Theo lời kể của bệnh nhân H (46 tuổi), cách đây không lâu, sau một lần uống rượu cùng bạn bè, do hơi quá chén nên anh đã ngủ quên mà vẫn ngậm tăm. Sáng hôm sau, anh vẫn đi làm bình thường. Đến ngày thứ 2 sau hôm uống rượu, anh H. thấy bụng hơi khó chịu nhưng lại nghĩ là do hậu quả của việc quá chén.
Cho đến khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng đau vùng hạ sườn trái suốt 2 tuần mà không rõ nguyên nhân, anh H. đến Trung tâm chẩn đoán Y khoa MEDIC tại TPHCM để thăm khám. Tại đây, các bác sĩ phát hiện dị vật có hình dạng một cây tăm nằm trong nhu mô lách, một đầu cắm vào rốn lách, nguy cơ sẽ xuyên thủng động mạch lách. Ngay lập tức, anh H. được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Bình Dân trong cùng ngày.
Nhận định đây là một trường hợp dị vật đường tiêu hóa đâm xuyên lách vô cùng hiếm gặp, các BS Khoa Ngoại Gan- Mật- Tụy BV Bình Dân đã ê-kíp quyết định tiến hành phẫu thuật nội soi để rút dị vật cho người bệnh. Sau gần 2 giờ đồng hồ nỗ lực tìm kiếm cẩn thận vì lá lách vốn là một nội tạng chứa đầy máu, chỉ cần sơ sẩy là có nguy cơ xuất huyết ồ ạt phải chuyển mổ mở, cuối cùng các bác sĩ đã rút được dị vật là cây tăm xỉa răng dài 6cm. Ngay tại thời điểm rút được cây tăm, dịch mủ đục vốn do cơ thể phản ứng với dị vật đã trào ra, đây cũng là một trong các lý do khiến ông H. đau âm ỉ liên tục 2 tuần.
“Thông thường, các dị vật đường tiêu hóa sẽ cắm vào hoặc xuyên thủng tại đường tiêu hóa tại các vị trí như dạ dày, ruột non, đại tràng, trực tràng… và đi vào ổ bụng. Dị vật sắc nhọn xuyên thủng ống tiêu hóa ra ổ bụng hoặc tạo những ổ nhiễm trùng trong lồng ngực, ổ bụng và có thể khiến người bệnh tử vong.”, các BS cho biết.
Theo đó, tùy thuộc vào từng trường hợp mà người bệnh sẽ được nội soi trong ống tiêu hóa, nội soi ổ bụng hoặc mổ mở để đưa dị vật ra ngoài, khâu chỗ thủng và điều trị các tổn thương như áp xe, hoại tử do dị vật gây ra. Hiếm gặp hơn là các trường hợp dị vật đường tiêu hóa xuyên vào gan, túi mật gây áp xe gan, mật và buộc phải phẫu thuật cắt bỏ một phần gan, túi mật.
Trong năm 2018, Bệnh viện Bình Dân tiếp nhận điều trị cho hơn 20 trường hợp nuốt các dị vật như tăm, xương cá, xương gà, xương heo. Đáng lưu ý hầu hết các trường hợp nuốt phải tăm xỉa răng mà không biết mình đã nuốt phải dị vật vốn quen thuộc nhưng vô cùng nguy hiểm này. Các bác sĩ Bệnh viện Bình Dân khuyến cáo người dân cần lưu ý khi ăn uống, đặc biệt là cần bỏ các thói quen như nhai xương, ngậm tăm. Khi vừa nuốt phải xương tuyệt đối không cố nuốt thêm thức ăn, uống nước với mục đích làm “trôi” vì dị vật có khả năng gây tổn thương niêm mạc ống tiêu hóa dẫn tới nhiễm trùng và gây biến chứng nguy hiểm, người bệnh nên đến bệnh viện để thăm khám và thực hiện một số khảo sát hình ảnh để chẩn đoán. Những người bệnh đau khu trú, âm ỉ bụng, cần gặp gỡ một bác sĩ chuyên khoa ngoại tổng quát để tìm rõ nguyên nhân và điều trị triệt để như ca hiếm gặp nêu trên.