Người già, trẻ nhỏ nhập viện gia tăng vì giá rét

TP - Miền Bắc những ngày này rét hại, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, đặc biệt người già và trẻ nhỏ. Lượng bệnh nhân nhập viện có dấu hiệu gia tăng. Phần lớn trẻ mắc bệnh đường hô hấp, người cao tuổi nhập viện vì bệnh huyết áp, tim mạch, hô hấp.
Bệnh nhân cao tuổi điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực BV Bạch Mai sáng 25/1.

Ngày 24/1, PGS.TS Đào Minh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết, 100 giường bệnh tại khoa luôn kín bệnh nhi nhất là trong những ngày trời trở rét đậm như hiện nay. Tại khoa Khám bệnh cũng tiếp nhận nhiều trẻ bị viêm đường hô hấp, đặc biệt là viêm phổi. Các bác sĩ cho biết đây là bệnh rất dễ mắc ở trẻ nhỏ, tiến triển nhanh mà không có triệu chứng đặc hiệu khiến việc nhận biết khó khăn.

Tại khoa Hô hấp, số lượng bệnh nhi nhập viện vì viêm phổi luôn chiếm tỷ lệ cao, phần lớn dưới 5 tuổi. Phần lớn trẻ em bị viêm đường hô hấp trên, cảm lạnh, sốt cao và tiêu chảy phải nhập viện. Có bệnh nhi vài tháng tuổi đã phải cấp cứu vì viêm phổi nặng. Đáng lưu ý, nhiều cháu do bị cha mẹ ủ ấm quá mức nên nóng toát mồ hôi, khiến trẻ bị nhiễm lạnh. 

Thống kê của Bệnh viện Nhi T.Ư cho thấy, số trẻ nhập viện những ngày qua đang có dấu hiệu tăng nhưng chưa mạnh. Mỗi ngày có khoảng 1.500 trẻ đến thăm khám, tăng 15-20% so với bình thường. Theo đúng quy luật, rét kéo dài hàng tuần trẻ nhập viện sẽ tăng ồ ạt sau đó.

Tại khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), sáng 25/1 lượng bệnh nhân khá đông. Tuy nhiên, số trẻ nhập viện tăng khoảng 30% so với bình thường. Trung bình mỗi ngày có khoảng 150-180 trẻ nhập viện. Dự báo nếu rét còn kéo dài số trẻ nhập viện sẽ tăng trong thời gian tới. Trẻ chủ yếu mắc các bệnh về hô hấp, sốt virus.

Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) 2 ngày qua trong tình trạng quá tải. Nhóm người dễ bị tác động nhất trong thời tiết rét đậm những ngày qua là người cao tuổi, bệnh lý tim mạch, cao huyết áp, phổi tắc nghẽn mãn tính… Sau khi được cấp cứu bệnh nhân được chuyển đến các khoa chuyên môn để tránh quá tải cho khoa cấp cứu. TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trong 3 ngày rét đậm vừa qua có hơn 20 bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim. Số bệnh nhân bắt đầu tăng nhưng không dồn dập. Bệnh nhân nhập viện chủ yếu là người già, người mắc bệnh mãn tính. Hiện 45 giường bệnh khoa Hồi sức tích cực kín chỗ.

Đảm bảo dinh dưỡng, tránh ra ngoài trời khi nhiệt độ thấp

Với thời tiết rét đậm, rét hại trong những ngày tới, PGS.TS Đào Minh Tuấn khuyến cáo, cần đặc biệt lưu ý trẻ dưới 6 tháng tuổi còn yếu, bệnh rất dễ chuyển biến nặng nếu không được chữa trị ngay từ đầu. Với trẻ còn nhỏ việc phát hiện bệnh khó nên cha mẹ cần lưu ý 3 dấu hiệu là: bú, ngủ và cách thở của trẻ. Nếu thấy con bú ít hơn ngày thường, khóc khi bú hoặc quan sát thấy bé thở nhanh, ngực lõm hơn bình thường, đầu gật gù thì cha mẹ cần đưa con đi khám sớm vì có thể bệnh đã diễn biến nặng. Ngay cả khi trẻ ngủ nhiều hơn bình thường, cũng có thể do bị bệnh.

Ở trẻ sơ sinh, sốt và ho không phải là những dấu hiệu quan trọng. Những trẻ lớn hơn cũng cần được đảm bảo chế độ dinh dưỡng để đủ năng lượng chống lại nhiệt độ thấp. Không nên cho trẻ ra ngoài trời khi nhiệt độ thấp. Tốt nhất cho trẻ mặc nhiều lớp áo mỏng để giữ nhiệt và chống gió lùa cũng như có thể cởi bỏ dần từng lớp áo nếu trẻ ra mồ hôi.

Những bé có tiền sử viêm mũi dị ứng, hen, viêm tiểu phế quản cần được đặc biệt quan tâm. Nếu bé có biểu hiện ho, khò khè, quấy khóc, bỏ ăn, bỏ bú thì cần được đưa nhập viện  ngay. Không ít phụ huynh chủ quan để trẻ ở nhà 2-3 ngày, khi vào viện thì đã viêm phổi. Tuyệt đối không nên sử dụng than đá, than củi để sưởi ấm cho trẻ, vì hơi than tỏa ra rất độc.

Bác sĩ TS Trần Viết Lực, Phó Trưởng khoa Khám Bệnh Bệnh viện Lão khoa T.Ư cho biết, trong 2 ngày qua khi nhiệt độ tại Hà Nội xuống thấp, lượng bệnh nhân đến khám và điều trị có dấu hiệu tăng lên. Nhiệt độ thấp, người cao tuổi rất dễ mắc các bệnh như: viêm phổi, cảm lạnh, cúm với bệnh cảnh tiến triển nặng rất dễ dẫn đến viêm phổi. Những người có bệnh huyết áp cao, tim mạch cũng dễ bị tiến triển bệnh nặng lên dẫn tới đột qụy.

TS Lực khuyến cáo người cao tuổi cần đảm bảo đủ năng lượng, giữ ấm cho cơ thể. Đặc biệt lưu ý những người bị huyết áp hạn chế đi ra ngoài vào sáng sớm và tối vì lúc này nhiệt độ rất thấp, ra ngoài gặp lạnh dễ gây đột qụy. 

Với trẻ còn nhỏ việc phát hiện bệnh khó nên cha mẹ cần lưu ý 3 dấu hiệu là: bú, ngủ và cách thở của trẻ. Nếu thấy con bú ít hơn ngày thường, khóc khi bú hoặc quan sát thấy bé thở nhanh, ngực lõm hơn bình thường, đầu gật gù thì cha mẹ cần đưa con đi khám sớm vì có thể bệnh đã diễn biến nặng.