Nguyễn Huy Thiệp: Trái tim ấy có đủ máu không?

TP - Thăm Nguyễn Huy Thiệp về, tôi gặp Bảo Ninh và Nguyễn Việt Hà. Nhà văn “Nỗi buồn chiến tranh” nói đi nói lại (như không chỉ cho tôi và anh Hà nghe): “Các người làm gì thì làm, cả nước này chỉ có một Nguyễn Huy Thiệp! Anh ấy là nhà văn tầm châu lục, không phải bệnh nhân bình thường. Nguyễn Huy Thiệp xứng đáng có cuộc sống tốt hơn, tốt nhất".
Kỉ niệm thập kỉ 90 thế kỉ trước với tác giả “Huyền thoại phố phường”, “Chảy đi sông ơi”… Ảnh: Tư liệu DPV

“Tôi nom giống Hawking chưa”

Qua điện thoại, giọng Nguyễn Huy Thiệp không yếu ớt gì cả thậm chí có phần phấn khích, cho nên tôi sững người khi tận thấy ông trong căn nhà quen thuộc ở xóm Cò (Khương Hạ).

Đó là cuối tháng 5. Đã nghe về bệnh tình Nguyễn Huy Thiệp nhưng tôi chưa xem ảnh nào chụp ông trên giường bệnh. Biết tôi sắp đến thăm, ông chủ động gọi điện: “Đến đi, nhiều chuyện để nói lắm”.

Và nhà văn hiện ra với thân hình tiều tụy, da rất xám, tay chân như của ai, lòng khòng loèo khoèo co quắp. Mặt mũi cũng vậy, như là ai ấy, và thần sắc kém. Vẫn biết tai biến liệt nửa người là thế nào nhưng tôi nói thật với Nguyễn Huy Thiệp rằng không ngờ ông đến mức này. Hôm qua nghe điện thoại tôi lại có cảm giác an lòng mới chết.

“Quan trọng nhất trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp là đọc nó người ta mỉm cười hoặc phá lên cười. Nụ cười là dấu hiệu đầu tiên trong phong cách đạo đức của một nhà văn. Văn học Việt Nam bao năm nay kể cả trong chiến tranh cho đến Đổi Mới đều rất ít tiếng cười. Văn tôi may mắn luôn giữ được tiếng cười lý thú, hóm hỉnh. Khi nào không cười được nữa thì không còn Nguyễn Huy Thiệp”, NGUYỄN HUY THIỆP, xóm Cò tháng 5/2020

Bệnh nhân cũng chẳng buồn rào đón: “Cô trông tôi có giống cái tay tìm ra hố đen không, cái tay về cuối đời chỉ còn mỗi hốc mắt ấy. Người chẳng ra người ngợm chẳng ra ngợm”. “Anh muốn nói Stephan Hawking đúng không”. “Đúng rồi. Người ta nói chỉ quỉ sứ mới tìm ra hố đen vũ trụ, thế mà tay này tìm ra. Những người lao động trí óc nặng quá thì khi bệnh tật càng khó coi”.

“Anh thấy trong người thế nào”? “Chỗ nào cũng tê mỏi, đau nhức. Đầu óc nghĩ ngợi lung tung, lúc nào cũng như trong mộng”.

Tôi kể mình có người nhà cũng như ông, và sao bây giờ lắm người bị bệnh này quật thế. Nguyễn Huy Thiệp cắt nghĩa: “Ngày xưa có đạo hơn, con người sống giản dị nên ít bệnh. Bây giờ đuổi theo vật chất, vô đạo. Tôi là một trong những ca điển hình. Mình phải trả giá”. “Anh ơi, số phận cả thôi, trời kêu ai nấy dạ. Ở hiền mà chắc chắn gặp lành thì ai dám ác”. “Đúng rồi, do số phận nữa. Nhưng xã hội đang suy đồi, con người tha hóa là chắc chắn. Ngày xưa sống thanh đạm, gần đạo hơn, nét mặt vô tâm thư giãn chứ không cố ý thư giãn”.

