Ngôn ngữ của ẩm thực

TP - Mới xuất hiện một nhà hàng Việt chuyển từ Paris sang Bỉ bán đồ ăn nhanh gần thành phố tôi ở. Bún bò, phở, gỏi cuốn đủ cả. Tôi nằm viện sinh con, mấy người bạn thay nhau đến nhà hàng mua cơm mang vào tiếp tế, còn dặn “Chủ quán bảo cần nấu món gì lợi sữa, cứ yêu cầu”. Khác gì đang ở quê nhà.

Bạn tôi nói tiếng Anh, chủ quán gốc Việt chỉ nói tiếng Pháp, vẫn làm đúng yêu cầu bún chả, chả lá lốt, miến vịt... Anne lôi điện thoại di động ra “Hai lần sang Việt Nam du lịch, món nào ngon cũng chụp ảnh lưu, chỉ cần lôi ảnh ra chỉ là êm”.

Còn Rachel tả “Gấp tờ báo lại quạt quạt, mặt nghiêng nghiêng miệng phù phù, đưa tay giả vờ quệt mắt, lau nhọ”. Chủ nhà hàng sau này kể lại “Mấy giây đầu ngây người không hiểu. Vợ phải nhắc: Giời ạ, nó bảo quạt chả đấy. Mời bố vào bếp làm bộ trưởng bộ khói um”.

Có lần tôi đến thấy một phụ nữ Bỉ bước vào, nhòm từng khay thức ăn trong tủ kính mãi. Bà hỏi bằng tiếng Hà Lan, chủ quán không hiểu, bà quay ra một vị khách đang chọn món “Anh nói được tiếng Pháp không? Hỏi giúp tôi sao hôm nay không thấy món thịt đen đen cùng quả trứng đen đen”. Thịt kho tàu đây mà.

Khách nói một đằng, chủ ngôn một nẻo, lâu dài có ổn không? Tạm thời mọi việc vẫn hanh thông, mới thuê du học sinh Việt bán hàng. Lần đầu tôi thấy kiểu bán cơm theo cân theo lạng. Chủ quán đắc chí “Tôi từng nấu ăn cho nhà hàng Hoa ở Paris nhiều năm rồi, bán theo suất chóng đóng tiệm lắm. Tây đặc biệt Tây đen ăn khỏe như voi, cứ chìa ra xin thêm cơm, thêm bún. Mình phải khôn ra, ăn nhiều cân nhiều, khỏi phải ngôn”.

Trung tuần tháng 9 năm nay người Bỉ tổ chức một Lễ hội ẩm thực mới toanh có tên gọi “Barrio Cantina” - dành riêng cho thức ăn đường phố (food truck). Ẩm thực đường phố không chỉ nhanh, dễ, rẻ mà còn ngon miệng và rất sáng tạo.

Hai thành phố đầu tiên tổ chức lễ hội này là Ghent (12 - 14/9) và Antwerp (19 - 21/9) bày biện trên những bánh xe lăn biết bao nền ẩm thực đa dạng: từ quầy taqueria bán món tacos - bánh sandwich trứ danh của người Mexico cho đến chiếc xe có gắn bếp và hệ thống nồi xoong bốc khói nghi ngút - phở Việt Nam! Điều này có nghĩa chỉ cần nói một từ “phở”, người nước ngoài liên tưởng ngay Việt Nam và ngược lại.

Ẩm thực vừa dễ hiểu vừa nhạy cảm. Nó không chỉ là văn hóa, ngôn ngữ, mà còn là tôn giáo. Mấy năm nay tôi rất thích xem chương trình ẩm thực Komen Eten (tạm dịch: Đến nhà ăn cơm) dành cho người yêu thích nấu ăn, muốn khoe tài bếp núc và nơi ở của mình lên truyền hình.

Một lần đầu bếp nổi tiếng Piet Huysentruyt đãi khách món tôm hùm tươi. Ông đặt con tôm còn rói nước và run rẩy càng lên thớt, chỉnh dao trên đầu tôm cho cân và phập một cái. Ngay lập tức, Hội bảo vệ động vật đòi làm việc với giám đốc kênh truyền hình: Phản cảm chứ ngon lành gì, ý thế. Chưa hết. Một nhân viên hải cảng tham gia chương trình, anh mời nhóm thủy thủ Philippines vẫy tay chào khán giả truyền hình cho xôm, nào ngờ mấy tay này hét “Xin chào. Chúng tôi ăn thịt chó đấy. Nấu món này mời khách đi”.

Không đủ tự tin tham gia “Komen Eten” nhưng khách khứa ra vào nhà tôi ăn uống hàng tuần cũng có, nào người Bỉ, Đức, Pháp, Ba Lan, Ma rốc... Tôi mạnh dạn phở, bún bò, hủ tiếu, nem rán, bò kho đãi khách.

Phở và nem rán dễ ăn nhất. Bún bò có pha chút mắm ruốc Huế cánh đàn ông trung niên mạnh dạn thử, khen ngon. Khen cũng có khi xã giao, nhưng mỗi khi đến nhà chơi lại yêu cầu “bún bò Huế” nghĩa là biết ăn thật rồi, tấm tắc “sao mà đậm đà nhiều hương vị” thật lòng rồi. Riêng chàng thanh niên 21 tuổi Noe lắc đầu “Chịu. Ngửi mùi đã khó”.

Có lẽ phải đến một độ tuổi nhất định nào đó, vượt qua những trải nghiệm nhất định người ta mới đủ bản lĩnh và đủ vốn sống để biết thế nào là vị ngon của một món ăn. Canh mãi mới đến mùa giảm giá, tôi hớn hở vác về chiếc nồi áp suất Đức (giảm 70%, chỉ còn 60 Euro) để ninh xương nấu phở.

Thomas, anh bạn Hà Lan bảo bây giờ người châu Âu ít dùng loại nồi này, rồi tự nhiên nước mắt anh chảy ra “Chị làm tôi nhớ bà ngoại quá. Ngày xưa bà hay dùng nồi này ninh đậu Hà Lan cho các cháu ăn”.