Ngư dân phải làm gì khi bị 'tàu lạ' quấy rối trên biển?

TPO - Nếu đang đánh bắt trên vùng biển Việt Nam mà bị “tàu lạ” quấy rối thì việc đầu tiên ngư dân phải hết sức bình tĩnh, dùng điện thoại quay phim, chụp hình, ghi lại số hiệu tàu, hình dạng tàu quấy rối và gửi cho cơ quan chức năng liên quan.

Sáng 29/8, tại TP. Tuy Hoà, UBND tỉnh Phú Yên đã phối hợp với Báo Pháp luật TP.HCM tổ chức diễn đàn “Đáp lời ngư dân”. Diễn đàn nằm trong khuôn khổ chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” do Báo Pháp luật TP.HCM tổ chức trong 3 năm (từ 2023 - 2025) tại 28 tỉnh, thành có biển trong cả nước.

Ban tổ chức diễn đàn "Đáp lời ngư dân" trả lời các câu hỏi của ngư dân Phú Yên. Ảnh: T.G.

Diễn đàn có sự tham dự của ông Trương Hòa Bình (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch danh dự của Chương trình) cùng nhiều lãnh đạo của tỉnh Phú Yên, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và đông đảo bà con ngư dân tỉnh Phú Yên.

Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình trao quà cho ngư dân (ảnh trên) và trao học bổng cho con các ngư dân. Ảnh: T.G.

Diễn đàn đã tập trung vào một số vấn đề “nóng” như: Tình hình quản lý đánh bắt thủy hải sản, ngăn ngừa và xử lý tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) để chung tay gỡ thẻ vàng EC với ngành hải sản Việt; các cơ chế - chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi hiểu luật, bám biển bình an…

Bên cạnh đó, diễn đàn còn giải đáp cho ngư dân các vấn đề liên quan đến việc ứng xử như thế nào khi gặp "tàu lạ" gây rối trên biển.

Trả lời vấn đề này, ông Trương Thiên An - Phó Chính ủy Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên, cho biết: Tất cả các phương tiện đều phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; trong đó có chức năng cảnh báo khi vượt ra khỏi giới hạn cho phép, tức là tàu cá khi đánh bắt xa bờ thì phải tuân thủ quy định của luật pháp Việt Nam và quốc tế. Đây là bằng chứng để xác định tàu cá đang hoạt động ở vị trí nào, cũng như cảnh báo kịp thời khi tàu có nguy cơ xâm phạm vùng biển nước ngoài.

Ông Trương Thiên An - Phó Chính uỷ Bộ đội Biên phòng Phú Yên, giải đáp thắc mắc của ngư dân. Ảnh: T.G.

Vì vậy, nếu tàu cá đang đánh bắt nằm trên vùng biển Việt Nam mà bị “tàu lạ” quấy rối, theo ông Trương Thiên An thì việc đầu tiên bà con ngư dân phải hết sức bình tĩnh; dùng điện thoại quay phim, chụp hình, ghi lại số hiệu tàu, hình dạng tàu quấy rối. Sau đó, bà con gửi tất cả hình ảnh trên và vị trí tàu đang hoạt động về cho cơ quan chức năng và gia đình để làm bằng chứng, bảo vệ quyền lợi cho ngư dân.

“Trong trường hợp này, bà con không được ký bất cứ văn bản nào cho dù ép buộc. Cơ quan chức năng căn cứ bằng chứng, hình ảnh mà bà con gửi về, sẽ đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho ngư dân”, ông An chia sẻ.

Ông Lê Tấn Hổ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, kêu gọi ngư dân cùng gỡ "thẻ vàng"

Tại diễn đàn này, ông Lê Tấn Hổ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết: Từ năm 2019 đến nay, tàu cá tỉnh Phú Yên không vi phạm đánh bắt tại vùng biển nước ngoài. Vì thế, ông Hổ kêu gọi và đề nghị toàn hệ thống chính trị cùng bà con ngư dân trong tỉnh phải thống nhất nhận thức, quyết liệt hành động trong việc góp phần cùng cả nước sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu.

Nhân dịp này , ban tổ chức chương trình đã tặng 200 phần quà (mỗi phần trị giá hơn 4 triệu đồng) cho 200 hộ ngư dân trên địa bàn tỉnh Phú Yên, bao gồm: Một bình acquy + đèn led, một cẩm nang “Những điều cần biết về đánh bắt hải sản”, một túi thuốc gia đình phục vụ cho ngư dân ra khơi và một hộp combo pin Con Ó, cùng một số thực phẩm khác. Ngoài ra, chương trình còn dành tặng 25 suất học bổng (mỗi suất 2 triệu đồng) cho con em ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học giỏi .