Trong ngày giải phóng miền Nam 40 năm về trước, không chỉ có chiến thắng oanh liệt, mà còn có nhiều câu chuyện xúc động về tình cảm của người dân Sài Gòn với Bác Hồ – vị cha già dân tộc, người luôn mong muốn hai miền Nam – Bắc sẽ thống nhất, non sông thu về một mối.
Xin gửi tới độc giả những kỷ niệm xúc động mà Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành (nguyên phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam) đã trải qua khi ông trực tiếp ghi lại những hình ảnh lịch sử trong chiến thắng thần tốc năm ấy.
Nhà báo Đinh Quang Thành năm ấy đã 40 tuổi. Ông đang công tác ở Hải Phòng thì nhận được lệnh từ lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam, phải về Hà Nội gấp để làm nhiệm vụ trong cuộc tổng tiến công. Trong quãng thời gian gần hai tháng làm nhiệm vụ của phóng viên ảnh trên chiến trường, ông đã ghi được hàng nghìn hình ảnh lịch sử, hào hùng của dân tộc.
40 năm qua đi, ông bước vào tuổi 80, mái tóc đã bạc trắng, nhưng những kỷ niệm xúc động năm xưa vẫn còn nguyên vẹn trong trái tim ông.
Người Sài Gòn mong muốn thấy hình ảnh Bác
Tháng 3/1975, tôi cùng với 4 đồng nghiệp ở Thông tấn xã Việt Nam hợp thành "Tổ mũi nhọn" (biệt danh do cơ quan đặt), tham gia chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.
Nhận lệnh xong, tôi chỉ kịp gọi điện báo cho vợ đến cơ quan mang giúp tư trang về nhà. Vợ tôi nhanh nhẹn qua mẫu giáo đón hai đứa con sinh đôi đến để tạm biệt cha. Tôi nhận một khẩu súng ngắn, mang theo hai chiếc máy ảnh Rolleiflex và Pentax, khoác ba lô lên đường. Ký ức về miền Bắc trong những năm tháng kiên cường chống chiến tranh phá hoại của giặc, tin tức thắng trận từ chiến trường miền Nam như thúc giục chúng tôi khẩn trương hơn nữa.
Cùng với tổ phóng viên di chuyển trên chiếc xe com-măng-ca, chúng tôi nhập vào các binh đoàn hành tiến thần tốc dọc quốc lộ 1 với tinh thần tất cả để giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Khi tôi vào Dinh Độc lập và lấy được một số tài liệu cần thiết phục vụ cho công tác tuyên truyền, trở ra tới cổng thì gặp một anh thanh niên đi xe máy tiến tới cạnh tôi.
Anh thanh niên còn rất trẻ, chừng ngoài 20 tuổi, rút ra một chiếc đồng hồ nữ còn mới nguyên, nói rằng: “Xin chú đổi cho cháu lấy một đồng tiền có hình Bác Hồ. Đồng tiền nào cũng được, không kể mệnh giá. Cả gia đình cháu đang ngồi chờ ở nhà, đợi cháu đi làm việc này. Gia đình cháu rất mong được nhìn thấy hình ảnh của Bác trong ngày giải phóng”.
Tôi rất xúc động trước tình cảm của người thanh niên ấy và cả gia đình họ đối với Bác Hồ. Nhưng tôi trả lời rằng, tôi là người lính và tôi không được phép đổi đồng tiền lấy chiếc đồng hồ.
Rồi tôi nói rằng, tôi không biết đường tới sân bay Tân Sơn Nhất, nếu bạn đồng ý đưa tôi tới đó làm nhiệm vụ, tôi sẽ tặng gia đình hai đồng tiền có hình Bác. Nói rồi tôi còn sờ lên túi áo ngực kiểm tra xem số tiền mà vợ đưa cho có còn không. Người thanh niên đồng ý ngay, vì nghĩ rằng có thể giúp tôi làm nhiệm vụ.
Ở sân bay lúc ấy ngổn ngang xác máy bay và xe cộ của địch vứt bỏ, tháo chạy. Đường băng thì bị cày nát vì pháo đạn. Tôi nhanh chóng ghi lại những hình ảnh các chiến sĩ băng qua đường băng sân bay truy kích quân địch, rồi lại nhờ người thanh niên đưa trở về Dinh Độc lập.
