“Người hay cãi” và những bài báo của Tổng Bí thư

TP - “Làm Tổng biên tập rất bận công việc quản lí nên ít có thời gian, nhưng đã làm báo thì phải viết. Viết được thì nói anh em mới nghe. Trong đời người ta nhớ tới cây bút chứ ai nhớ lãnh đạo tờ báo. Mà mỗi người cũng chỉ để lại trong lòng người ta một ấn tượng thôi...”
Tổng Biên tập Hữu Thọ: "Viết mà bắt mạch được xã hội thì lý thú lắm".

Ông Hữu Thọ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân Dân, chia sẻ với Tiền Phong nhân ngày 21-6.

Nói vậy, nhưng cuộc đời làm báo của mình, ông để lại nhiều ấn tượng: Một Tổng biên tập giỏi nghề, một cây bút sắc sảo, một “người hay cãi” được nhiều người biết.

Ông Hữu Thọ tiết lộ về chuyện Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh viết báo Nhân Dân:

Tổng bí thư viết báo chống tiêu cực cũng có người can ngăn

Tôi nhớ như in hôm đó là 24-5-1987, vào khoảng 5h chiều, những người làm theo giờ hành chính chuẩn bị ra về, tòa soạn chỉ còn tôi và ban thư ký trực thì đồng chí thường trực ở cổng 71 Hàng Trống đưa vào một phong thư nói là của một người đứng tuổi gửi Ban Biên tập.

Hữu Thọ nguyên là Tổng Biên tập báo Nhân Dân, nguyên Chủ nhiệm Khoa báo chí của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng các khoá VII, VIII, Ủy viên Ủy ban đối ngoại Quốc Hội các khoá IX, X, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (1995-2001); nguyên Trợ lý Tổng Bí thư ( 2001-2006).

Ông vẫn muốn được gọi là NHÀ BÁO kể cả khi đang giữ các trách nhiệm trong bộ máy lãnh đạo. Cho đến nay, Hữu Thọ là tác giả của 21 cuốn sách, như “Người hay cãi”; “Theo bước chân đổi mới”; “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”...

Trong phong bì có thư đề gửi Ban Biên tập báo Nhân Dân và một bài báo viết tay. Bức thư thì ký tên Nguyễn Văn Linh, nói rõ là gửi bài báo và “nếu các đồng chí thấy được thì đăng” còn bài báo có đầu đề “Những việc cần làm ngay” ký tên NVL”.

“Sau này tìm hiểu tôi được biết dưới bài báo tác giả ký tên tắt để mọi người tham khảo, thấy đúng thì làm, không bị lệ thuộc vào địa vị người viết. Nghĩ là việc rất hệ trọng cho nên dù được ủy quyền nhưng tôi vẫn hội ý nhanh với một phó tổng biên tập khác.

Và Ban Biên tập đã quyết định đăng ngay trong số báo ra ngày hôm sau trên trang nhất, đóng khung và đó cũng là ngày mở đầu chuyên mục “Những việc cần làm ngay”.

Ông là TBT, ông có biên tập chữ nào trong bài viết của Tổng Bí thư?

Tôi không biên tập chữ nào. Bài thứ hai đăng ra ngày 26-5-1987 “đánh” thẳng vào việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Thời điểm đó, nhiều đơn thư tố cáo của công dân gửi đi không có hồi âm nên tác giả NVL đã dùng khái niệm “Im lặng đáng sợ” để chỉ biểu hiện vô cảm, vô trách nhiệm, phớt lờ ý kiến của nhân dân.

Bài báo đó nêu đúng thực trạng cho nên dù được dân hưởng ứng, nhưng lại “khiến cho một số cán bộ băn khoăn”. Viết đến bài thứ hai thì đã có người khuyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nên dừng lại.

Chính Tổng Bí thư nói công khai chuyện này trên báo Nhân Dân ngày 10-7-1987: “Có đồng chí khuyên tôi nên thôi vì có bao nhiêu việc cần làm, sao phải hăng hái chống tiêu cực như vậy. Nhưng tôi vẫn cương quyết. Cần đưa các nhân tố mới lên lấn dần tiêu cực, nhưng đồng thời vẫn phải quyết liệt chống tiêu cực thì nhân tố mới mới có đất sống, giống như ta nhổ cỏ, diệt sâu thì lúa mới mọc lên được”.

Tổng Bí thư viết báo chống tiêu cực mà vẫn có người ngăn còn với Hữu Thọ - Tổng Biên tập báo Nhân Dân khi viết bài chống tiêu cực có bị ngăn cản, đe dọa không?

Tôi ủng hộ báo chí và tham gia viết bài đấu tranh chống tiêu cũng có người điện thoại dọa.

