Nghệ sỹ Chu Lượng: Hoài cổ rối và xe

TP - Cũng chỉ có một cuộc đời, cũng lỉnh kỉnh chuyện cơm áo… thế mà Chu Lượng vẫn tiết kiệm đủ thời gian và sức lực để chơi hai thứ tốn kém: Chơi rối và chơi xe. Khác với người đời cứ loay hoay cách tân, rồi phá cách, người đàn ông có dáng vẻ bụi phủi này hễ cứ đụng vào thú chơi, lại một mực tìm về xưa cũ.

Tranh: Nguyễn Xuân Hoàng

Chu Lượng là cái tên quen thuộc đối với những ai yêu nghệ thuật rối nước ở Việt Nam. Anh đã xác lập kỷ lục Guinness Việt với thành tích: Người sáng tạo nhiều con rối nhất, trong 5 năm đã làm ra hơn một ngàn con rối với màu sắc, chất liệu, kích thước, đề tài… khác nhau, từ hình ảnh người nông dân thuần phác tới nàng công chúa Đại Việt, các vị thần tứ bất tử Việt Nam... Theo thói thường, đáng ra anh phải khoe về chiến công này. Xứ ta vốn chuộng kiểu đứng đầu ồn ào: Bánh chưng to nhất, bánh dày lớn nhất, áo dài dài nhất… thế thì làm được nhiều con rối nhất có tự hào tưng bừng cũng là hợp lẽ. Nhưng Chu Lượng đủ tự trọng của người làm nghề chân chính: “Đó chỉ là số lượng, có khi người vẽ một ngàn bức tranh cũng chẳng bằng người cả đời chỉ vẽ một bức. Tôi không nghĩ về số lượng, chỉ trăn trở mình đã làm mới được cái gì để nâng con rối lên tầm cao hơn”.

Sau cuộc triển lãm sắp đặt rối nước “Nhân gian” (năm 2007), anh đã giúp cho những người làm nghệ thuật ở những lĩnh vực khác nhau phải nhìn vào múa rối nước bằng ánh mắt khác, ngay cả những người trong nghề, bao nhiêu năm làm rối, đã có dịp dừng lại để chiêm ngưỡng vẻ đẹp đích thực của nó “giống như người đàn bà giản dị nhưng vẻ đẹp tiềm ẩn bên trong họ sau bao năm mới khiến người ta nhận ra”, Chu Lượng ví von. Anh đã say đắm “người đàn bà giản dị mang vẻ đẹp tiềm ẩn” ấy ba mươi năm nay.

Đành rằng, rối nước, ai cũng biết, là một trong những loại hình sân khấu hiếm hoi sống ổn hiện nay. Nhà hát múa rối Thăng Long, nơi Chu Lượng đảm nhiệm vị trí Phó Giám đốc, có địa thế rất đẹp, ngay bên Hồ Gươm, thu hút đông đảo khách nước ngoài tìm đến. Nhưng nếu chỉ vì chuyện cơm áo gạo tiền thì sự say mê chắc cũng đoản thọ, chỉ có tình yêu không toan tính mới giúp Chu Lượng đi qua những thăng trầm của đời sống mà vẫn thủy chung cùng rối.

Tôi không nghĩ về số lượng, chỉ trăn trở mình đã làm mới được cái gì để nâng con rối lên tầm cao hơn.

Nghệ sỹ Chu Lượng

Nhiều người nổi tiếng có “sự tích” bén duyên với nghề khá li kì, còn Chu Lượng bén duyên với rối đúng kiểu hồn nhiên như… rối. Theo truyền thống gia đình, anh học họa để trở thành họa sỹ. Anh không theo học những trường mỹ thuật danh giá của Thủ đô mà lọ mọ tới Hòa Bình hòa nhịp cùng anh em các dân tộc thiểu số ở Trường nghệ thuật Tây Bắc. Học xong, trở về Thủ đô, bon chen kiếm việc giữa nơi đất chật, người đông, thấy Nhà hát múa rối tuyển người, anh vào thi, trúng tuyển, làm diễn viên. Tạm cất giấc mơ hội họa, Chu Lượng lao vào rối, rồi rối tung cuộc đời, không thể bứt ra…

Ít ai biết nghệ sỹ múa rối nổi tiếng này đã từng kiếm đủ kế để sinh nhai: Chơi đàn ở các quán bar, vẽ chân dung truyền thần, mở studio ảnh viện… Đó là những năm tháng anh không sống được bằng nghề. Nhà hát múa rối Thăng Long, từng có thời kỳ chuẩn bị giải tán nhưng lửa nghề đã giúp họ trụ vững, anh em cùng nhau đóng góp tiền để gây dựng lại cơ đồ.