Chừng như thấy chưa đủ, ông lại tự bồi cho mình cú nữa: “Xem lại ảnh ngày xưa thấy mình lương thiện, tử tế hơn, gần đạo hơn. Bắt đầu có chút tiền, chút tên tuổi danh lợi là không được như trước nữa, các nét chất phác mất dần. Bà vợ nói trông tôi ác”. “Vâng em vẫn nhớ anh kể (trong cuộc ra mắt tái bản tiểu luận Giăng lưới bắt chim) rằng vợ nói anh ác khẩu, anh còn giải thích là người viết văn có xu hướng nói quá lên”.

Cuộc đó, bốn năm trước, khi Nguyễn Huy Thiệp tự nhận ác khẩu thì Chu Văn Sơn (nhà phê bình, mất năm 2019)đỡ lời: “Văn chương Nguyễn Huy Thiệp lắm lúc phũ, ác khẩu nhưng Thiệp “tâm Phật” và “lòng không đang”.

Giọng của “vua truyện ngắn Việt Nam” hôm nay nghe vẫn ấm, khẩu khí may thay vẫn thế! Ưa kiến giải, suy tưởng, ức đoán, triết lý, hay lẩy lót thơ phú. Vẫn là người “căm thù sâu sắc những kết thúc truyền thống” (Trương Chi)…

Nhớ câu trong tiểu luận Một góc sơ suất trong thế giới nội tâm nhà văn mà chính chủ viết năm 1989, tôi đọc: “Mỗi người chỉ có một số kiếp, một cõi sống và điều đó làm cho lòng ta run lên vì căm giận”. Ông gật đầu: “Đang căm giận đây”. Và “Chán chường nhưng tôi vẫn rất khao khát sống”.

Về sự phũ, ác khẩu, tác giả Kiếm sắc kể tiếp: “Các vị thiền sư ngày xưa mở miệng là đánh là quát đấy chứ. Vì trong ác có thiện, trong thiện có ác. Mình cứ nghĩ mãi vì sao họ mở miệng là quát. Lòng họ cũng rối đấy. Sống đến tuổi 71, viết lách ngẫm nghĩ nhiều nên mình phần nào cảm thông với các vị thiền sư. Bản chất cuộc sống là giản dị thanh đạm, xa lánh cái ác, xa danh lợi nhưng trớ trêu thay, những người càng nghĩ nhiều về những điều đó thì càng bị giời đày vào tình huống phải chịu áp lực để giải quyết, và kết cục là thế này đây!”.

Người này vẫn mặn chuyện như mọi khi nhưng chốc lại phải dừng vì sức khỏe không cho phép. Chị Trang vợ anh mà tôi biết 29 năm nay, ngồi trân trối nhìn hai chúng tôi từ đầu đến cuối chứ không lui cui bếp núc, dọn dẹp như mọi bận. Ánh mắt cũng không giống trước, không ra lo âu. Các con nói chị bị trầm cảm, và mất ngủ kéo dài. Một phụ nữ khác ẩn hiện trong căn phòng tối om. Trang cho biết đó là em gái chị, cũng bệnh nhân nặng.

Nhấp ngụm nước vợ đưa, Nguyễn Huy Thiệp hỏi thăm: “Nghe nói Phú Quang, Phó Đức Phương cũng đang khốn đốn vì bệnh tật, như tôi?”.

Bạn già Nguyễn Bảo Sinh cũng hay được Nguyễn Huy Thiệp trích dẫn, hôm nay là câu thơ “Một khi đã biết điểm dừng/Nghĩa là đã quá điểm dừng từ lâu”. Rồi triết lý: “Cuộc đời chúng ta, người nào đáo bỉ ngạn - tức là đến được bờ bên kia - bơi qua được vòng sinh lão bệnh tử, thì mới gọi là thành công. Còn nếu vẫn lấn cấn với bốn ngọn núi sinh lão bệnh tử thì sẽ thân tàn ma dại như mình đây”.