Đi họp gặp đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, tôi kể lại chuyện này, anh Lê Khả Phiêu nói: Họ còn gọi điện doạ cả tôi. Ai cũng biết, lúc đó số điện thoại của Tổng Bí thư có công khai đâu, chỉ có một số cơ quan biết. Như vậy, có thể người đe dọa lại chính là cán bộ chức cấp không nhỏ.

“Viết đúng nhưng mà đau”

Ông là Tổng Biên tập báo Nhân Dân nhưng vẫn lại được gọi là “Người hay cãi” khi viết rất nhiều bài báo giàu tính chiến đấu và phản biện. Ông không sợ bị “thiệt thòi” sao?

Theo thế giới tổng kết thì “hay cãi” là một trong 8 nguyên nhân không thành đạt.

Nhưng một nhà tư bản người Nhật lại nói một câu rất hay rằng: Nếu tôi chọn trợ lý là những người luôn đồng ý với tôi thì chỉ mình tôi nghĩ là đủ. Cho nên phải chọn những người hay cãi để mình suy nghĩ và làm tốt hơn. Doanh nhân vì lợi ích của doanh nhân còn như thế nữa là bộ máy của ta. Nhưng thông thường thì người hay cãi vừa bị ghét, vừa lại được tôn trọng. Không ai tôn trọng kẻ xu nịnh, họ có yêu là yêu một số kẻ tay sai, dễ bảo.

Nhưng cãi không phải dễ. Tôi thường chọn lối viết phiếm chỉ, có tính khái quát, lan toả rộng. Có người ghét nhưng không dám ra mặt vì ra mặt chống đối thì khác nào anh tự nhận mình xấu.

Tôi biết có một thứ “văn hoá để bụng”. Khi mình viết mà bắt mạch được xã hội thì lý thú lắm. Lúc tôi đi công tác Hà Nam Ninh (cũ), đến thăm nhà người bạn vong niên nguyên là Bí thư Tỉnh ủy. Ông ấy kể cho nghe rất nhiều chuyện tiêu cực trong tỉnh.

Tôi hỏi: “Lúc anh làm Bí thư sao không giải quyết những chuyện này?”. Ông ấy bảo: “Lúc làm có biết đâu, biết thì không để thế”. Tôi mới viết bài có cái đầu đề là “Biết” đăng trên báo Nhân Dân , đại ý càng lên cao tưởng mình biết nhiều nhưng hoá ra lại biết ít. Một đồng chí lãnh đạo cao cấp đọc bài xong bảo: Viết đúng nhưng mà đau quá.

Thời đó, một cán bộ là tỉnh ủy viên, phó chủ tịch UBND tỉnh được bổ sung vào Ban Thường vụ làm Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh, về mặt chức thì cao hơn (thường vụ), nhưng lại không lợi lộc bằng.

Không lợi lộc vì khi đang làm phó chủ tịch thì được suốt ngày ký duyệt cho tiền, khi làm trưởng ban Tuyên giáo lại phải ký giấy xin tiền.

Chuyện đó cũng là tâm lý xã hội tìm đến nơi lợi lộc cho nên anh Lê Huyền Thông viết bài: “Em lạy anh” để phản ánh hiện tượng không phải cá biệt này. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã đưa bài báo này ra thảo luận ở Ban Bí thư nêu ra vấn đề cán bộ thích vào nơi quyền lực.

Sau loạt bài “Những việc cần làm ngay” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, việc tiếp nối cái dòng chảy đó như thế nào?

Khi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thôi viết trên mục “Những việc cần làm ngay”, tôi có hỏi ông vì sao không viết nữa, ông nói “mình quá nhiều việc bận, viết để làm mồi thôi”.

Tổng Bí thư đã mồi rồi thì báo chí phải tiếp tục cái đà ấy. Và từ “Những việc cần làm ngay” đã trở thành phong trào trong mỗi cơ sở, mỗi địa phương, mỗi ngành.

Rất nhiều việc tồn đọng, gây bức xúc được giải quyết. Đó là những ngày rất sôi nổi với các nhà báo và toàn xã hội.

Đó là một sự kiện báo chí ghi dấu ấn trong lịch sử báo chí và còn có ý nghĩa tới ngày nay khi báo chí ra sức tiếp tay thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về những vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng.

Từ kinh nghiệm làm tổng biên tập của ông, theo ông làm thế nào để báo phát triển những cây bút và phát triển tờ báo?

Tổng biên tập muốn mọi cây bút đều giống mình là nguy hiểm. Một tờ báo phải có những cây bút có phong cách riêng. Ý tưởng phải thống nhất, nhưng phong cách thì đa dạng. Tổng Biên tập mà đi chữa văn là hỏng.

Đừng hy vọng bài nào cũng hay, nhưng không được có bài viết dở. Mỗi bài báo phải có chi tiết hay, ý tưởng mới.

