Ngỡ sốt đau đầu thông thường, bé trai hôn mê do phù não

TPO - Bệnh nhi được đưa đến bệnh viện trong tình trạng sốt cao liên tục, co gồng co giật toàn thân và méo miệng, tổn thương thần kinh mặt, tay chân yếu liệt nhưng qua thăm khám triệu chứng màng não lại không xác định được bệnh cảnh rõ ràng.

Ngày 24/4, thông tin từ Bệnh viện (BV) Nhi đồng Thành phố HCM cho biết BV vừa tiếp nhận và điều trị thành công cho bệnh nhân L.Q.H  (13 tuổi, ngụ Đức Hòa, Long An) bị viêm màng não mủ, mủ lấp đầy màng sọ, chèn ép gây phù nặng mô não, doạ tụt não.

Theo lời kể của người nhà,  trước khi nhập viện, em bị sốt, đau đầu 3 ngày, vẫn đi học đều, đến ngày thứ 4 sốt cao, đau đầu nhiều và ói nhiều và gồng cứng tay chân. Khi được gia đình đưa đến BV địa phương thì bệnh nhi đã lơ mơ, không tiếp xúc, chuyển đến Bệnh Viện Nhi Đồng Thành phố em đã vào hôn mê do phù não nặng, được đặt ống giúp thở, chống phù não và chụp CT khẩn chẩn đoán.

Trước khi nhập viện, em bị sốt, đau đầu 3 ngày, vẫn đi học đều, đến ngày thứ 4 sốt cao, đau đầu nhiều và ói nhiều và gồng cứng tay chân. 
Kết quả siêu âm và chụp CT, phát hiện có tụ mủ dưới màng cứng lượng nhiều, chèn ép não và đè xẹp não thất bên phải. Các bác sĩ hội chẩn ê kip Ngoại Thần Kinh quyết định mổ khẩn tháo rửa và dẫn lưu mủ cho em, đồng thời mở sọ giải áp.

“Mở hộp sọ là chỉ định nhằm giải áp vì phần não phù sẽ ép lên phần não lành khiến máu không thể lên nuôi não sẽ gây tổn thương não nhiều, nặng hơn. Các trường hợp chấn thương sọ não hoặc nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương nhiều và phù não, mất sọ hoặc hư sọ, chấn thương máu tụ cần bỏ một phần sọ ra ngoài để não bớt phù. Não phù giống như hiện tượng cơm sôi, buộc phải bỏ nắp ra để cơm cạn thì hộp sọ cũng hệt như vậy”, các BS cho biết.

Sau phẫu thuật ổn định, các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực của BV tiếp tục tiến hành kiểm tra dịch màng não tủy, kết quả dịch não tủy của trẻ đã như nước dừa non, protein tăng cao 4-5 lần ở trẻ bình thường, bạch cầu lấp đầy dịch não tủy... 

Hiện sức khỏe bệnh nhi đã ổn định. Ảnh BVCC

Bé đã được sử dụng kháng sinh đặc biệt có thể thấm vào màng não với liều cao hơn so với bình thường, truyền tĩnh mạch dài ngày, theo dõi hậu phẫu thần kinh phức tạp sát sao, chụp phim CT kiểm tra sau mổ đầy đủ.
Sau gần hai tuần điều trị, được dẫn lưu mủ, vết mổ của bé hoàn toàn ổn định. Em tỉnh táo, nhận biết được cha mẹ, tay chân yếu liệt dần hoạt động lại được và đang tập vật lý trị liệu khả quan. Tuy nhiên vẫn phải chuyển Khoa Nhiễm điều trị và theo dõi.

Nhận định của các BS cho biết đây là một ca bệnh cực kì nguy cấp theo nhận định của các bác sĩ bởi triệu chứng thần kinh khởi phát sớm và rầm rộ, nguy kịch tử vong nhanh chóng nếu không được xử trí kịp thời.