Nghệ thuật trị liệu

TP - Các nghệ sĩ giải thích về múa chuyển động trị liệu: “Chúng tôi không dạy mọi người múa hay các bước múa, và họ cũng không phải tập tành gì cả, vì đó là những điệu múa từ bên trong”.
Vở diễn Dynamo tại Brick Theatre, Brooklyn. Ảnh: Kelly Stuart.

Từng làm phim, học tâm lý rồi chuyển qua sân khấu tại Đại học Sarah Lawrence College (New York), làm việc 2 năm như nghệ sĩ rối bóng tại Mỹ, thiết kế đồ họa sân khấu, và hoạt động điều phối nhóm Múa chuyển động trị liệu, Phạm Trang Mỹ Linh (Trang Linh) muốn được gọi là nghệ sĩ trình diễn thử nghiệm, người kể chuyện tự do.

Múa chuyển động trị liệu (Múa CĐTL) là bộ môn mới mẻ ở Việt Nam, nhiều người lầm tưởng đó là các khóa học múa nhưng theo định nghĩa của Hiệp hội Múa CĐTL Hoa Kỳ đây là liệu pháp tâm lý sử dụng chuyển động cơ thể làm trung tâm kết nối cảm xúc - suy tưởng và tâm linh để giúp mỗi cá nhân hàn gắn, kết nối và phát triển. Thạc sĩ Múa CĐTL Bùi Tuyết Minh, người đã cùng Trang Linh thực hiện một số dự án giải thích thêm “chúng tôi không dạy mọi người múa hay các bước múa, và họ cũng không phải tập tành gì cả, vì đó là những điệu múa từ bên trong”.

Trang Linh (Bìa phải) đang diễn tại Brick Theatre, Brooklyn.

Nghệ thuật có giá trị trị liệu

Tốt nghiệp phổ thông, có học bổng đi Mỹ, ban đầu Trang Linh chọn ngành tâm lý và học song song văn bằng 2 sân khấu. Bước sang năm thứ hai ngành tâm lý học thần kinh đòi hỏi tập trung nghiên cứu chuyên sâu, Linh quyết định từ bỏ để theo hẳn sân khấu. Tại trường, Trang Linh được đào tạo thành nghệ sĩ rối bóng cùng các kỹ năng sân khấu khác như tạo hình, viết kịch bản, dàn dựng. Ở Mỹ, Linh từng tham gia nhiều workshop (khóa học) hướng dẫn trẻ em, đối tượng dễ tổn thương hoạt động nghệ thuật.

Tại khóa học “Quyền được viết” trong nhà tù ngoại ô New York, Trang Linh nhận làm việc cùng nhóm 15 nam thanh niên tuổi từ 19-23. Tại đây cô sinh viên châu Á, trẻ măng nhỏ xíu giúp các tù nhân tìm được giọng nói để kể câu chuyện của họ.  Bài học đầu tiên: “tên của bạn mang ý nghĩa gì”, những lần khác thì mỗi người tự hình dung mình hóa thân thành con vật hoặc đồ vật nào đó. Trang Linh khá bất ngờ vì nhiều người trong số những chàng trai ít chịu bày tỏ lại có khả năng viết tốt như nhà báo. Dự án “Quyền được viết” quyền được nói, sau đó tập hợp các bài viết và xuất bản thành sách. Trải nghiệm 3 tháng cùng các tù nhân luyện viết trong sự giám sát nghiêm ngặt của các giám thị với Trang Linh là “tò mò và ấn tượng”.