Tổng biên tập không thể đọc hết báo cho nên sự tin cậy và xây dựng được đội ngũ các trưởng ban, trưởng trang chuyên môn quan trọng lắm, tất cả phải như một dàn đồng ca.

Cũng phải xem trọng vị trí của người thường trực lễ tân và trả nhuận bút, vì đó là hai vị trí thường trực tiếp xúc với bạn đọc và cộng tác viên.

Sau hôm giải phóng miền Nam, nhạc sỹ Phạm Tuyên đến báo Nhân Dân xin bác bảo vệ già vào gặp Tổng biên tập Hoàng Tùng để hát cho ông nghe bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.

Bác bảo vệ không biết Phạm Tuyên đã không cho vào, thế là mất sự giao lưu của lãnh đạo tờ báo với những nghệ sỹ tâm huyết.

Làm sao để “mỗi tờ báo là một ao ước của nhân dân”

Với tư cách một bạn đọc, ông có nhận xét gì về báo chí hiện nay?

Đọc báo bây giờ thông tin phong phú hơn, đa dạng hơn nhưng thông tin không nhiều chiều.

Nhiều tờ báo chủ yếu nói chuyện trên xuống, chủ yếu phổ biến, giải thích, quán triệt, ít chú ý chiều dưới lên, phản ánh chính sách trong thực tế, phản ánh lòng dân, chỉ có chiều tung, ít có chiều hoành.

Mạng xã hội phát triển nhanh hơn, đa dạng hơn đặt ra vấn đề báo chí hiện nay có khả năng chi phối xã hội không? Nếu không thông tin nhanh, mở rộng thông tin nhiều chiều, xông vào những vấn đề bức xúc của xã hội thì không thể chi phối, hướng dẫn dư luận xã hội.

Tôi quan sát ở quầy báo, cùng với việc cổ vũ nhân tố mới, nhận thấy bạn đọc thích những tờ báo dám chống tiêu cực và phản biện. Nếu làm được như thế thì mỗi tờ báo là một “ước ao của nhân dân” như Bác Hồ nói.

Ông nghĩ gì về câu “báo chí là quyền lực thứ 4" trong bối cảnh bây giờ?

Báo chí không có quyền ra lệnh cho ai nên làm sao có quyền lực được. Nói quyền lực thứ 4 theo tôi là cường điệu, nhưng báo chí là một thế lực, nằm trong ba thế lực đang chi phối xã hội là Chính trị, Tài chính và Truyền thông.

Thế lực báo chí tạo dư luận xã hội có thể là tiền đề của hành động đám đông và khuyến khích các thị hiếu. Người Hàn Quốc có yêu nước đến mấy cũng không dám so sánh mỹ phẩm Hàn Quốc với mỹ phẩm Pháp.

Nhưng chỉ ở Việt Nam, mỹ phẩm Hàn Quốc mới bán chạy hơn Pháp vì rất nhiều người Việt Nam xem phim Hàn Quốc.

Truyền thông là một thế lực quan trọng nên chúng ta phải quân tâm. Như văn kiện Đại hội 6 của Đảng đã viết: “Báo chí phải tạo dư luận lành mạnh ủng hộ Đổi mới”. Bây giờ có nhiều tập đoàn tư nhân bắt đầu tham gia vào lĩnh vực truyền thông.

Tôi nhớ một câu thế này: Nhân dân thì mua báo, còn những tập đoàn tài chính thì mua chủ báo. Họ mua được chủ báo là mua được cả ngôn luận của tờ báo để chi phối xã hội. Cho nên vai trò của Tổng biên tập rất quan trọng.

Thời ông làm Tổng biên tập báo Nhân Dân, đã bao giờ đối diện với những hành vi mua chuộc Tổng biên tập?

Thời tôi cũng có chuyện mua chuộc, nhưng mà là “mua chuộc” bằng tình người. Nhưng tôi nhận thấy mua chuộc bằng tiền hay tình người đều có sức nặng như nhau.

Ngày ấy, anh Phạm Sỹ Chiến - Viện trưởng VKS Quảng Ninh có mắc sai phạm, báo Nhân Dân có bài đấu tranh, thì ông Bí thư tỉnh uỷ Quảng Ninh lúc ấy nói với tôi: “Anh ấy là công nhân chịu khó học luật được thăng tiến như thế là khá lắm rồi”. Nghe ông nói thế, tôi rụt lại. Nếu lúc đó, báo đấu tranh tiếp thì chắc chắn anh Phạm Sỹ Chiến không lên Viện phó VKS Tối cao và dính vào vụ Năm Cam.

Xin cảm ơn ông.

Phùng Nguyên
Thực hiện

Theo Báo giấy