Về tới Dinh Độc Lập, tôi giữ đúng lời hứa tặng cho gia đình của người thanh niên ấy hai đồng tiền (có mệnh giá 5 đồng và mệnh giá 10 đồng), để họ được thỏa ước nguyện nhìn thấy Bác trong ngày vui lớn của dân tộc.
Lúc ấy, anh thanh niên lại rút chiếc đồng hồ ra đưa cho tôi, nói rằng “chú cầm về tặng vợ”. Nhưng tôi phải từ chối thêm một lần nữa, vì tôi không được phép làm như vậy.
Anh thanh niên cảm ơn rồi nhanh chóng rời đi. Tôi thoáng thấy mắt anh ấy rưng rưng khi nhìn thấy hình ảnh của Bác trên hai đồng tiền còn mới nguyên.
Cảm xúc ấy đến với tôi cũng thật bất ngờ và vẫn còn vẹn nguyên cho tới tận bây giờ. Lúc giải phóng, Bác đã qua đời được 6 năm rồi, thế mà ở thành phố Sài Gòn – một nơi mà người dân chịu nhiều đau thương, chịu nhiều khổ sở như thế vẫn luôn hướng về Bác.
Và, tôi tin rằng còn hàng vạn gia đình khác cũng luôn hướng về Bác. Điều ấy cũng cho thấy rằng, mong muốn của Bác là hai miền thống nhất, non sông thu về một mối cũng là mong muốn của hàng vạn người dân Sài Gòn.
Được người dân Sài Gòn đuổi theo cho quà
Sở dĩ tôi có niềm tin ấy là vì còn một kỷ niệm nữa mà chính tôi được hưởng niềm vui, được hưởng tình cảm yêu mến của người dân Sài Gòn.
Diễn biến trận đánh chiếm Biệt khu thủ đô và Tổng nha cảnh sát VNCH
Đấy là khi tôi đi cùng nhóm xung kích tới cầu Thị Nghè thì gặp một xe tăng của địch đứng giữa cầu bị bên ta bắn cháy. Xe của ta buộc phải dừng lại, vì khi xe của địch bị cháy, súng đạn trong xe nổ văng khắp các khu vực xung quanh.
Tôi nhảy ra khỏi xe chạy đến gần cầu Thị Nghè, định tìm một điểm thích hợp chụp ảnh thì nghe tiếng chân rầm rập của nhiều người chạy theo phía sau.
Lúc ấy, tôi có cảm giác lo lắng và chạy trở lại xe thì những người ấy lại đuổi theo tôi. Họ giữ lấy tôi và mấy người cầm thuốc lá, bánh, kẹo nhét vào trong người tôi. Thì ra, họ là những người dân ở khu vực ấy, khi thấy bộ đội tiến vào họ đổ ra đường chào đón với những tình cảm thật bình dị, nhưng khiến cho anh em chúng tôi rất xúc động. Đồng nghiệp của tôi ngồi trên xe lúc ấy đã chụp được hình ảnh ấy.
Chúng tôi cũng thấy bất ngờ trước tình cảm ấy, bởi vì trước đó trên các đài phát thanh ở Sài Gòn luôn ra rả tuyên truyền xuyên tạc rằng, nếu để Việt Cộng chiếm Sài Gòn thì sẽ có tắm máu trên đường phố. Chúng xuyên tạc nhằm lôi kéo người dân Sài Gòn cũng tìm cách gây khó khăn cho bộ đội giải phóng.
Hóa ra, người dân rất tỉnh táo, họ luôn hướng về Bác Hồ, hướng về miền Bắc. Và những hình ảnh người dân lao tới tặng quà, động viên cho anh em chúng tôi cũng đã đập tan âm mưu tuyên truyền xuyên tạc của kẻ địch.
Tặng bản đồ cho Trung đoàn 66 anh hùng
Kỷ niệm thứ ba là tôi đã tìm được tấm bản đồ hành chính Sài Gòn, tặng nó cho Trung đoàn 66, để rút ngắn thời gian tới các mục tiêu ở Sài Gòn.
Sức mạnh nhân dân và vai trò quần chúng trong chiến dịch Hồ Chí Minh 1975
Chuyện là vào ngày 16/4 giải phóng Phan Rang; đến ngày 18/4 thì tôi lên Đà Lạt với mục đích đi theo quân đoàn 3 vì nghĩ có thể sớm vào Sài Gòn. Nhưng lên đến nơi thì các đồng chí ở quân đoàn 3 cho biết là quân đoàn 2 sẽ vào Sài Gòn sớm hơn, vì thế chúng tôi trở về đường 1 đi cùng quân đoàn 2.
