Sở GTVT TPHCM vừa có văn bản gửi Sở GTVT 15 tỉnh, thành đề nghị phối hợp thông báo, tuyên truyền việc di dời các tuyến xe khách giai đoạn 2 từ bến xe Miền Đông cũ sang bến xe Miền Đông mới.
Cụ thể, 79 tuyến xe khách được dời đi là những tuyến đang hoạt động tại bến xe Miền Đông cũ đi 15 tỉnh, thành, gồm: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Cần Thơ, Cà Mau.
Bến xe Miền Đông mới được đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, hoạt động từ tháng 10/2020. Đây là bến xe được đầu tư quy mô, hiện đại với diện tích 16 ha, nằm trên địa phận thuộc TP Thủ Đức và một phần TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Sau 2 năm đi vào khai thác, bến xe Miền Đông mới luôn trong tình trạng vắng khách kéo dài do vị trí cách trung tâm hơn 20 km, thiếu phương tiện kết nối, bến cũ ở nội đô vẫn còn... Ảnh: Hoàng Trang |
Trước đó, ở giai đoạn 1 từ tháng 10/2020, bến xe Miền Đông mới tiếp nhận từ bến xe cũ và khai thác 24 tuyến chạy từ Quảng Trị ra Bắc (hơn 1.100 km trở lên).
Theo Sở GTVT TPHCM, sau giai đoạn 2, khi tình hình ở bến xe mới ổn định, giao thông kết nối được đảm bảo, chủ đầu tư sẽ triển khai tiếp giai đoạn 3 (dời toàn bộ 63 tuyến còn lại ở bến cũ sang bến xe Miền Đông mới).
Song song với việc di dời các tuyến, bến xe Miền Đông cũ ở quận Bình Thạnh sẽ bố trí lại mặt bằng trông giữ xe hai bánh, xe ô tô cho hành khách để sử dụng xe trung chuyển về bến xe Miền Đông mới.
Với phương tiện trung chuyển, phía bến xe cũ ưu tiên bố trí không gian cho xe buýt, taxi dừng, đỗ đón, trả khách, văn phòng điều hành và nhà chờ cho hành khách. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ kết hợp khai thác dịch vụ hỗ trợ để cung cấp dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa xe, rửa xe, cung ứng nhiên liệu, trạm sạc cho các phương tiện.