> Tự vượt cạn rồi vứt con xuống đầm cá
Bác sĩ Trương Gia Bảo - chuyên gia một trung tâm tư vấn sức khỏe sinh sản tại Hà Nội - cho biết, mỗi tối anh nhận được hàng chục cuộc gọi, trong đó quá nửa là thắc mắc về giới tính, tình dục và trong số này đa phần băn khoăn có thai.
"Trong vấn đề hỏi về các biện pháp tránh thai, nổi cộm lên là việc sử dụng viên khẩn cấp. Tình trạng chung của các bạn trẻ là dùng một viên khẩn cấp cho vài ba lần quan hệ tình dục gần nhau", chuyên gia này cho biết. Ví dụ, uống viên khẩn cấp ngay sau lần đầu quan hệ nhưng một số vẫn nghĩ nó còn tác dụng nên ngày hôm sau, ngày hôm sau nữa vẫn tiếp tục làm "chuyện ấy" mà không dùng biện pháp tránh thai.
Viên thuốc khẩn cấp vốn chỉ dùng trong trường hợp "chữa cháy" khi không dùng các biện pháp tránh thai an toàn khác. Tuy nhiên, giới trẻ lại xem nó như một biện pháp tránh thai nghĩ đến đầu tiên.
"Có những em vừa uống viên đầu, ngay ngày hôm sau quan hệ lại uống tiếp viên khẩn cấp nữa. Có em đã đeo bao cao su không may bị rách, không ngại uống thêm một viên khẩn cấp cho an toàn. Một số trường hợp sợ có thai tới mức cứ quan hệ xong là dùng 'viên ngày hôm sau'", chuyên gia tư vấn sức khỏe sinh sản cho biết.
Tác dụng phụ thường thấy của viên khẩn cấp là gây rối loạn kinh nguyệt. Các chuyên gia đã khuyến cáo không nên dùng quá 2 viên cho một tháng, không nên dùng 2 viên quá sát nhau và không nên dùng 2, 3 tháng liên tục. Tuy nhiên khi chậm kinh do tác dụng của thuốc, các bạn gái không biết lại lo lắng, mệt mỏi, bị ra máu liền nghĩ là máu báo thai.
"Các em cần phân biệt máu báo thai chỉ ra một chút, màu nhạt nhờ nhờ, trong khi máu kinh nguyệt đỏ, tanh nồng, còn máu do tác dụng phụ của thuốc lại đen, đóng cục", bác sĩ Bảo nói.
Bên cạnh việc sử dụng "viên ngày hôm sau" vô tội vạ, giới trẻ còn "sáng tạo" ra những cách tránh thai "không tưởng". Trên một diễn dàn, nickname "black.." chia sẻ: "3 viên thuốc tránh thai hàng ngày = 1 viên khẩn cấp". Theo người, "nếu quan hệ mà không có viên khẩn cấp, có thể dùng ngay 3 viên tránh thai hàng ngày vẫn ok", thành viên này nói.
Bác sĩ Trịnh Thị Lan, phòng khám Ngôi nhà tuổi trẻ cho biết, thuốc tránh thai hàng ngày và thuốc khẩn cấp có thành phần, công dụng khác nhau và chưa có cơ sở nào khẳng định "3 viên thuốc tránh thai hàng tháng tác dụng như một viên khẩn cấp".
Trên một diễn đàn giới tính, khá nhiều câu hỏi đại loại như: "Em đã chậm kinh 8 ngày, dùng que thử hiện lên 2 vạch. Liệu em có thai thật không? Anh ấy cam đoan tuyệt đối không có thai rồi mà".
Cô gái này cho biết đã có chuyện "vượt rào" với bạn trai một thời gian đủ dài nhưng chưa bao giờ có những triệu chứng lạ như lần này: ngực căng, chậm kinh, que thử lên 2 vạch... "Xong chuyện ấy, em thấy dính tinh dịch của anh lên 'cô bé' thì anh bảo chạy nhanh vào nhà tắm đi tiểu rồi rửa sạch, sẽ không thể có thai. Đã áp dụng cách này nhiều lần, không hiểu sao lần này lại dính", cô gái trẻ nói.
