> 'Hiền nhân' giữa chốn thị phi
> Ngô Thảo & chùm lá quế
Tác giả Hoàng Khôi quyết định “đặt nhân vật với những thăng trầm lịch sử, đặt nhân vật trong tương quan với những con người có thực cùng thời, chiếu ứng với những bài thơ của chính nhân vật viết ra rồi dựng lên một khung cảnh tôi cho là hợp lý”.
Như vậy, đây là tác phẩm văn học hư cấu dựa trên nhân vật chính có thật, có thể coi là “dựng chuyện về Nguyễn Du”, như cách nói của tác giả. “Tôi cho rằng Nguyễn Du không chỉ có 10 năm gió bụi mà cả cuộc đời ông trước sau đều trong cõi phong trần”.
Sách viết bằng giọng văn kể đơn giản. Tác giả muốn tác phẩm bay bổng hơn so với một tiểu thuyết lịch sử nên bám sát tâm tư Nguyễn Du hơn là những sự kiện lịch sử cùng thời.
Tác phẩm bắt đầu bằng tâm trạng xốn xang của Nguyễn Du khi nhận được bức thư từ người anh cả Nguyễn Khản, gọi ông về lại Bích Câu để lên Thái Nguyên nhận chức quan. Nguyễn Du được gọi là “chú Bảy”, thể hiện ngôi thứ của ông trong đại gia đình dòng họ Nguyễn Tiên Điền.
10 năm gió bụi của Nguyễn Du là hành trình một mình, khởi đầu với việc đại thi hào quyết định giã từ hai người thân Nguyễn Quýnh và Nguyễn Đăng Tiến, mỗi người chia mỗi ngả. Nguyễn Du chọn đi về phương Bắc, khám phá giá trị văn hóa vùng Trung Nguyên (có giống “phượt” ngày nay hay không?). Cuộc hành trình có thể mất đến vài năm trời, gần như đơn độc.
Nói là “gần như” vì trên hành trình đó ông gặp không ít người và có không ít trải nghiệm. Cô đơn tại Trường An, Thành phố Hàng Châu và sách Kim Vân Kiều Truyện, Gặp Đoàn Nguyễn Tuấn, Nỗi niềm khi về lại Thăng Long, Thêm một mối tình (với Hồ Xuân Hương)… - tên các chương sách phác thảo sơ lược một hành trình đầy suy tư.
Tác giả hư cấu mối tình Nguyễn Du - Hồ Xuân Hương cũng dựa trên các bài thơ nổi tiếng của cả hai tác giả này, trong đó có bài thơ từ biệt của Nguyễn Du mà Hồ Xuân Hương chép trong cuốn thơ Lưu Hương ky sau này.
Cuốn sách xây dựng Nguyễn Du như một con người đa cảm. Bất cứ một sự việc nhỏ nào đều có thể đẩy ông trôi theo dòng suy nghĩ miên man và sâu xa.
Trên đường trở về, qua bến đò, Nguyễn Du nhớ mối tình đầu với cô lái đò tên Nhợt ngày xưa, người mà qua thăm hỏi ông biết là đã mất tích. Mối tình được tác giả gắn với bài thơ có câu: “Cây đa bến cũ còn lưa/ Con người năm ngoái năm xưa đâu rồi”.
Mặc dù vậy, có vài đoạn hoặc vài chương tác giả sa vào thuật lại diễn biến lịch sử, chuyện giao tranh giữa các triều đại phong kiến, các “cuộc bể dâu” mà Nguyễn Du vốn chọn đứng ngoài cuộc, nên không đậm đà lắm không khí chuyện kể mà ông muốn tạo ra.
Tác giả cũng trích nhiều bài thơ của Nguyễn Du, có đề tên người dịch, nên dù gắn với các tình tiết cụ thể trong câu chuyện, nhưng cũng không tránh khỏi khiến cuốn sách mang chất tư liệu, khảo cứu.