Đối tượng tù nhân và các em học sinh mà Linh hướng dẫn viết, dựng kịch có điểm chung là người da màu, gốc Mỹ La Tinh, dân nhập cư, nghèo khổ. Đa số họ mang mặc cảm bị đối xử không công bằng, “mãi mãi thấp kém”. Có những em được bố mẹ gửi sang Mỹ sống nhờ họ hàng, chưa có quyền công dân, văn hóa khác biệt các em bị rơi vào trầm cảm, dễ tổn thương. Trang Linh kể “Tôi không làm chức năng trị liệu, tránh đưa ra lời khuyên mà khuyến khích họ bày tỏ, diễn đạt cảm xúc. Kịch cho bạn thoải mái bày tỏ cảm xúc, phóng đại, hài hước giúp giải tỏa. Tạo ra mối liên kết, tình bạn khiến mọi người cởi mở, dễ thâm nhập vào nhóm bạn học mới.

Tổng kết Hành trình “Lột xác”  Hà Nội. Ảnh: Kinergie S.

Nhảy múa tốt hơn thiền định

Trở về nước vào tháng 2 năm nay, Trang Linh đã nhập cuộc luôn với Nhóm Múa CĐTL VN của Thạc sĩ Bùi Tuyết Minh, kịch và múa rối dựa trên nền tảng chuyển động.

Ở vị trí điều phối viên hai khóa học “Lột xác” và “Nhảy múa từ trái tim”, Linh nhận thấy lớp đầu không thành công như lớp thứ hai. “Lột xác” thiết kế không khí trầm lắng để các thành viên tìm đến trạng thái yên tĩnh, lấy lại cân bằng. Còn “Nhảy múa với trái tim” dựa trên nguyên tắc “ngôn ngữ cơ thể là của mình, không quan trọng đúng sai”. Cốt lõi là chuyển động và có sự thống nhất giữa cơ thể và tâm trí. Mọi người tự làm con rối đạo cụ, cùng diễn và  vui vẻ nhảy múa. Sự kìm nén được phá bung và hiệu ứng có ngay lập tức. Trang Linh chia sẻ, tại các khóa học ở phương Tây, phương pháp thiền định có kết quả đáng kể, thế nhưng ở Việt Nam CĐTD lại có tác dụng hơn, nhất là với dân văn phòng đầy áp lực.

Anh Hoàng Thế Minh (kỹ sư xây dựng) từng tham gia khóa học bày tỏ về Múa CĐTL: “Cái này rất mới, tôi làm về xây dựng, ít liên quan đến nghệ thuật nên thấy tò mò. Phần nội dung mà Trang Linh thiết kế kết hợp chuyển động khá thuyết phục. Sau 4 buổi, tôi từ một người bình thường đã thành nghệ sĩ nghiệp dư”. Chị Phan Thị Diệu Linh (nhân viên văn phòng) nhận thấy: “Đỡ căng thẳng, có thêm động lực để làm việc sáng tạo. Hàng ngày mình bắt đầu quan tâm đến những điều nhỏ hơn và với người xung quanh. Tôi thấy thực sự khác biệt”.

Sắp tới nhóm Múa CĐTL VN sẽ cộng tác cùng doanh nghiệp xã hội để mở một số khóa cho trẻ em, cộng đồng yếu thế, dễ tổn thương. Trang Linh đang hào hứng chuẩn bị chuyến đi sáng tác lưu trú tại  Đắk Nông cùng dự án “Chụng-Đụng-Chạm”. Theo đề án, cô và một số nghệ sĩ ngành khác từ Hà Nội thuộc nhóm “Tạo hình”, còn nhóm “Tạo tiếng” từ địa phương. Rối bóng có thể sẽ kể câu chuyện về con người và buôn làng nào đó ở Đắk Nông.

Bên cạnh những kế hoạch công việc kín lịch, Trang Linh vẫn ấp ủ thực hiện dự án tương tự “Quyền được viết” tại một trại cải tạo ở Việt Nam. “Cuối tháng 7 tới, sau khi kết thúc phần việc trong “tuần lễ phòng chống buôn bán người” với Hagar International (Tổ chức phi lợi nhuận làm việc vì lợi ích của phụ nữ và những nhóm người yếu thế), tôi sẽ bắt tay vào viết đề án”.