TPHCM

Ngày đầu di dời 79 tuyến xe khách: Hành khách tá hỏa vì nhầm bến

TPO - Hôm nay (11/10), TPHCM chính thức dời 79 tuyến xe khách đi 15 tỉnh, thành từ bến xe cũ (quận Bình Thạnh) ra bến xe miền Đông mới (TP Thủ Đức). Nhiều hành khách than phiền vì bến xe mới quá xa trung tâm thành phố, một vài trường hợp nhầm bến xe.

Từ 0 giờ ngày 11/10, Tổng công ty Giao thông vận tải Sài Gòn (Samco - chủ đầu tư Bến xe Miền Đông mới) chính thức thực hiện di dời giai đoạn 2 với 79 tuyến xe khách cố định đi 15 tỉnh, thành (Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Cần Thơ, Cà Mau) từ bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh) sang bến xe mới (TP Thủ Đức).

Trước đó, trong giai đoạn 1, đã có 22 tuyến chạy trên cự ly từ tỉnh Quảng Trị ra Bắc (từ 1.100km trở lên) chuyển về bến xe mới. Như vậy, từ ngày 11/10, sẽ có hơn 100 tuyến xe khách liên tỉnh đưa đón khách ở bến xe mới (cách bến xe cũ khoảng 20km).

Theo ghi nhận của PV, trong buổi sáng và trưa 11/10, khu vực bến xe Miền Đông mới nhộn nhịp hơn so với trước đây.

"Chúng tôi ở quận Bình Thạnh. Hôm nay, gia đình đi Khánh Hòa. Nhà xe thông báo là phải ra bến xe mới ở TP Thủ Đức thay vì bến cũ. Do có con nhỏ nên vợ chồng chúng tôi đã đặt taxi công nghệ với quãng đường từ nhà ra bến xe mới tốn khoảng 300.000 đồng", anh Nguyễn Minh Sơn (34 tuổi) chia sẻ.

Nhiều hành khách cho rằng sự bất tiện lớn nhất hiện nay là bến xe mới ở cách xa trung tâm thành phố. Di chuyển bằng xe buýt đến bến xe mới tốn khá nhiều thời gian.

Khu vực chờ ở bến xe Miền Đông mới nhộn nhịp trong ngày đầu dời 79 tuyến xe khách liên tỉnh về đây.

Khu vực bán vé ở bến xe Miền Đông mới.

Để đảm bảo hoạt động đón trả khách tại bến xe mới hiệu quả, Sở GTVT TPHCM khẳng định, ở giai đoạn 2 này, tất cả các tuyến sẽ đón khách tại bến xe Miền Đông mới, không trung chuyển tại bến xe cũ như giai đoạn 1. Đồng thời, các đơn vị liên quan không giải quyết cho các đơn vị vận tải di dời ra bến xe Miền Đông mới được lưu đậu tại bến xe cũ để đón trả khách.

Trưa 11/10, ông A. (tên nhân vật đã thay đổi) vừa cùng vợ đi taxi ra bến xe Miền Đông mới để mua vé về Đồng Xoài (Bình Phước). Tại đây, nhân viên bảo vệ thông báo rằng xe đi Bình Phước chưa dời về bến mới nên hướng dẫn vợ chồng ông A. xuống tầng hầm B1 để đón xe buýt về lại bến cũ.

"Tôi cùng vợ đi thăm con đang học ở Đại học Nông Lâm. Thăm con xong, chúng tôi ra bến xe mua vé để về quê thì con tôi đọc thông tin trên mạng nói là xe đã dời về bến mới nên đặt taxi công nghệ đưa chúng tôi ra đây. Ra đến đây thì mới biết xe về Bình Phước không thuộc 79 tuyến vừa dời vào hôm nay"- ông A. chia sẻ.

Vợ chồng ông A. "tay xách nách mang" đi xe buýt về lại bến xe cũ ở cách đó khoảng 20km để mua vé về quê.

Hiện khu vực tầng hầm B1 của bến xe Miền Đông mới có các tuyến xe buýt số 76, 93, 56, 55 kết nối vào trung tâm thành phố. Ngoài ra, còn có tuyến xe buýt số 150 chạy qua khu vực trước bến xe.

Bến xe Miền Đông mới được đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, hoạt động từ tháng 10/2020. Sau 2 năm đi vào khai thác, bến xe Miền Đông mới luôn trong tình trạng vắng khách kéo dài do vị trí cách trung tâm hơn 20 km, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, thiếu phương tiện kết nối… Thời gian qua, cơ quan chức năng tại TPHCM liên tục có biện pháp nhằm giúp bến xe này "thoát ế".

Theo Sở GTVT TPHCM, sau giai đoạn 2, khi tình hình ở bến xe mới ổn định, giao thông kết nối được đảm bảo, chủ đầu tư sẽ triển khai tiếp giai đoạn 3 (dời toàn bộ 63 tuyến còn lại ở bến cũ sang bến xe Miền Đông mới).

Để thuận tiện cho hành khách đi lại, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM cho biết đã kết nối nhiều tuyến xe buýt đến bến xe mới.

Cụ thể:

⁃ 4 tuyến xe buýt có trợ giá kết nối trực tiếp vào bến xe Miền Đông mới gồm: Tuyến 55 (Công viên phần mềm Quang Trung - BXMĐ mới), tuyến 56 (Bến xe buýt Chợ Lớn - Đại học GTVT), tuyến 76 (Long Phước - Suối Tiên - BXMĐ mới) và tuyến 93 (Bến Thành - BXMĐ mới).

Ngoài ra đã kết nối tuyến 150 vào đón trả hành khách tại sảnh BXMĐ mới theo hướng từ TP HCM đi ngã ba Tân Vạn.

⁃ Bên cạnh đó, có nhiều tuyến xe buýt không trợ giá đi ngang BXMĐ mới như: Tuyến số 60-1 (Bến xe Miền Tây - Bến xe Biên Hoà); tuyến số 60-2 (Đại học Nông Lâm - Bến xe Phú Túc); tuyến số 60-3 (BXMĐ – KCN Nhơn Trạch); Tuyến số 60-4 (BXMĐ – KCN Sông Mây).

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, tới đây đơn vị này sẽ lắp đặt nhà chờ xe buýt trước bến xe mới (giữa hai cổng F1 và F2) để kết nối trung chuyển cho thêm bốn tuyến xe buýt có lộ trình đi qua cổng bến trên đường xa lộ Hà Nội.