“Họ phải nghệ sĩ hơn nữa”

Trên giường bệnh, ngoài chủ nhân nằm cũng khổ ngồi cũng khổ thì có hai cuốn sách của ông và một cuốn của người khác nhưng ông nhìn bị nhầm. Vợ ông nói “Ông ấy không đọc được chữ nào nữa đâu”.

Giơ sách lên, ông tâm tình: “Hai cuốn này của tôi được dịch ra tiếng Thụy Điển. Ai theo văn chương mà chẳng mơ được giới thiệu ở đất nước của giải Nobel. Đây là vinh hạnh nhưng cũng gây nhiều khủng hoảng, nhiều mâu thuẫn cho tôi, khiến mình mơ mộng lẫn ảo tưởng”. Tôi trêu “Vậy bao giờ anh thôi ảo tưởng”. “Chắc chết”.

Tôi kể vừa xem lại phim Tướng về hưu làm năm 1988, thấy cho dù kịch bản Nguyễn Huy Thiệp viết chứ ai, diễn viên cũng có nghề hẳn hoi: Hoàng Cúc, Hoàng Dũng, Trần Hạnh, Đoàn Anh Thắng…, nhưng cả bộ phim là vỡ lòng điện ảnh. Nhà văn gật đầu: “Đúng rồi, xem thế nào được”.

Độc đáo “gốm Thiệp”. Đĩa lớn là chân dung Nguyễn Huy Thiệp do Nguyễn Hồng Hưng vẽ, nhà văn chép lại. Các đĩa còn lại anh Thiệp vẽ Dostoievsky, Marcel Proust và con gái tôi. Ảnh: DPV

Thấy khách chuẩn bị ra về, Nguyễn Huy Thiệp bảo vào trong buồng thích tranh gốm nào cứ lấy. Trước đó tôi từng sở hữu một ít “gốm Thiệp” vẽ tác gia Việt Nam và thế giới, chép lập ngôn của họ lên đó. (Bài Gốm Thiệp có gì lạ, Tiền Phong 2015 của tôi từng viết chuyện này). Tôi còn ôm mớ gốm đi tặng bớt cho bạn bè, đồng nghiệp. Hôm nay dù e ngại nhưng trước thịnh tình và sự kiên quyết của chủ nhân, cuối cùng tôi chọn thứ này: Nguyễn Huy Thiệp sao lên gốm bức Nguyễn Hồng Hưng ký họa mình năm 1995.

Người có dăm bảy truyện lên màn ảnh kể: “La Khắc Hòa (nhà phê bình- DPV) xem Ký sinh trùng phim đoạt giải Oscar, bảo tôi rằng thấy rất hay, thấy nhiều ý mà kịch ‘Nhà ô sin’ của Thiệp từng phát hiện ra. Nhưng Hàn Quốc có đạo diễn giỏi nên phim của họ ra được thế giới. Ở ta người lành nghề hiếm lắm, tôi rất muốn ai có tài chuyển Không có vua của mình lên phim mà khó”.

Lại nhớ kỷ niệm xem phim của Nguyễn Huy Thiệp mấy chục năm trước. Ra khỏi phòng chiếu Hội Điện ảnh 51 Trần Hưng Đạo, họa sĩ Nguyễn Hồng Hưng bạn Nguyễn Huy Thiệp cười cười nhận xét Thương nhớ đồng quê (đạo diễn Đặng Nhật Minh) là “phim của bọn thành phố thương hại đồng quê”. Còn Nguyễn Huy Thiệp cũng cười ý nhị gọi Những người thợ xẻ (đạo diễn Vương Đức) là Vụ án những người thợ xẻ (ý nói bị hình sự hóa so với truyện).

