Nghề giáo 'xuống giá': Liệu tăng lương có xong?

TPO - Thu nhập chính đáng đến từ lương của nghề giáo thấp cùng sự đánh giá xã hội đi xuống làm cho sức hấp dẫn của ngành sư phạm không còn. Sự “xuống giá” của nghề giáo bị cho là tỉ lệ thuận với sự bế tắc của cải cách giáo dục.
Ông Nguyễn Quốc Vương, nghiên cứu sinh ngành giáo dục lịch sử, Đại học Kanazawa (Nhật Bản)

Có quá nhiều điều bất thường xung quanh bức tranh điểm chuẩn các trường đại học năm nay. Trong khi điểm trúng tuyển các trường khối công an, quân đội, y dược cao ngất ngưởng, mức chuẩn của nhiều trường sư phạm lại tụt dốc thê thảm.

Phóng viên tiền phong đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Quốc Vương, Nghiên cứu sinh ngành giáo dục lịch sử, Đại học Kanazawa (Nhật Bản).

Điểm cao không nói lên điều gì

PV: Theo ông, việc nhiều ngành/trường ĐH Sư phạm lấy điểm thấp, đơn cử điểm chuẩn 12,75 của ĐH Sư phạm Huế tính theo quy chuẩn đồng nghĩa việc sẽ có trường hợp thí sinh chỉ đạt 1,5 điểm môn chính, tức môn các em sẽ dạy sau này. Cùng với đó, nhiều trường, ngành cũng chỉ lấy 15,5 điểm (mức thấp nhất) cho ngành sư phạm. Ông đánh giá việc này ảnh hưởng chất lượng giáo dục như nào?

NCS Nguyễn Quốc Vương: Nó cũng là hiện tượng đáng lo vì đề thi thực ra không khó lắm. Đối với môn Lịch sử chẳng hạn, đề thi đa phần yêu cầu thí sinh ghi nhớ hoặc hiểu ở mức độ đơn giản. Vì vậy chuyện thí sinh có điểm số không cao cũng nói lên nhiều vấn đề về khả năng học của các em.

Tuy nhiên, lật ngược lại vấn đề thì bao nhiêu năm qua chúng ta tuyển được thí sinh vào ngành sư phạm có điểm số rất cao nhưng rồi chất lượng giáo dục có được nâng lên không? Chúng ta có thêm nhiều giáo viên giỏi thực sự không hay chỉ có số học sinh giỏi và giáo viên giỏi được nhận giấy khen trong các cuộc thi tăng lên ngày một nhiều?

Nghề giáo cần tinh không cần nhiều. Không nên đào tạo ào ạt khối các ngành sư phạm khi nhu cầu về giáo viên không lớn.

NCS Nguyễn Quốc Vương

Điều tôi muốn nói ở đây là chuyện điểm thi đầu vào tuy có ảnh hưởng nhưng nó không phải quyết định. Thứ quan trọng hơn là chương trình và phương pháp đào tạo của các trường sư phạm. Nó cần phải được cải cách mạnh để khoa học hơn, phù hợp hơn với thực tiễn.

Một kì thi “hai trong một” với đề thi kiểm tra kiến thức sách giáo khoa thuần túy có thể không đánh giá hết được năng lực của thí sinh. Nếu thí sinh có năng lực tư duy tốt thì khi vào môi trường học tập mới, môi trường tạo cơ hội cho họ phát huy tối đa tư duy độc lập, sáng tạo mọi chuyện sẽ khác.

Vì vậy, để nâng cao chất lượng thầy cô tương lai thì chuyện điểm thi đầu vào chỉ  là một trong số những công việc khác cần làm.

PV: Ông nhận xét như thế nào về điểm chuẩn ngành sư phạm năm nay và trong những năm gần đây?

NCS Nguyễn Quốc Vương: Điểm chuẩn vào các trường sư phạm ngày một thấp là một thực tế. Nó là hệ quả của việc sinh viên sư phạm ra trường khó tìm (xin) được việc làm. Thu nhập chính đáng đến từ lương của nghề giáo thấp cùng sự đánh giá xã hội đi xuống làm cho sự hấp dẫn của ngành này không còn. Sự “xuống giá” của nghề giáo tỉ lệ thuận với sự bế tắc của cải cách giáo dục. 

Nghề giáo cần tinh không cần nhiều

PV: Ngành sư phạm đang ở tình trạng “chuột chạy cùng sào” như cách đây 20, 30 năm. Theo ông, nguyên nhân sư phạm “rớt giá” nằm ở đâu? Đào tạo sư phạm hiện nay có những bất cập gì?

NCS Nguyễn Quốc Vương: Nghề giáo cần tinh không cần nhiều. Không nên đào tạo ào ạt khối các ngành sư phạm khi nhu cầu về giáo viên không lớn. Cần có cuộc điều tra xã hội học cụ thể và trên cơ sở đó tính toán tiến tới điều chỉnh chỉ tiêu của các ngành sư phạm sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế trong tương lai.

Theo cách làm của thế giới các trường sư phạm cũng dần dần phải biến thành trường tổng hợp có khoa sư phạm để sinh viên học xong có thể làm nhiều nghề thay vì chỉ có thể làm giáo viên.

Nội dung và phương thức đào tạo cần được điều chỉnh để tạo cơ hội cho các sinh viên theo đuổi nghề giáo có thể học sâu về nghề này và các sinh viên khác vẫn có cơ hội được học để làm các nghề khác. Nghĩa là cần đến một chương trình đào tạo “mở”. 

PV: Theo ông, có nên áp sàn cao hơn cho ngành sư phạm, hoặc ít nhất đặt tiêu chí môn chính phải đạt mức điểm nhất định. Đâu mới là biện pháp giải quyết được gốc rễ của vấn đề?

Tôi nghĩ chuyện lo ngại chất lượng đầu vào là hợp lý nhưng cũng cần tôn trọng luật chơi chung. Nếu như ngành sư phạm đang không ăn khách mà đặt ra các tiêu chuẩn phụ hay nâng điểm sàn theo ý chí của người làm tuyển sinh thì sẽ tuyển được sinh viên?

Quan trọng nhất trong chuyện này là phải làm thế nào để nghề giáo viên trở thành nghề hấp dẫn cả ở phương diện vị thế xã hội lẫn thu nhập.

Cái này có liên quan đến cải cách giáo dục và cải cách chính sách đối với nhà giáo. Không phải chỉ nâng tiền lương là xong. Sự hấp dẫn đến từ môi trường làm việc tự do, thoải mái, được tôn trọng có khi còn mạnh hơn tiền bạc. Không cải cách giáo dục có hiệu quả thì chuyện luẩn quẩn của ngành sư phạm sẽ còn tiếp tục kéo dài và ngày càng tệ hơn.