Trong quãng thời gian ngắn ngủi ở Đà Lạt, chúng tôi có đến Nha địa dư quốc gia của chính quyền Sài Gòn lúc ấy, và vào nhà máy in.
Khi vào xưởng, tôi thấy có mấy đống giấy xếp ở góc và lật ra xem thì phát hiện đó là những tấm bản đồ hành chính Sài Gòn. Mỗi tấm bản đồ ấy to chừng bằng chiếc chiếu ăn cơm, được cắt thành 4 mảnh. Tôi lấy hai bộ bản đồ cho vào túi, và khi về tới quân đoàn 2 thì tôi tặng 1 tấm bản đồ cho Trung đoàn 66.
Lúc bấy giờ, Trung đoàn 66 đang phân công các mũi tấn công vào Sài Gòn, nhưng lại chỉ có bản đồ tác chiến chứ không có bản đồ hành chính, nên không biết thật rõ về các đường đi.
Trung tướng Phạm Xuân Thệ (lúc bấy giờ là Phó Chỉ huy Trung đoàn 66) đã nói rằng, nhờ có tấm bản đồ của Nhà báo Đinh Quang Thành mà chúng tôi biết được từ rừng cao su Dầu Giây đi bao nhiêu cây số thì đến ngã ba Biên Hòa; rẽ hướng nào và đi bao nhiêu cây số thì vào đến Sài Gòn. Rồi khi bắt được tướng Dương Văn Minh và đưa sang đài phát thanh đọc lời đầu hàng thì nhờ có tấm bản đồ ấy để biết được đoạn đường sang đài phát thanh xa hay gần, có cần xe bảo vệ hay không.
Chưa bao giờ nghĩ đến cái chết
Ở miền Bắc, mình không thấy mặt quân thù, vì nó ngồi trên máy bay ném bom, thoát đến thoắt đi. Còn ở chiến trường miền Nam thì phải đối mặt với quân địch, chậm một chút thì mình chết, nhanh hơn một chút thì mình sống.
Khi đánh vào Sài Gòn có 5 mục tiêu chính phải khóa chặt là: Dinh Độc Lập, Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu, Tổng nha Cánh sát, Đài phát thanh tiếng nói Sài Gòn. Tôi được đi cùng Binh đoàn thọc sâu của quân đoàn 2, gồm có Lữ đoàn xe tăng 203 và Trung đoàn Bộ binh 66 của Trung đoàn 304.
Hành trang của chúng tôi chỉ là chiếc ba lô với máy ảnh, những cuốn phim và cây bút viết, chứ không được tập bắn súng và thao luyện chiến đấu.
Phóng viên ảnh hoàn toàn khác với những người viết, vì họ phải xông lên cùng các mũi tấn công đầu tiên để chụp được những hình ảnh quan trọng nhất trong các cuộc tấn công của bộ đội ta. Có những thời khắc mà chỉ cần chậm chưa tới 1 giây thôi là sẽ mất ngay hình ảnh của lịch sử.
Trong suốt cả chuyến đi trong bom đạn ác liệt ấy, tôi chẳng bao giờ nghĩ đến cái chết. Mình cũng có biết lúc nào mình sẽ chết đâu, ra trận là làm nhiệm vụ, và lúc nào cũng phải xin được đi cùng các mũi tiên phong.
Tôi còn sống và trở về đó là một sự may mắn, vì trong cuộc chiến đấu ác liệt những năm ấy, chỉ riêng Thông tấn xã Việt Nam đã có 265 người hy sinh. Không chỉ phóng viên mà cả những điện báo viên cũng hy sinh. Vì khi điện báo viên phát tin về Hà Nội thì máy bay của địch ở trên cao có thể bắt được sóng. Chúng sẽ thả bom đúng vào chỗ có tín hiệu, và như vậy thì cả điện báo viên và phóng viên cũng hy sinh (vì thường là điện báo viên chuyển tin thì có một phóng viên đứng cạnh để đọc nội dung).
40 năm qua đi, những ký ức, những kỷ niệm đầy tự hào của một thời lịch sử vẫn còn vẹn nguyên trong trái tim của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - Nhà báo Đinh Quang Thành.