Bên cạnh suy nghĩ đi vệ sinh, xả vòi nước vào vùng kín, không ít bạn trẻ còn nghĩ tư thế "yêu" đứng hoặc quan hệ xong chạy nhảy sẽ tránh nguy cơ dính bầu vì "tinh trùng sẽ bị rớt ra ngoài".
"Có thể các em đọc đâu đó, đàn ông xuất tinh ngược dòng không thể có con và sau khi quan hệ nếu muốn thụ thai thì phải nằm yên trên giường một lúc để tinh trùng chui vào tử cung. Cho nên người không muốn có thai sẽ nghĩ quan hệ đứng, quan hệ xong thì nhảy nhót, ngồi xổm, xịt nước vào vùng kín cho tinh trùng rớt ra. Thế nhưng, một số tinh trùng khỏe vẫn có thể chui vào kết hợp với trứng để thụ thai", bác sĩ Lan nói.
Các bác sĩ cũng cho biết, một số bạn trẻ còn bôi dầu phật linh lên đầu "cậu nhỏ" khi quan hệ, dùng nước coca hay vắt chanh vào vùng kín... sau khi quan hệ xong. Số khác "sáng tạo" ra cách quan hệ trong bồn tắm nước nóng vì nghĩ tinh trùng sống ở nhiệt độ thấp, khi quan hệ trong bồn tắm nóng sẽ bị chết mà không biết rằng cách này vẫn dễ có thai, lại dễ mắc bệnh vùng kín.
Vì thiếu kiến thức về sức khỏe tình dục, nên đa số các bạn trẻ khi tìm đến bác sĩ, nhà tư vấn là đã ở tình trạng cần "chữa cháy". Nhiều năm làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thành niên, bác sĩ Lan cho biết có khá nhiều trường hợp đến chỗ chị phá thai: "Có những bạn gái trẻ phá thai ở đây 2, 3 lần".
Còn với bác sĩ Bảo, ông cũng nhận được hầu hết các câu hỏi tư vấn trong tư thế bị động. Hiếm có người hỏi "biện pháp nào tránh thai an toàn" mà đa phần đều là "quan hệ như thế này liệu có thai?", "có thai phải làm thế nào?", "mua thuốc phá thai ở nhà được không?"... Nói chung, thường là xảy ra sự việc rồi các bạn trẻ mới cuống cuồng đi hỏi.
"Mới đây, tôi vừa tư vấn cho một trường hợp là cô gái 17 tuổi đang là học sinh, có bạn trai 21 tuổi là sinh viên. Tình dục khá mới lạ đã khiến cô bé này đòi hỏi bạn trai liên tục trong một thời gian dài. Đến khi vùng kín của bạn trai chảy máu không cầm, hai em đã lo lắng vô sinh, không quan hệ được nữa và không biết xử lý ra sao. Vào độ tuổi này nếu không được định hướng kịp thời, nhiều em sẽ đi theo các con đường lệch lạc, chịu hậu quả khó cứu vãn", bác sĩ Trương Gia Bảo nói.
Theo Điều tra quốc gia về “Vị thành niên và thanh niên Việt Nam” lần thứ 2 được Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình công bố, hiện nay nhiều bạn trẻ có quan niệm cởi mở hơn về quan hệ tình dục trước hôn nhân và độ tuổi bắt đầu quan hệ tình dục lần đầu cũng đang có xu hướng trẻ hóa. Có tới 36% thanh thiếu niên ở nhóm 14 - 17 tuổi có quan hệ tình dục.
Tuy "thoáng" khi yêu, song đa số các bạn trẻ chưa chủ động và cũng không biết cách để "bảo vệ" mình. Hơn 1/3 số vị thành niên, thanh niên Việt Nam chưa được tiếp cận các phương tiện tránh thai. Năm 2011, tỷ lệ có con trong nhóm dân số vị thành niên là 46/1.000. Tỷ lệ nạo phá thai ở vị thành niên trên tổng số ca đẻ ước tính khoảng 20%.