Bây giờ nhà hát luôn sáng đèn, một ngày diễn 5, 6 suất. Các tour du lịch đặt xem múa rối trước cả năm… Cuộc sống ổn định, tên tuổi đã đóng đinh nhưng khát vọng về rối nước của Chu Lượng vẫn không chịu ngủ. Mấy ngày nữa, nghệ sỹ sẽ bảo vệ luận văn thạc sỹ liên quan đến múa rối. Anh còn dự định viết một cuốn sách để rối nước ngày càng đến gần hơn với những người yêu nó. Và thao thức về giấc mơ rối cạn…

Nghệ sỹ Chu Lượng

Còn lâu mới bằng các cụ

Chu Lượng đang sống trong ngôi biệt thự ở một làng Hà Đông. Đi từ nhà đến cơ quan 16 cây số. Trong khi giá xăng cao, giao thông tắc nghẽn, điều kiện kinh tế đủ để tậu một nơi ở gần trung tâm hơn nhưng Chu Lượng vẫn thích sống ở làng. Anh giải thích, bởi nơi đây có những hàng xóm đáng yêu như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chẳng hạn. Song sâu xa hơn có lẽ do bản tính Chu Lương thích gần gũi tự nhiên, mong muốn giữ lại chút trong trẻo, nguyên sơ của tâm hồn. Anh cho rằng, vẻ đẹp của những con rối nằm ở sự hồn nhiên. Vậy người sáng tạo những con rối nếu thiếu hồn nhiên chắc cũng nên bỏ nghề? Đã từng có lúc, trong những cơn thất vọng, chán chường của đời sống nghệ thuật, Chu Lượng thử phá phách gương mặt con rối. Nhưng rồi, sau những thử nghiệm, anh nhận ra mình đã sai lầm. Phải trả rối về với truyền thống. Rối nước trong thuở hồng hoang chỉ là “lặp lại hành động trồng lúa của người nông dân trên cánh đồng”, đơn giản vậy mà có sức sống mãnh liệt. Muốn phá phách rối nước đâu dễ vì cấu trúc của nghệ thuật múa rối nước đã được thẩm thấu qua ngàn năm đến giờ đã định hình bền vững, khó có thể thêm hoặc bớt cái gì. “Vẫn những trò rối nước đó, vẫn những nghệ nhân ấy, truyền từ đời này sang đời khác, họ vẫn biểu diễn cho dân làng xem, những đứa trẻ vẫn thích. Ngay bản thân tôi cũng thế, vẫn chỉ mấy trò chăn vịt, câu cá, đi cấy đi cày… cứ xem đi xem lại sự đón nhận vẫn mới tinh”, Chu Lượng nói đầy phấn khích.

Trò chuyện với nghệ sỹ ngay tại quán cà phê ở cơ quan anh trong âm nhạc rối nước rộn ràng, nhà hát đang chuẩn bị chương trình tham gia liên hoan quốc tế múa rối, tổ chức tại Hà Nội vào năm sau. Sau triển lãm “Nhân gian” Chu Lượng còn tham dự hai cuộc liên hoan quốc tế ở Hà Nội. Những vở có sự tham gia của anh đều giành giải cao nhất nhưng anh vẫn tự ti: “Còn lâu mới bằng các cụ”. Ngay cả sự làm mới rối nước, Chu Lượng cũng dè dặt: “Mình chỉ làm mới trên nền tảng của các cụ”. Gần một năm nay anh đang cùng một sư thầy giúp ngôi làng dưới chân núi chùa Thầy gây dựng phường rối. Bởi ở nơi thờ đức thánh tổ Từ Đạo Hạnh, theo dân gian truyền tụng, ngài đã dạy cho dân làng loại hình múa rối nước đến ngày nay, lại không có rối. Chu Lượng tạo dựng phường rối nước theo đúng truyền thống, đề cao sự hồn nhiên, thuần khiết, trong sáng: “Tôi không tạo dựng để họ sống bằng nghề múa rối mà tạo dựng cho họ trò chơi giống như các cụ ngày xưa, để giải trí lúc nông nhàn, lễ hội…”.