Giờ này Nguyễn Huy Thiệp tỉnh queo “Em xem lại mà xem, chả Vụ án những người thợ xẻ là gì. Thương nhớ đồng quê cũng đúng là thương hại đồng quê”. Và: “Ta về ta tắm ao ta, cho nên diễn viên, quay phim, những bộ phận lặt vặt thì nên là người Việt. Nhưng đạo diễn nếu không nước ngoài thì dù kịch bản Nguyễn Huy Thiệp cũng khó đi xa”.

Thương nhớ đồng quê là truyện hay và rất khó viết. Tướng về hưu thì “cập thời vũ”, hợp thời thôi, hợp với trình độ chính trị và văn học nước ta thời ấy. Sống dễ lắm, Mưa Nhã Nam, Cánh buồm nâu thuở ấy... làm phim mà không hay à. Sao người ta không tính chuyển thể những câu chuyện ngắn ngắn như vậy? Nó không tốn tiền quá, không mất nhiều công sức quá, mà lại có độ cảm động. Các đạo diễn muốn làm phim của tôi thì phải chú trọng tính nghệ sĩ trong con người quay phim, con người diễn viên, con người tác giả, con người đạo diễn cơ! Tức là anh vừa đá bóng trên sân của anh lại vừa là khán giả và nhà chỉ huy. Nếu diễn viên chỉ là diễn viên, quay phim chỉ là quay phim thì không đạt, tôi yêu cầu cao hơn thế!”.

“Cứ nghĩ sao mình cố thế mà vẫn lâm bệnh”

Tuyển truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp in rất đẹp, có minh họa. Đông A liên kết NXB Văn Học ấn hành - phiên bản mới tinh kỉ niệm 70 năm sinh nhà văn. Ảnh: ĐÔNG A


Nguyễn Huy Thiệp ngã bệnh đã nhiều tháng, xôn xao văn đàn. Trời giáng cú này kinh khủng quá. Nguyễn Việt Hà- trùm tạp văn, rất thân Nguyễn Huy Thiệp, kể về lần đầu đến thăm ông anh nhập viện. Thấy Việt Hà, bệnh nhân nghẹn ngào Anh thành phế nhân rồi Hà ơi, làm Việt Hà chỉ biết quay đi giấu giọt nước mắt.

Hôm đến xóm Cò vừa thấy ông trong bộ dạng tuyệt vọng đó, tôi đã hoảng đến nỗi quăng bừa túi của mình lên một chỗ cao cao so với sàn nhà, về sau mới biết là chiếc ghế đặc biệt dành cho bệnh nhân khi cần vệ sinh cá nhân. Làm sao thao tác bình thường được nữa. 
“Để ý thì rất nhiều dân chữ nghĩa mắc bệnh này (tai biến mạch máu não). Đó là bệnh của danh của lợi”- Nguyễn Huy Thiệp nói. Và trích dẫn thơ Ôn Như Hầu, về những thất vọng nội tâm sau một đời phấn đấu: Mùi phú quí nhử làng xa mã/Bả vinh hoa lừa gã công khanh/Giấc Nam Kha khéo bất bình/Bừng con mắt dậy thấy mình tay không. 

Hỏi người bệnh, khi mới bị hẳn ông sốc lắm? “Sốc chứ. Cứ nghĩ sao mình quyết tâm thế, cố gắng sống tử tế đến thế mà vẫn lâm bệnh. Có thể do kiếp trước tôi tu không ra gì chăng. Đuổi theo danh vọng đưa lại cho tôi cả hay lẫn dở và thường thì hay ít dở nhiều”.
Giữa tháng 8 tôi gọi điện, nói tôi với Bảo Ninh định thăm nhưng chờ dịch dã yên yên tí đã. Họa sĩ Bách cho biết tinh thần của bố khá lên nhiều, và chịu khó tập đi hơn nên tiến bộ trông thấy. “Cô mà vào bây giờ thì bố cháu sẽ làm tặng cô mấy chục câu thơ và đòi vẽ chân dung ngay, sẽ có chỗ giống chỗ không. Bố cháu dạo này hàng ngày ngồi trên giường lấy bìa giấy làm thơ và vẽ chân dung mọi người”- Bách cười bảo. Bệnh nhân Thiệp đế vào: “Làm thơ và vẽ để còn in vào tập di cảo!”. 

