Hoàng Ngân chia sẻ giới trẻ cần được truyền cảm hứng để phát triển bản thân.
Thay đổi từ tư duy
Tốt nghiệp Thạc sỹ ở Trung Quốc, và sắp tới sẽ lại học tiến sỹ ở Anh, vì sao Ngân lại “đa mang” cả Đông và Tây?
Tôi muốn mình thực sự đứng trên góc độ sinh viên để cảm nhận hệ thống giáo dục của họ như thế nào, muốn so sánh giữa phương Đông và phương Tây khác nhau ra sao.
Tôi hy vọng khi về nước mình áp dụng được những cái hay, chắt lọc được những gì là tinh hoa của cả hai nền văn hóa cho giáo dục Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, cả nền văn hóa giáo dục của Trung Quốc và Anh cũng có những cái hay, cái dở, công việc của mình là chắt lọc và học hỏi những cái tốt.
Theo Ngân, những cái hay mà mình học được từ nước ngoài có thể góp phần thay đổi giới trẻ theo hướng tích cực được không?
Tôi nghĩ mọi thứ đều có khả năng thay đổi, nhất là những vấn đề liên quan tư duy. Khi con người tiếp thu với cái mới thì tư duy của họ cũng sẽ dần thay đổi và tôi nghĩ giới trẻ chúng tôi cũng vậy. Tôi cho rằng, những người trẻ chúng tôi luôn sẵn sàng đón nhận những luồng khí mới nếu nó thực sự mang lại hiệu quả nhất định cho cuộc sống.
Nhưng sự thay đổi phải đến từ trong tư duy, trong nhận thức chứ không phải bằng sự áp đặt suy nghĩ. Nhiều thế hệ người lớn không hiểu giới trẻ nên hay áp đặt suy nghĩ và mong muốn của mình lên con cái. Điều này đôi khi làm những người trẻ chúng tôi cảm thấy áp lực và muốn “trốn”.
Phải chăng vì muốn góp phần tạo ra sự thay đổi tư duy đó mà Ngân lại đi vào lĩnh vực làm sách cho giới trẻ?
“Mẹ tôi dạy tôi sự lạc quan về cuộc sống, dạy tôi cách nhìn vào những điều tốt hơn là nghĩ mãi về những điều xui xẻo, chỉ cần nỗ lực và kiên nhẫn với chính bản thân mình thì bạn luôn tìm thấy con đường thành công và hạnh phúc. Có lẽ vì thế mà đơn giản với tôi thì người truyền cảm hứng chính là người cho mình sự lạc quan”.
Hoàng Ngân
Tôi chọn loại sách đánh vào tâm lý giới trẻ đang muốn tìm kiếm chính mình, muốn hiểu mình đang nghĩ gì, người khác đang nghĩ cái gì. Tôi cho rằng, nếu nói văn hóa đọc của giới trẻ bây giờ không bằng ngày xưa thì không đúng. Tôi thấy bây giờ các bạn trẻ vẫn thích đọc sách nhưng sự chắt lọc nội dung thì lại khác xưa rất nhiều. Số lượng sách mà chúng tôi bán được khá lớn chứng tỏ rằng nhu cầu đọc của giới trẻ không hề ít. Hầu như những vấn đề chúng tôi đề cập trong sách cũng có thể đã có trên mạng hoặc có những nguồn trên mạng bằng tiếng Anh nhưng các bạn ấy vẫn thích mua sách, tức là họ vẫn thấy rằng việc cầm một cuốn sách trên tay và đọc rất là thú vị. Tôi thực sự thấy trân trọng điều đó.
Cảm hứng lan tỏa
TS. Giáp Văn Dương mới đây có một bài viết với nội dung: "Nhiều bạn trẻ suốt ngày ngồi trà đá “chém gió”, những chuyện mang tính lý tưởng, ước mơ, khát vọng rất ít được nói đến”. Ngân nghĩ gì về quan điểm này?
Tôi cho rằng quan điểm đó chưa toàn diện, có chuyện các bạn trẻ trà đá “chém gió” những chủ đề nhảm nhí, nhưng cũng có nhiều bạn trẻ đang học hành nghiêm túc, đang đi tình nguyện vùng sâu, vùng xa, đang ấp ủ những khát vọng lớn... Cắt nghĩa hiện tượng “trà đá chém gió” không đơn giản là chuyện “nhàn cư vi bất thiện”. Họ chủ yếu là sinh viên rỗi rãi đi “chém gió”, vậy phải đặt câu hỏi: những gì các bạn ấy đang học ở trường có làm các bạn ấy yêu thích không? Điều này liên quan vấn đề chất lượng giáo dục ở đại học.
Tôi cũng từng có những lúc như vậy, đến giảng đường nhưng không muốn học. Đến trường nhiều khi là áp lực chứ không phải là hào hứng. Vấn đề là phải tạo ra sự hào hứng với các bạn sinh viên ấy để các bạn ấy muốn đến trường, muốn lao vào học tập chứ không ngồi trà đá chém gió. Theo tôi, việc truyền cảm hứng cho các bạn trẻ mới là điều quan trọng, hãy để cho họ tự cảm thấy đi học là một điều hứng thú, như một sở thích vậy.
Hình như thời buổi này không hiếm hình tượng để truyền cảm hứng cho giới trẻ?
Khi một xã hội quá xô bồ, có thể diễn ra hai chiều hướng: một là có quá nhiều hình tượng, nhưng những hình tượng đó không có cái gì quá nổi bật để đáng gọi là hình mẫu, hai là không có ai để tạo nên hình tượng hoàn hảo ấy. Việc lấy một hình tượng nào đó để truyền cảm hứng rất khó. Nhưng nếu cảm hứng được truyền đến từ người thật việc thật, từ những điều thực sự đơn giản trong cuộc sống thì không hề hiếm.
Trước đây, tôi rất thích việc đi du học, đi du lịch và tôi luôn lấy đó làm cảm hứng để nỗ lực hoàn thành được những gì tôi thích. Cảm hứng không phải là cách đưa người ta những cái bánh vẽ, mà là từ những gì mình có thể làm được. Không phải là điều lý thuyết chung chung mà đó phải là cảm hứng trong kế hoạch của mình để nó thực sự được lan tỏa.
Người truyền cảm hứng dễ thấy nhất chính là những người gần gũi với mình. Với tôi, người truyền cảm hứng lớn nhất cho tôi là mẹ. Mẹ tôi dạy tôi sự lạc quan về cuộc sống, dạy tôi cách nhìn vào những điều tốt hơn là nghĩ mãi về những điều xui xẻo, chỉ cần nỗ lực và kiên nhẫn với chính bản thân mình thì bạn luôn tìm thấy con đường thành công và hạnh phúc. Có lẽ vì thế mà đơn giản với tôi thì người truyền cảm hứng chính là người cho mình sự lạc quan.
Cảm ơn Ngân.