Đừng bắt rối “gánh nặng”

Chu Lượng hài hước nói về sự phát triển của rối tư nhân hiện nay: “Người người làm rối, nhà nhà làm rối”. Nếu quản lí không tốt, sự nở rộ của rối về lượng sẽ dẫn đến sự suy giảm về chất. Ngay như cách kết hợp rối nước với ẩm thực một số nơi đang làm, nghệ sỹ cũng thấy chướng: “Xem múa rối là xem múa rối, cũng như xem kịch, xem opera… Vừa ăn vừa xem múa rối, thử hỏi có ra gì?”. Anh thấy thương con rối thời nay bị gánh quá sức: “Đừng nghĩ nghệ thuật múa rối cao siêu. Bây giờ ta hay khoác lên nó quá nhiều thứ, chẳng hạn bắt con rối phải đi tuyên truyền giao thông, sinh đẻ có kế hoạch… Hãy trả cho rối vẻ đẹp vốn có của nó, trả rối về đời sống của nó. Ngày xưa rối vốn chỉ là một trò chơi, giống như chơi diều, đẽo quay, pháo đất…”. Trước sự tấn công của nhiều loại hình nghệ thuật, nhiều thú vui tiêu khiển, khiến múa rối bây giờ chỉ còn là “món đặc sản” với khách nước ngoài. Sự thương mại hóa múa rối nước đang diễn ra, nhiều người đổ xô vào làm, để kiếm lời từ nó, nguy cơ rối mất đi sự hồn nhiên quá rõ ràng. Lời kêu gọi của Chu Lượng cũng là tiếng kêu cứu của rối.

Hiện nay, Chu Lượng tham gia giảng dạy ở Trường Sân khấu Điện ảnh Hà Nội về bộ môn múa rối nước. Anh thừa nhận thực trạng không mấy vui vẻ, quá hiếm người trẻ đam mê múa rối nước. Nhưng Chu Lượng không bi quan... Anh nhớ lại cuộc triển lãm rối nước tại Hoa Kỳ, năm 2007: “Có rất nhiều câu hỏi của các nhà văn hóa Mỹ và nhiều nước khác khiến tôi ngỡ ngàng, bởi họ nhận ra vẻ đẹp tuyệt vời của rối nước, mà chưa chắc người Việt đã nhận ra. Họ muốn tránh xa ồn ào để trở về bản tính hồn nhiên hòa nhập”. Chu Lượng đang trở về và chúng ta cũng đang trở về: “Tôi cho rằng chỉ có cội nguồn mới cho phép chúng ta tự do là chính chúng ta. Trên cuộc hành trình trở về, tôi đang cố gắng nói với các bạn, với chính tôi-những đứa con của thời đại, rằng: Con đường trở về gần nhất, thênh thang nhất, hạnh phúc nhất, say đắm nhất chính là sự đơn sơ, thuần khiết Cội Nguồn”.

Chơi xe, vẽ bạn

Cùng với chơi rối, Chu Lượng còn nổi tiếng là “tín đồ” xe cũ. Anh đang sở hữu hai chiếc xe jeep cũ. Những con “la già” được anh cưng chiều ngay cả khi còn phục vụ chủ nhân lẫn khi về hưu. Anh không muốn bán xe cũ, mà để lại ở vườn nhà làm kỷ niệm. Vì đam mê nên nghệ sỹ chịu khó mày mò tìm hiểu, chỉ cần “la già” có triệu chứng trở bệnh là anh lại kịp thời “điều trị”.

Một năm nay Chu Lượng dành thời gian trở lại với hội họa, anh đang vẽ chân dung bạn bè thân thiết, vẫn trên tinh thần của người vẽ tranh cổ động. Anh đặc biệt thích thú với bức vẽ Nguyễn Quang Thiều. Ít ai biết vị quan văn này từng đánh trống, chơi đàn bầu, đổ nước vào thủy đình, lau sàn… khi Chu Lượng biểu diễn ở Mỹ, cần sự trợ giúp.