“Ước không có giông bão lọt vào đấy”

Năm 1991 dò dẫm vào nghề, tôi được đồng nghiệp Xuân Ba dẫn đến ngôi nhà đặc biệt này, sâu tít trong làng, đường sá vô cùng ngoắt ngoéo mà tận bây giờ dù tới lui bao lần, tôi vẫn không tài nào nhớ nổi.

Về sau Nguyễn Huy Thiệp vui lòng làm cộng tác viên của tôi, gửi những truyện ngắn khiến chúng tôi thật hỉ hả mỗi khi đặt họa sĩ minh họa: Chuyện tình kể trong đêm mưa, Cánh buồm nâu thuở ấy, Đưa sáo sang sông, Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt, Chuyện ông Móng

Đầu những năm 2000, Nguyễn Huy Thiệp và Nguyễn Việt Hà chéo tay viết mục Tạp văn cho báo. “Chéo tay” nghĩa là hai anh em thay nhau viết. Bút danh Dương Thị Nhã, dân trong giới bảo: Đọc nửa câu là nhận ra Nguyễn Huy Thiệp. Những tạp văn và truyện ngắn đó thực sự khiến trang văn nghệ của bản báo sinh sắc sang trọng hẳn lên.

Nguyễn Phan Bách- cậu cả, hay được bố cử đến lấy nhuận bút. Mình mừng vì mời được “người sang của nước”, thế mà về sau tôi nghe Viện phó Viện Sân khấu Nguyễn Văn Thành- con rể nhà thơ Lưu Trọng Lư kể lại: hồi xưa có lúc nghe Thiệp nói “Vinh báo Tiền Phong lại đặt truyện Tết, thế là Tết này có món nhuận bút khá rồi”. Nghe ông Thành thuật lại như thế thì nhớ mình từng hơn một lần đanh đá “đấu tranh” nhuận bút cho các đại danh Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh…

Với chị Trang vợ nhà văn - áo màu sáng - hai mấy năm trước. Đất vườn đã bán bớt nên giờ không còn khung cảnh này nữa. (Nguyễn Huy Thiệp: “Bán đất cũng như bán dâm ấy, thử một lần thế là làm mãi”). Ảnh: XUÂN BA

Không huỵch toẹt trắng phớ không phải Nguyễn Huy Thiệp, và bạn phải quen thôi! Chẳng hạn hồi tôi mới về báo vài năm chứ mấy, là “ôn con”, ngoan ngoãn nghe ông cộng tác viên xịn này chỉ dạy (nhưng nước đổ lá môn thôi): “Em bị không khí gia đình của cái báo ấy làm hỏng, nhé! Em phải không ngừng phản bội họ đi, phải đổi dòng liên tục thì nước mới trong được!”.

Nhớ lần ba, bốn người chúng tôi lên thăm trang trại của họa sĩ Lưu Công Nhân ở Tam Đảo. Xe dừng ở Việt Trì, Nguyễn Huy Thiệp trầm giọng- một chất giọng rất Hà Nội, đọc câu thơ Hữu Thỉnh: Chiều trung du đến chậm/Như thư của người thân, nghe sao mà hợp cảnh. Cả bàn về ca từ Trịnh Công Sơn nữa, những câu mà ông cho là tuyệt: Ôi chinh chiến đã mang đi bạn bè; Tình yêu như trái phá, con tim mù lòa… Và sôi nổi đọc thơ Tagore, thơ Neruda... Tôi hiểu Nguyễn Huy Thiệp rất yêu thơ. Vừa hôm trước biết tôi chuẩn bị đến thăm, qua điện thoại ông nói không nghĩ tôi lại để ý mà trích dẫn thơ ông (in trong truyện Mưa Nhã Nam): “Trái tim ấy có rộng lượng không/Có đủ chỗ cho mày ngụ không/ Trái tim ấy có đủ máu không/Ước không có giông bão lọt vào đấy…”.

