. Ý kiến của ông về vấn đề này?
TS Vũ Ngọc Hoàng: Việc tuyển sinh đại học và cao đẳng nên giao hẳn cho các trường tự giải quyết với tinh thần tự chủ và gắn với trách nhiệm xã hội, trách nhiệm giải trình. Đó là cách làm đúng. Tôi ủng hộ cách làm này.
Không việc gì mà hàng năm Bộ cứ phải làm thay. Xét cho kỹ thì việc tổ chức thi và tuyển sinh đều không phải là công việc quản lý nhà nước vĩ mô của Bộ. Đó là công việc có tính chất sự nghiệp của các trường.
Các trường phải sáng tạo cách làm cho phù hợp đặc điểm cụ thể của từng trường. Có thể tham khảo kết quả thi phổ thông hoặc không tham khảo, có thể thi hoặc không thi, thi riêng ở trường ấy hay nhiều trường cùng tổ chức thi chung hoặc sử dụng một đơn vị dịch vụ cho nhiều trường, có thể phỏng vấn hoặc đọc hồ sơ… là do từng trường nghiên cứu quyết định, lựa chọn cách làm tốt nhất.
Việc tuyển sinh đại học và cao đẳng nên giao hẳn cho các trường tự giải quyết với tinh thần tự chủ và gắn với trách nhiệm xã hội, trách nhiệm giải trình. Không việc gì mà hàng năm Bộ GD-ĐT cứ phải làm thay. Xét cho kỹ thì việc tổ chức thi và tuyển sinh đều không phải là công việc quản lý nhà nước vĩ mô của Bộ. Đó là công việc có tính chất sự nghiệp của các trường.
TS Vũ Ngọc Hoàng
PV: Bộ GD&ĐT giải thích, việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đã giảm tốn kém cho xã hội và giảm áp lực thi cử cho học sinh. Vậy theo ông đánh giá, đây có phải là điểm tích cực của kì thi mà vì thế vẫn nên tiếp tục không, thưa ông?
TS Vũ Ngọc Hoàng: Tôi chưa nghiên cứu kỹ kỳ thi vừa rồi để có thể đánh giá là có đỡ tốn kém và giảm áp lực hay không.
PV: Chương trình Giáo dục phổ thông vừa được thông qua không còn quy định việc giao xét tốt nghiệp THPT cho các cơ sở giáo dục như trước đây. Vậy theo ông, việc đánh giá kết quả giáo dục để công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông nên như thế nào?
TS Vũ Ngọc Hoàng: Việc đánh giá kết quả giáo dục là một khoa học, cần được nghiên cứu thật nghiêm túc, có sự thảo luận, tranh luận của các nhà khoa học giáo dục.
Tổ chức thi một cách khoa học, ra đề thi theo hướng kiểm tra năng lực chứ không phải kiểm tra trí nhớ, mở rộng thang điểm để làm rõ các hướng phân hóa về trình độ nhằm tạo điều kiện cho các trường đại học và cao đẳng tham khảo kết quả, nghiên cứu hồ sơ về kết quả học tập trước đó như đã nói ở phần trên.
Đó là những việc cần thiết - Tôi nghĩ vậy. Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu và hội thảo khoa học về đánh giá mà tiếp tục bổ sung hoặc điều chỉnh các giải pháp.
Xin cảm ơn ông!