Vừa cập bờ, hay tin giàn khoan Hải Dương 981 và tàu Trung Quốc dịch chuyển ra khỏi vùng biển của Việt Nam, ngư dân Trần Sanh (68 tuổi), thuyền trưởng, chủ tàu QNa 91259 nói: “Hy vọng Trung Quốc không lặp lại việc làm sai trái, để bà con ngư dân chúng tôi yên ổn làm ăn trên ngư trường của mình”.
Vào bờ, chưa kịp nghỉ ngơi thuyền viên trên tàu đã bắt tay vào vá lưới, chuẩn bị ngư cụ, chờ bão tan sẽ lại tiếp tục ra Hoàng Sa đánh bắt. Kinh nghiệm từ những chuyến đi biển, các ngư dân cho biết, từ nay họ sẽ luôn sát cánh bên nhau đi theo tổ đội đoàn kết để vừa hỗ trợ nhau đánh bắt hiệu quả, vừa giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, nguy hiểm.
Trong số 10 tàu cá vừa trở về, tàu QNa 90448 công suất 700CV do ông Trần Văn Kỳ (Tam Quang, Núi Thành) làm thuyền trưởng mang trên mình thương tích nặng nề nhất. Tàu bị tàu vỏ sắt Trung Quốc đâm cắt mũi suýt chìm vào sáng ngày 12/7 khi đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, cách giàn khoan 981 khoảng 20 hải lý. Sau cú đâm, toàn bộ phần mũi tàu bị biến dạng, thân tàu rạn nứt, nước ngấm vào hầm máy. Thuyền viên trên tàu phải khắc phục tại chỗ để tiếp tục bám biển.
Thuyền trưởng Kỳ kể: Ngày 21/6 đội tàu đoàn kết của ngư dân Núi Thành xuất bến. Đến sáng ngày 23/6, khi đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, hơn 40 tàu vỏ sắt của Trung Quốc từ phía giàn khoan bắt đầu xuất hiện, chia ra vây ráp tàu cá ngư dân Việt Nam. Là tổ trưởng đội tàu đoàn kết, ông Kỳ nhanh chóng chỉ huy các tàu khác khôn khéo vòng tránh.
Ngày 28/6, ngư dân Trần Văn Chinh, thuyền viên của tàu trong khi đang thả neo để né tránh tàu vỏ sắt Trung Quốc đã bị gãy chân, phải chuyển vào bờ cấp cứu. 15 giờ ngày 11/7, tàu QNa 91108 do ông Huỳnh Ngọc Tuấn (39 tuổi) làm thuyền trưởng bị tàu vỏ sắt Trung Quốc cố tình áp sát đâm va. Do phải chạy hết tốc lực để né tránh, tàu chết máy đột ngột. “Lúc tàu tôi chết máy, tàu vỏ sắt vẫn liên tục áp sát. Nếu không có tàu KN 765 tiến lại ứng cứu, xua đuổi tàu Trung Quốc, tàu chúng tôi có thể đã bị đâm chìm”, ông Tuấn cho biết. Nỗ lực khắc phục bất thành, buộc phải nhờ tàu KN 765 lai dắt vào bờ.
Sáng 12/7, khi các tàu cá của ta đang đánh bắt thì bị 18 tàu vỏ sắt Trung Quốc áp sát, tông va. Trong số đó, có tàu Hải cảnh mang số hiệu 46102. Lúc 9h15, tàu QNa 90448 bị 3 tàu vỏ sắt Trung Quốc to lớn vây hãm. Hai tàu áp sát từ phía sau tông lên, riêng tàu vỏ sắt mang số hiệu 06610 của Trung Quốc đâm chính diện vào mạn phải. Tàu vỏ sắt 06610 của Trung Quốc to gấp 4 – 5 lần chồm hẳn và cắt ngay trước mũi tàu. Cú đâm khiến tàu QNa 90448 chao đảo, bị thương tích nặng. Các tàu Trung Quốc chỉ rút khi tàu Kiểm ngư của ta gần đó tiến lại gần, ứng cứu.
Theo ngư dân đội tàu Núi Thành, trong vòng 1 tháng bám biển, tàu Kiểm ngư luôn sát cánh cùng ngư dân, nhờ đó giảm thiểu được thiệt hại. Riêng tàu KN 765 nhiều lần ứng cứu, giải vây tàu cá ngư dân khỏi vòng vây tàu vỏ sắt Trung Quốc to lớn. “Đi theo tổ đội đoàn kết, tăng sức mạnh cho chúng tôi trong việc đánh bắt và bảo vệ nhau” - ngư dân Võ Quang Thái, thuyền trưởng tàu QNa 91939,
cho biết.
Gìn giữ những lá cờ ở Hoàng Sa cho thế hệ sau
Thuyền trưởng Huỳnh Ngọc Tuấn xếp lá cờ Tổ quốc đã rách một cách cẩn thận. Lá cờ bị rách sau những lần tăng hết tốc lực để thoát vòng vây tàu Trung Quốc. Ông Tuấn cho biết, từng lá cờ đó sẽ được ông cất làm kỷ niệm để sau này cho con cháu biết được nỗi gian nan và cả sự hy sinh của cha ông bám biển giữ ngư trường.
Ngày 16/7, phát biểu tại Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá về kỳ họp thứ 7. Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, tiếp xúc cử tri sau kỳ họp vừa qua bà con đến dự rất đông, rất quan tâm đến hoạt động của Quốc hội. Đặc biệt, cử tri rất đồng tình với Quốc hội trong việc xử lý vấn đề biển Đông. “Bản lĩnh của Quốc hội về vấn đề biển Đông thể hiện rõ nét nhất là bài phát biểu khai mạc, bế mạc của Chủ tịch Quốc hội, công thư của Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại”, ông Giàu phân tích và cho rằng việc Quốc hội dành ngân sách 16 ngàn tỷ đồng cho lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển, hỗ trợ ngư dân đóng tàu lớn cũng được cử tri đánh giá cao.
Nguyễn Tuấn