Hôm nay, ông Mưa Nhã Nam ủ ê: “Trái tim này không đủ máu rồi. Dù sao, ước không có giông bão lọt vào đấy, nhỉ. Lắm lúc thật xấu hổ về tình cảnh mình. Cô nói đúng đấy, Nguyễn Huy Thiệp kiêu bạc đã quen”.

Ngồi được một chặp, bệnh nhân đành nằm tiếp chuyện. Rồi lại khó nhọc ngồi dậy khi vợ mang bát cơm với giá xào, xúc từng thìa đưa lên miệng chồng nhưng ông rất khó nuốt trọn, cứ lẩy bẩy mãi.

“Ước không có giông bão lọt vào đấy”. Vâng, giông gió đến thế thì thôi. Còn Bảo Ninh nói thế này, thì biết làm thế nào đây: “Đó không phải bệnh nhân bình thường. Đó là Nguyễn Huy Thiệp. Các người làm gì thì làm”. 

Kỷ niệm nhỏ ở xóm Cò

Văn giới, nhiều người nói Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh chả hoạt khẩu gì cả, riêng Nguyễn Huy Thiệp có lúc còn nói lắp. Nhưng biết hai người nhiều năm nay, tôi thấy họ luôn nói năng có hương có nhụy dù không hẳn lúc nào tôi cũng đồng tình với quan điểm của Nguyễn Huy Thiệp.

Tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp liên tục tái bản trong hơn ba chục năm qua

Người nổi tiếng nhất văn đàn hơn ba chục năm qua cho rằng “nhà văn nên sống trung dung dù khó, đừng tả quá hữu quá, phải không thừa không thiếu, đặc biệt không nên quá khích. Sống trung dung để đáo bỉ ngạn, đi đến đích của cuộc sống”.

Ngẫm cảnh buồn bây giờ lại nhớ lần vui nọ- cùng Đỗ Hoàng Diệu (ở Mỹ về) thăm vợ chồng ông. Ông lôi đám gốm ra rủ con gái tôi vẽ. Con muốn vẽ gì thì vẽ, còn bác vẽ cháu. Ngồi chuyện với vợ ông và Diệu, tôi thỉnh thoảng ngó hai bác cháu mà cảm động. Hai “họa sĩ” đều vô cùng tập trung.Nguyễn Huy Thiệp lúc ấy nom vừa nghệ sĩ vừa ấm áp.
Hôm đó thấy con tôi có lúc tha thẩn chơi với mấy con gà mới nở vàng óng, bà chủ Trang bắt nó mang một con về nuôi. Con tôi thích lắm,ôm về hì hục chăm bẵm, vừa học bài vừa hí hoáy ký họa cục bông mà nó đặt tên là Chiếp-“con bé Chiếp” vì suốt ngày chiêm chiếp chiêm chiếp.

Là trẻ con ở phố, biết gì về gà qué đâu nên nhà chăn nuôi này có hôm thấy Chiếp không được sạch sẽ bèn lôi ra tắm táp kỳ cọ - việc tối kỵ với gà. Thế rồi một sáng tỉnh dậy hốt hoảng không thấy đâu, hóa ra đêm qua gà con đã tự chui khỏi cái lồng úp, bay từ tầng 6 xuống. Con tôi khóc mãi, sau đó hai chúng tôi cứ lờ đi, không dám kể về con bé Chiếp với bác Trang, cho đến lúc buộc phải nói thật.

Cảnh đó người đây nhưng nay đà khác xưa. Biết làm sao được, đời là thế…